1. Quản lý giáo dục cấp liên bang
Ở cấp liên bang có Bộ Giáo dục (US Department of Education). Bộ Giáo dục chỉ được hình thành từ năm 1980 sau khi hợp nhất một số cơ quan giáo dục cấp liên bang. Sứ mệnh của Bộ Giáo Dục là nâng cao hiệu quả của người học, chuẩn bị cho sự cạnh tranh toàn cầu bằng cách thúc đẩy chất lượng giáo dục và đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho mọi người. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là Bộ Giáo dục Hoa Kỳ hoàn toàn không có chức năng quản lý như Bộ Giáo Dục ở một số nước như Việt Nam và Trung Quốc. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ chịu trách nhiệm:
- Xây dựng các chính sách về hỗ trợ ngân sách quốc gia cho giáo dục, phân phối cũng như quản lý các nguồn quỹ này.
- Thu thập dữ liệu về hệ thống trường học và phổ biến các chương trình nghiên cứu. - Tập trung sự quan tâm của quốc gia về các vấn đề giáo dục then chốt.
52 Hoa Kỳ lớn thứ 3 hoặc thứ 4 thế giới so với Trung Quốc tùy theo cách xác định về lãnh thổ Trung Quốc
53 Số liệu tháng 6 năm 2009
- Ngăn cấm sự phân biệt đối xử và đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho mọi người. Chính quyền liên bang có thể ban hành một số đạo luật liên bang về giáo dục áp dụng trên toàn quốc như Đạo luật Giáo dục cho mọi trẻ em (No Child Left Behind Act), Đạo luật Giáo dục cho trẻ khuyết tật (Individuals with Disabilities Education Act) v.v…
Sơ đồ cơ cấu quản lý giáo dục ở Mỹ
2. Quản lý giáo dục cấp bang
Quản lý nhà nước về giáo dục ở Hoa Kỳ chỉ thực sự bắt đầu ở cấp bang. Tuy nhiên, tính phân quyền quản lý được thể hiện rất rõ ở chỗ mỗi cơ quan hoặc tổ chức giáo dục thuộc bang chỉ đảm trách một lĩnh vực riêng. Hơn nữa, mỗi địa phương lại có những quy định riêng tùy theo đặc điểm kinh tế xã hội ở đó sao cho phù hợp với luật của bang và liên bang.
2.1. Quản lý đối với giáo dục mầm non, tiểu học và trung học
Chính quyền bang có thẩm quyền điều phối đối với trường mầm non, tiểu học và trung học công lập, cấp phép đối với trường mầm non, tiểu học và trung học tư thục, cấp phép hoặc ban hành quy định đối với các bậc cha mẹ tự giáo dục con cái tại nhà. Trong nhiều trường hợp, các chính quyền bang còn thiết lập và giám sát chương trình, tiêu chuẩn và quy trình giảng dạy. Hầu hết sự quản lý của chính quyền bang thông qua Hội đồng giáo dục (State Board of Education).
Hội đồng giáo dục là cơ quan của những người được chỉ định bởi cơ quan lập pháp hoặc thống đốc bang trong một nhiệm kỳ nhất định. Công việc của họ là thực thi chức năng giám sát đối với các chính sách và hoạt động giáo dục trong toàn bang, xác định các ưu tiên về ngân sách, phê duyệt các chính sách và đường lối mới, quy định các chuẩn về chương trình giảng dạy, phê chuẩn việc bố trí một số nhân sự và thành lập trường mới, xem xét các đòi hỏi từ các cơ quan giáo dục địa phương, điều tra xử lý các vấn đề liên quan. Ở một số bang, hội đồng giáo dục chịu trách nhiệm tất cả các bậc học, nhưng ở hầu hết các bang, hội đồng này chỉ tập trung ở cấp mầm non, tiểu học và trung học.
Sở giáo dục của bang (State Department of Education) là cơ quan quản lý đại diện của Hội đồng giáo dục. Sở giáo dục của bang được đứng đầu bởi giám đốc Sở giáo dục, do Hội đồng giáo dục chọn, do thống đốc bang chỉ định hoặc do dân bầu tùy theo luật giáo dục của bang đó quy định.
2.2. Quản lý đối với giáo dục đại học và sau đại học
Các trường đại học cả công lập và tư thục đều có nhiều quyền tự chủ và tự điều hành nội bộ hơn đối với các trường phổ thông. Tuy vậy, các chính quyền bang vẫn thực hiện sự giám sát và phối hợp hành động đối với giáo dục đại học và sau đại học trong phạm vi quyền hạn pháp lý của mình, ban hành các quy định chung, ban hành các tiêu chuẩn và giám sát chất lượng đối với các loại bằng cấp, và cũng có thể có quyền điều phối đối với một số lĩnh vực hoạt động của trường đại học công lập (tùy thuộc vào luật của từng tiểu bang). Chính quyền bang quản lý giáo dục đại học và sau đại học thông qua nhiều cơ quan khác nhau liên quan đến bậc học này.
3. Quản lý giáo dục cấp địa phương
3.1. Quản lý đối với hệ thống trường công lập
Các địa phương được phân chia thành các phân khu trường học tạm gọi là các hạt (school district – tương đương với Phòng giáo dục ở Việt Nam). Các hạt chỉ bao gồm các trường tiểu học và trung học công lập của một thành phố, một hoặc nhiều quận. Mỗi hạt có một hội đồng giáo dục do địa phương đó bầu ra trong một nhiệm kỳ nhất định để định hướng chính sách phát triển giáo dục riêng cho các trường trong hạt sao cho đảm bảo sự phù hợp với chính sách và luật pháp chung của bang và liên bang. Hội đồng này sẽ chỉ định một giám đốc hạt để điều hành các hoạt động giáo dục công trong hạt. Chức năng của Hội đồng này bao gồm phê duyệt việc bổ nhiệm hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của giám đốc hạt, giám sát chương trình học của các trường công trong hạt, giám sát ngân sách bao gồm các nguồn kinh phí để xây dựng trường và mua sắm trang thiết bị giảng dạy.
Trong thực tế, khái niệm hạt khác nhau ở mỗi bang; có hạt chỉ đảm trách giáo dục trung học hoặc tiểu học hoặc giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp, trong khi có hạt đảm trách toàn bộ chương trình phổ thông. Như vậy tính phân quyền cho địa phương và sự không đồng nhất trong hệ thống được thấy rất rõ trong việc sắp xếp các hạt.
Tính trung bình, khoảng 43% nguồn quỹ chi cho giáo dục là từ địa phương. Các hạt chịu trách nhiệm đối với những chương trình giáo dục như giáo dục phổ thông, giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật và giáo dục căn bản cho người lớn. Những chương trình giáo dục căn bản cho người lớn, chẳng hạn như chương trình dạy nghề, nhằm giúp những người trên 18 tuổi có cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng với sự phát triển kinh tế xã hội. Những chương trình này có thể do các hạt đảm trách hoặc phối hợp với các cấp chính quyền khác nhau tổ chức.
Có khoảng 85% học sinh Hoa Kỳ học ở trường công. Việc tuyển sinh vào các trường này thường dựa vào địa bàn cư trú. Trẻ trong độ tuổi đến trường được miễn phí hoàn toàn khi chọn học ở trường công. Hệ thống trường công được hỗ trợ toàn bộ kinh phí nhờ vào nguồn thu thuế của địa phương và một phần của bang. Đây cũng là một trong những vấn đề gây ra tranh cãi về hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ vì những trường ở vùng kinh tế phát triển nhận được nhiều hỗ trợ hơn những vùng ít phát triển. Để bù đắp cho sự khác biệt chất lượng giữa các trường theo vị trí địa lý, một số trường công ở thành phố lớn cho phép một số lượng học sinh nhất định không cư trú trên địa bàn được đăng ký nhập học bên cạnh các học sinh trong vùng tuyển sinh của mình.
3.2. Quản lý đối với hệ thống trường tư thục
Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ công nhận cả giáo dục công và tư thục và không phân biệt đối xử giữa chúng. Trường tư có thể là trường tôn giáo, trường của các nhóm dân tộc (thiểu số), trường phi lợi nhuận và trường có lợi nhuận. Các trường tư thục được hoàn toàn tự chủ về mặt quản lý. Hội đồng quản trị được tự chỉ định hoặc chỉ định bởi chủ sở hữu là các nhóm tôn giáo hoặc hội đoàn. Các trường này không nhận được ngân sách hàng năm từ chính quyền bang nhưng họ có thể đòi hỏi và nhận được nguồn quỹ cho một số mục đích đặc biệt nếu được luật pháp của bang đó cho phép. Nhìn chung, trường tư ở Hoa Kỳ thường có chất lượng tốt hơn và dành cho con em của các gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn. Trong khi các trường công phải thu nhận tất cả học sinh trong vùng, trường tư được chọn học sinh từ các vùng khác nhau. Học phí ở các trường tư rất khác nhau, phụ thuộc vào vị trí địa lý, danh tiếng của trường, và nguồn quỹ sẵn có của trường đó. Điểm đáng lưu ý là các trường tư thục hoàn toàn không chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của Sở giáo dục bang. Quyết định về chương trình học trong các trường được đưa ra khác so với các trường công và hầu như không cần xem xét tới một số đạo luật liên bang như luật “Giáo dục cho mọi trẻ em”. Ở nhiều trường tư, giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc thiết kế chương trình học và ít chịu ảnh hưởng từ cấp trên. Họ có thể chọn lựa những giáo trình và phương pháp giảng dạy khác nhau để phù hợp với nhu cầu học sinh.