NHỮNG CẢI CÁCH CHÍNH GẦN ĐÂY

Một phần của tài liệu Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới (Trang 105 - 113)

1. Cải cách hệ thống trường học năm 1975

Cuộc cải cách chính trong hệ thống giáo dục của Pháp là cải cách năm 1975 với hệ thống trường trung học thống nhất và toàn diện nối tiếp sau 5 năm giáo dục tiểu học phổ cập. Ý tưởng về hệ thống trường trung học thống nhất là nhằm tạo ra nền tảng chung cho việc phổ cập chu kỳ đầu của giáo dục trung học (THCS) cho đến khi học sinh hoàn thành “Bằng tốt nghiệp chu kỳ đầu”. Hai năm đầu THCS (đệ lục và đệ ngũ) tạm gọi là ‘chu kỳ quan sát’ giống nhau cho tất cả mọi đối tượng học sinh. Tuy nhiên, 2 năm cuối (đệ tứ và đệ tam) được xem là ‘chu kỳ định hướng’, phân biệt giữa một hướng thiên về đại cương và một hướng thiên về hướng nghiệp. Sự xác định được đưa ra trong khuôn khổ khung định hướng sau lớp đệ ngũ, tức là khi học sinh khoảng 13 tuổi, như là bước ngoặt đầu tiên trong việc sắp xếp, phân loại học sinh trong hệ thống giáo dục ở Pháp. Sự lựa chọn dựa trên thành tích học tập của học sinh trong 2 năm đầu trung học và gần đây còn dựa trên cả sự lựa chọn của cha mẹ học sinh trong trường hợp họ từ chối một sự ‘định hướng kém’.

Chu kỳ thứ hai của giáo dục trung học được kết hợp lại trong một Trường THPT đại cương và công nghệ (LEGT). Cách kết hợp như vậy nhằm nâng cao vị thế của giáo dục kỹ thuật. Mảng kỹ thuật và mảng đại cương học chung trong một năm học đầu (lớp đệ nhị) sau đó chia ra theo chuyên ngành. Sau 3 năm, học sinh của mảng đại cương sẽ lấy bằng tú tài đại cương, học sinh của mảng kỹ thuật sẽ lấy bằng tú tài công nghệ. Trong khi mục tiêu của bằng tú tài nghề phổ thông (học ở trường THPT

em cũng đủ sức học đại học, thì mục đích chính của việc đưa ra bằng tú tài công nghệ (học ở trường THPT đại cương và công nghệ) là nhằm chuẩn bị cho học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể lấy những

văn bằng kỹ thuật tương đương đại học ở các khoa kỹ thuật cao cấp (STS) hoặc viện đại học công nghệ (IUT). Tất cả các loại bằng tú tài đều được cấp sau khi học sinh qua một kỳ thi tú tài tập trung trên toàn quốc.

2. Xu hướng phân quyền phân cấp

Cùng với xu hướng phân cấp trong hệ thống chính quyền, chủ trương phân cấp phân quyền trong giáo dục cũng được thể hiện rất rõ trong những thập niên gần đây. Sự phân cấp này đã tạo ra hệ thống giáo dục linh hoạt hơn và đa dạng hơn so với hệ thống quá cứng nhắc trước đây. Các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan khác duới sự quản lý của Bộ giáo dục quốc gia hiện nay đã được trao quyền nhiều hơn trong quản trị trường học. Các vấn đề giờ đây không chỉ còn được quyết định tại Paris hoặc do các văn phòng thuộc bộ quyết định. Hàng năm, các cơ quan quản lý giáo dục của 35 khu vực giáo dục nhận được từ Chính phủ một ngân khoản chung cho từng mục chi, số tiền đó sẽ được phân bổ tới các đơn vị giáo dục. Bên cạnh việc chịu trách nhiệm về hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông, các Giám đốc cơ quan quản lý giáo dục của khu vực còn là “Hiệu trưởng trên danh nghĩa” của các trường đại học trong khu vực đó và là người quản lý hợp đồng giữa những trường tư thục với nhà nước.

Kể từ năm 1999, Giám đốc cơ quan quản lý giáo dục của khu vực đã được phân quyền quản lý giáo viên, theo đó họ có thêm trách nhiệm mới và quan trọng là phân công các vị trí công tác, nâng chức và luân chuyển giáo viên giữa các trường trong phạm vi khu vực giáo dục của họ. Từ 2001 ngành giáo dục có các kế hoạch nhằm hỗ trợ chuyên môn cho những giáo viên ở tiểu học và trung học mới vào nghề cũng như có hoạt động đào tạo tại chức cho những giáo viên này. Thông tư mới giao trách nhiệm cho các cơ quan quản lý giáo dục của các khu vực giáo dục về việc tổ chức các chương trình đào tạo này.

Ở cấp địa phương, sự phân quyền cũng trao cho cấp quản lý thấp nhất. Hiệu trưởng các trường hiện nay có nhiều quyền tự do và linh hoạt hơn trong công tác điều hành. Trường THPT và THCS (không có trường tiểu học) đã trở thành các chủ thể pháp lý với quyền tự chủ về tài chính. Các trường này cũng dần dần có được quyền tự chủ về giáo dục nhiều hơn, thể hiện ở chỗ, mỗi trường đưa ra một “dự án cấp cơ sở”, trong đó vạch ra cách thức thực hiện các mục tiêu và chương trình học quốc gia; điều này cho phép các trường điều chỉnh các môn học phù hợp hơn với đối tượng học sinh của mình, qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các em.

3 Các cải cách khác

Một nỗ lực mang tính đột phá vào năm 1985 là việc đào tạo và cấp văn bằng được được gọi là “bằng tú tài nghề” (BP) trong các trường THPT nghề, tạo điều kiện cho học sinh có bằng này có thể tiếp tục học lên đến bậc đại học (trước đó chỉ học sinh học ở trường THPT đại cương và công nghệ mới được cấp bằng tú tài). Một mặt, ý tưởng về việc mở ra những cơ hội để có được bằng nghề ở bậc đại học là nhằm giúp học sinh vượt qua định kiến xấu về các loại hình đào tạo nghề , theo đó từ cuối những năm 1980, học sinh vừa có thể lấy bằng tù tài nghề (BP), Bằng kỹ thuật viên cao cấp (BTS) vừa có thể học lấy các bằng đại học trong khuôn khổ học nghề. Mặt khác, cải cách hệ thống đào tạo nghề và hướng nghiệp là nhằm giải quyết tâm lý lựa chọn miễn cưỡng vào mảng học nghề, lần này, không phải bằng việc giới hạn các lựa chọn nghề nghiệp cơ bản của học sinh mà là mở ra cơ hội cho những học sinh thực sự có tài năng về nghề.

Luật năm 1987 và 1992 đã đưa hình thức đào tạo học việc thành một hướng để có thể lấy bằng tốt nghiệp nghề phổ thông, bằng tú tài nghề và thậm chí là các văn bằng cao hơn, với trọng tâm về nghề cụ thể hơn. Vì vậy việc học việc, từng bị bó hẹp vào một số nghề thủ công, nay đã mở rộng ra nhiều nghề chuyên môn hơn để người học có thể lựa chọn.

Những cải cách từ năm học 1989-1990 đã chia giáo dục mầm non và tiểu học thành 3 chu kỳ. Chu kỳ đầu gồm 2 hoặc 3 năm giáo dục mầm non, chu kỳ thứ hai gồm 1 năm giáo dục mầm non và 2

năm đầu của giáo dục tiểu học, và chu kỳ cuối gồm 3 năm cuối của giáo dục tiểu học. Căn cứ trên cách phân chia này đã có những điều chỉnh về môn học theo đó trẻ có thể được chuyển sang học chu kỳ kế tiếp trước thời hạn 3 năm của chu kỳ hoặc kéo dài thêm 1 chu kỳ nào đó tùy theo khả năng học tập của trẻ.

Sự phát triển của ngành giáo dục đã liên tục mở ra những cánh cửa từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông cho đại bộ phận học sinh ở Pháp. Điều đó đã tạo điều kiện cho nhiều nhóm đối tượng học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, đạt đến các mức độ của giáo dục và đào tạo mà trước kia các em không được tiếp cận. Tuy nhiên, sự dân chủ hóa này lại đang tạo ra một thách thức cho nhà nước là phải làm sao đảm bảo giáo dục chung và cơ hội học tập như nhau cho tất cả thanh niên, học sinh, không kể hoàn cảnh.

Những cải cách gần đây chú trọng nâng cao trình độ, địa vị và thu nhập của giáo viên. Phần lớn giáo viên là công chức nhà nước được đào tạo ở các trường sư phạm với trình độ đại học. Từ năm 1991 nhà nước đã thành lập các trường đại học chuyên ngành sư phạm với mục đích là đào tạo giáo viên tiểu học và giáo viên trung học có tay nghề cao.

Từ năm học 2005-2006, chính phủ đã đưa ra chuẩn 7 kỹ năng / năng lực cơ bản mà học sinh tiểu học và trung học phải đạt được sau khi tốt nghiệp. Các kỹ năng / năng lực đó là:

+ Nắm vững tiếng Pháp

+ Có khả năng sử dụng một sinh ngữ (ngoại ngữ) khác

+ Nắm được kiến thức cơ bản về toán, khoa học và công nghệ + Quen với những kỹ năng thông thường về công nghệ thông tin + Có kiến thức cơ bản về khoa học nhân văn

+ Có tinh thần trách nhiệm công dân và xã hội + Có tinh thần tự chủ và sáng tạo

Những kỹ năng và năng lực trên được cho là cần thiết cho trẻ để thành công trong học tập cũng như giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Chính phủ đã thành lập một ủy ban kiểm tra cũng như cơ chế đánh giá để theo dõi sự tiến bộ của học sinh trên toàn quốc đối với 7 kỹ năng / năng lực này. Kỳ thi đánh giá thứ nhất tổ chức vào cuối lớp sơ cấp 1 (CE 1 – tương đương lớp 2 ở Việt Nam) tập trung chủ yếu ở các kỹ năng đọc viết, kỳ thi thứ 2 tổ chức vào cuối bậc tiểu học tập trung ở các kỹ năng tính toán cơ bản, và kỳ thi thứ 3 tổ chức vào cuối bậc THCS (kết hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THCS) kiểm tra tất cả 7 kỹ năng / năng lực. Bộ giáo dục quốc gia còn phát hành quyển hướng dẫn các chuẩn để học sinh, phụ huynh và giáo viên nắm được mức độ tiến bộ về các năng lực này. Đây là lần đầu tiên kể từ Luật Jules Ferry năm 1882 nhà nước đã cụ thể hóa những gì trẻ phải học ở trường.

VII. PHỤ LỤC

Như đã trình bày trong phần đầu, nước Pháp có một nền giáo dục sớm phát triển nhưng vẫn đang tồn tại rất nhiều bất cập trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là các vấn đề về nội dung và phương pháp giảng dạy, hệ thống thi cử đánh giá, giáo dục nhân cách cho trẻ, v.v…trong nền kinh tế tri thức, xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ thông tin. Đây cũng chính là các vấn đề được các nhà giáo dục Việt Nam hết sức quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Nhân dịp khai giảng năm học 2007- 2008, Tổng thống Pháp Nilolas Sakozy đã viết một bức thư dài gởi các nhà giáo dục để nêu ra các vấn đề và giải pháp đối với thực trạng giáo dục nước Pháp. Nội dung của bức thư phản ánh những xu hướng cải cách gần đây và gợi mở những cải cách mạnh mẽ hơn nữa đối với giáo dục trong thế kỷ 21. Do những nội dung được nêu ra rất thuyết phục, rất gần gũi với các vấn đề chung của thời đại, bức thư sau đó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số đoạn tiêu biểu trong bức thư này để bạn đọc tham khảo.

Nhân dịp khai trường đầu tiên từ khi được bầu làm Tổng thống, cho phép tôi được trao đổi với các vị về tương lai của con em chúng ta.

Tôi rất muốn được nói với các vị về tương lai con em chúng ta. Tương lai của các em đang nằm trong tay của mỗi người trong số các các vị, những người có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn, bảo vệ tâm hồn và tình cảm chưa phát triển toàn diện, chưa được chín chắn, còn đang hình thành, còn mỏng manh, yếu ớt và dễ bị tổn thương của trẻ. Các vị có trách nhiệm giúp đỡ trẻ phát triển khả năng trí tuệ, tình cảm đạo đức, thể lực từ lúc trẻ còn thơ bé cho đến lúc trưởng thành. Đây là một trong những trách nhiệm nặng nề nhất nhưng cũng là trách nhiệm đẹp đẽ và vinh quang nhất.

Giúp cho trí tuệ và tình cảm phát triển và tìm thấy đường đi thì còn gì cao cả và đẹp đẽ hơn? Nhưng cũng có gì khó khăn hơn thế? Bởi bên cạnh niềm tự hào được thấy trẻ lớn lên, tính cách và suy luận của trẻ tự khẳng định, bên cạnh niềm hạnh phúc được truyền cho trẻ những gì mỗi chúng ta cho là quý giá nhất trong chúng ta, luôn tồn tại sự e ngại rằng chúng ta kìm hãm một tài năng, sợ đà phát triển bị chặn đứng, sợ chúng ta quá dễ dãi hoặc quá nghiêm khắc, sợ không hiểu những suy nghĩ thầm kín của trẻ, những điều trẻ thể hiện và cả những điều trẻ có khả năng thực hiện.

Một sự đảo chiều đáng buồn

Giáo dục là sự dung hòa giữa hai hoạt động trái ngược nhau: Một là giúp mỗi đứa trẻ tìm thấy con đường riêng của các em, và hai là khắc sâu vào tâm trí các em những gì mà chính bản thân chúng ta tin là lẽ phải, thật và đẹp.

Người lớn khi đối xử với một đứa trẻ đang lớn cần lưu ý: Không được bóp nghẹt tính cách của trẻ mà phải nỗ lực giáo dục. Mỗi một đứa trẻ, mỗi một thiếu niên đều là những cá nhân thực sự, các em cũng có tính cách riêng, suy nghĩ riêng, cảm nhận riêng. Các em phải có quyền giãi bày những suy nghĩ hay cảm giác đó. Nhưng chúng cũng phải học hỏi thêm.

Nhiều năm nay, giáo dục đã bỏ qua cá tính của trẻ. Tất cả trẻ em đều phải chui vào một khuôn mẫu duy nhất, phải học những thứ giống nhau, tại cùng thời điểm, bằng phương pháp giống nhau. Kiến thức đã được đặt lên trên hết thảy. Cách giáo dục kiểu này cũng có tầm vóc của nó. Đòi hỏi và khắt khe khiến học sinh tiến lên, hướng học sinh vượt quá niềm mong đợi của chính bản thân chúng dù bản thân các em có muốn hay không. Yêu cầu và tính chất khắt khe của nền giáo dục này đã biến nó thành một nhân tố mạnh mẽ của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ phải chịu đựng nó, và cảm thấy chính bản thân mình bị loại khỏi những lợi ích của nền giáo dục này. Điều này không phải vì các em không có tài năng hay không có khả năng học, không có khả năng hiểu biết, mà vì sự cảm nhận của các em, trí thông minh hay tính cách của các em không phù hợp với khuôn khổ duy nhất mà chúng ta áp đặt cho mọi trẻ em.

Như một kiểu phản ứng, từ vài thập kỉ nay, chính tính cách của trẻ mới được xem là trung tâm của nền giáo dục thay vì kiến thức. Coi trọng hơn những gì đặc biệt trong một đứa trẻ, những gì có thể giúp trẻ thể hiện cá nhân, tính cách tâm lý của các em là cần thiết và đáng được hoan nghênh. Điều quan trọng là giúp trẻ thể hiện phần tốt đẹp nhất, điểm mạnh của các em và sửa đổi những điểm yếu. Nhưng nếu chúng ta coi trọng quá mức những điều này, quá sợ hãi rằng có thể cản trở trẻ phát triển tính cách, và chỉ còn nhìn thấy giáo dục qua lăng kính tâm lý, chúng ta sẽ lại rơi vào một thái cực khác. Thái cực không truyền đạt đầy đủ kiến thức.

Trong quá khứ, giáo dục tập trung quá nhiều vào văn hóa mà không mấy chú trọng vào yếu tố tự nhiên. Nhưng ngày nay có lẽ giáo dục lại chú ý quá nhiều đến yếu tố tự nhiên và không chú tâm đầy đủ vào văn hóa. Xưa kia, chúng ta quá đề cao việc truyền đạt tri thức và những giá trị của nó. Còn ngày nay, ngược lại, chúng ta lại không coi trọng nó đúng mức. Kết quả là, quyền hạn của giáo viên bị suy yếu. Quyền hạn của các bậc cha mẹ và trường học cũng vậy. Văn hóa chung được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời ngày càng phong phú hơn đã bị lung lay đến mức chúng ta khó giao tiếp với nhau hơn, khó hiểu nhau hơn. Thất bại học đường đã đến mức không thể chấp nhận được. Sự bất bình đẳng về mặt tri thức và văn hóa đã gia tăng khi khắp nơi trên thế giới, xã hội kiến

Một phần của tài liệu Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới (Trang 105 - 113)