KHÁI QUÁT HỆ THỐNG GIÁO DỤC ANH

Một phần của tài liệu Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới (Trang 91 - 96)

Giáo dục ở Anh là bắt buộc và miễn phí đối với tất cả trẻ em từ 5 đến 16 tuổi. Học sinh có thể chọn học ở trường công, trường tư, hoặc học tại nhà. Khoảng 94% trẻ em học tại các trường công, và khoảng 6% học sinh học tại các trường tư hoặc học tại nhà. Trường công phải thu nhận mọi học sinh và được chính phủ tài trợ kinh phí hoạt động thông qua sự điều hành của cơ quan quản lý giáo dục địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vài trường chuyên biệt “grammar school” chỉ chọn những học sinh có kết quả học tập xuất sắc vào trường. Các trường công giảng dạy theo chương trình học quốc gia và tiến hành các kỳ thi/ kiểm tra trên toàn quốc. Các trường chịu sự thanh tra của Văn phòng về các chuẩn trong giáo dục, dịch vụ và kỹ năng cho trẻ (Ofsted) nhằm đảm bảo hoạt động giảng dạy của trường đạt chất lượng cao và xứng đáng với sự đầu tư về tài chính. Các loại hình trường khác nhau được điều hành theo những cách khác nhau, tiến hành những chính sách khác nhau và đáp ứng những nhu cầu giáo dục khác nhau. Bộ chuẩn trường học và Khung luật 1998 xác định 4 nhóm trường công lập chính: trường cộng đồng được quỹ tư nhân cấp tiền, được địa phương tình nguyện quản lý và được khu vực tình nguyện hỗ trợ.

Năm học thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 6 với 2 tháng nghỉ hè.

1. Giáo dục mầm non và dự bị tiểu học

Trong những năm qua, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu mở rộng và xây dựng hệ thống giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em công lập, hợp tác với các đơn vị tư nhân và tự nguyện. Đối với trẻ từ 3 tháng đến 3 năm tuổi, chương trình giáo dục chủ yếu là do đơn vị tư nhân và tự nguyện cung cấp và cha mẹ học sinh trả phí. Với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, có các lớp học trong những trường mẫu giáo công lập và các lớp mẫu giáo trong trường tiểu học cũng như trong các cơ sở tư thục và tự nguyện. Đã có chương trình giảng dạy ngoài giờ miễn phí cho trẻ 3 và 4 tuổi ở Anh. Những trẻ được hưởng giáo dục miễn phí có thể tham gia 5 buổi học 2 tiếng rưỡi/ tuần trong 38 tuần/ năm. Nói chung, phần lớn những trẻ 3 và 4 tuổi đều tham gia một chương trình học nhất định, trước khi đi học chương trình bắt buộc. Nhiều trẻ em bắt đầu đi học mẫu giáo từ 3 hoặc 4 tuổi.

Ở Anh, kể từ sau Luật Giáo dục 2002, giai đoạn nền tảng trong giáo dục đã được chính thức ban hành. Điều này mang lại quyền lợi cho trẻ em, từ 3 tuổi đến cuối lớp tiếp nhận các em mới vào trường (thường là 5 tuổi) trong chương trình giảng dạy công lập. Theo luật, trẻ em trong giai đoạn này sẽ được giảng dạy hướng tới “những mục đích học tập đầu đời”, bao gồm 6 nội dung chính (nhân cách, phát triển về mặt xã hội và tình cảm, giao tiếp, ngôn ngữ và chữ viết; toán học, kiến thức và hiểu biết về thế giới, phát triển về thể chất; phát triển sự sáng tạo. Bảng dưới đây tổng kết cấu trúc của hệ thống giáo dục cùng với các giai đoạn khác nhau.

2. Giáo dục tiểu học

Giáo dục bắt buộc bắt đầu từ 5 tuổi. Học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 6 học các môn học bắt buộc gồm tiếng Anh, toán, và khoa học và những môn nền tảng như lịch sử, địa lý, nhạc, nghệ thuật, và giáo dục thể chất. Học sinh tiểu học sẽ học từ năm nhất lên đến năm thứ sáu mà không phải qua một kỳ thi nào. Học sinh được chú trọng vào việc học bằng cách tự khám phá hơn là học thuộc lòng. Lớp 1 và 2 được gọi là “infants”, lớp 3 đến lớp 6 được gọi là “juniors”.

3. Giáo dục trung học (Từ 11 – 16 tuổi)

Sau sáu năm ở bậc tiểu học, học sinh thường chuyển sang trường phổ thông ở độ tuổi 11. Chương trình giáo dục trung học gồm 5 năm và còn gọi là bậc. Ở lớp 7, 8, 9 học sinh học chương trình chung, vào lớp 10 (bậc 4), học sinh bắt đầu học để chuẩn bị cho một loạt các kỳ thi được gọi là chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học– GCSE. Cuối bậc 5, học sinh vào lứa tuổi 16 trải qua kỳ kiểm tra GCSE gồm chín hoặc mười môn học, bốn trong số đó là các môn tự chọn. Chứng chỉ này đánh giá quá trình học tập của học sinh phổ thông trung học và ảnh hưởng trực tiếp đến sự lựa chọn các khoá học tiếp theo của học sinh tại Anh Quốc. Chứng chỉ GCSE có thang điểm từ A là cao nhất đến G là thấp nhất.

Sơ đồ hệ thống giáo dục Anh

4. Trường bậc 6 – Từ 16 đến 18 tuổi

Sau khi hoàn thành giáo dục bắt buộc và hoàn thành kỳ thi GCSE ở độ tuổi 16, học sinh có thể hợp pháp rời trường và bắt đầu đi làm. Tuy nhiên, hầu hết học sinh tiếp tục học thêm 2 năm nữa trong những chương trình huấn luyện tại các trường kỹ thuật; hoặc trường nghề; hoặc tiếp tục để chuẩn bị vào trường đại học, để lấy chứng chỉ A (A levels). Năm thứ nhất được gọi là "Bậc 6 cấp thấp"; năm thứ hai gọi là "Bậc 6 cấp cao". Những kỳ thi A-levels được thi vào cuối mỗi năm 1 và năm 2. Kết quả 2 năm sẽ là điểm A-levels. Theo thường lệ, các trường đại học chọn sinh viên thi A-levels với 3 hoặc 4 môn học tại các trường đào tạo chuyên biệt. . Điểm A-levels càng cao, sinh viên càng có cơ hội vào các trường đại học hàng đầu.

5. Giáo dục đại học và sau đại học

Thông thường chương trình Đại học ở Anh và xứ Wales khoảng 3 năm, (các ngành Y, Dược và Kiến trúc sẽ kéo dài lâu hơn). Ở Scotland chương trình Đại học là 4 năm. Một số trường Đại học có chương trình cử nhân rút gọn 2 năm. Mỗi năm học thường được chia thành 2 đến 3 học kỳ. Sinh viên sẽ nhận được bằng Cử nhân về các môn khoa học xã hội (BA) cho các ngành như ngôn ngữ, nghệ thuật, khoa học xã hội; Cử nhân Khoa học (BSC) cho các bộ môn khoa học và Cử nhân Kỹ thuật (BEng) cho các ngành liên quan đến kỹ thuật và công nghệ. Chỉ tiêu đầu vào các trường đại học dành cho sinh viên quốc tế bao gồm Anh văn (thấp nhấp IELTS 6.0) và A-levels hoặc một năm Dự bị đại học.

Học sau đại học là bước kế tiếp của bậc đại học. Có hơn 20.000 khoá đào tạo sau đại học ở Anh Quốc về rất nhiều chuyên ngành khác nhau, các khoá học thường có thời gian ngắn, từ chín tháng đến hai năm. Các chương trình Thạc sỹ nghiên cứu triết lý (Mphil), thạc sỹ khoa học xã hội (MA) và Khoa học nghiên cứu (MSc) có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm. Khoá tiến sỹ là một chương trình nghiên cứu từ 3 năm trở lên. Với sinh viên quốc tế, hầu hết những chương trình Thạc sĩ hay Tiến sĩ đều yêu cầu họ có bằng đại học được công nhận và Anh ngữ thông thạo (trình độ IELTS 6.5).

6. Các chương trình giáo dục khác

Nếu không học GCSE hoặc chứng chỉ A, học sinh có thể học các khóa dạy nghề. Đây cũng có thể là một con đường để vào đại học. Hầu hết các khóa dạy nghề là cho học sinh trên 16 tuổi, được dạy tại các trường Cao đẳng công lập. Các trường cao đẳng (FE), của cả hệ thống công lập và tư thục, dạy nhiều chương trình đa dạng bao gồm các khóa Anh ngữ, các khóa lấy chứng chỉ GCSE, chứng chỉ A hoặc các văn bằng tương đương, các khóa hướng nghiệp, các khóa dự bị và một số khóa đại học. Sau khi học xong chứng chỉ A, học sinh có thể nộp đơn vào các trường đại học qua hệ thống tuyển sinh UCAS.

IV. NHỮNG CẢI CÁCH QUAN TRỌNG TRONG GIÁO DỤC 1. Phát triển giáo dục toàn diện ở mỗi đứa trẻ (Luật giáo dục 1944)

Trong lịch sử giáo dục của Anh đầu thế kỷ XX, Luật Giáo dục 1944 (còn được biết đến là Butler Act) có giá trị ảnh hưởng quan trọng nhất đến hệ thống giáo dục và nó thay thế tất cả các luật trước đó. Chính phủ nhận ra rằng giáo dục là vấn đề quan trọng của mỗi cá nhân và của quốc gia. Nếu giáo dục mong muốn nuôi dưỡng tinh thần, trí tuệ, và thể chất tốt cho cộng đồng, nó phải nuôi dưỡng tinh thần, trí tuệ và thể chất của mỗi cá nhân. Trẻ em phải là trung tâm cho mọi hoạt động giáo dục. Giáo dục không chỉ liên quan đến học thuật mà phải liên quan đến sự phát triển toàn diện của từng đứa trẻ với

sự nuôi dưỡng đầy đủ về tinh thần, đạo đức, trí tuệ, và thể chất. Khái niêm này được sự đồng thuận

của tất cả các tầng lớp xã hội và các Đảng đối lập. Trong lịch sử giáo dục Anh, những giá trị tôn giáo, tâm linh được xem là quan trọng tối cao. Một lần nữa, Luật 1944 nhấn mạnh việc rèn luyện tâm linh, thực hiện các lễ nghi tôn giáo và cầu nguyện chung của tất cả học sinh trước khi bắt đầu ngày học ở trường. (sau này, vấn đề này bị chỉ trích là không phù hợp với những người không có niềm tin vào tôn giáo). Giáo dục chính quy được miễn phí cho tất cả trẻ em và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của bất cứ ai. Luật 1944 cũng đã quy định việc phát triển những giá trị tinh thần, đạo đức, văn hóa ở mỗi đứa trẻ. Để giúp phát triển thể chất tốt ở trẻ, chính phủ hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục rèn luyện thể chất, hỗ trợ mở rộng cơ hội và điều kiện cho trẻ em và thanh niên tham gia các môn thể thao. Trường học phải đảm bảo việc học sinh trong trường có chế độ ăn uống dinh dưỡng, an toàn và hợp lý.

Luật 1944 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục địa phương trong việc đáp ứng những nhu cầu xã hội và phúc lợi, hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ em phải được đảm bảo có cơ hội tốt nhất để phát huy hết năng lực bản thân. Các nhà giáo dục phải hiểu những đặc điểm riêng biệt của mỗi cá nhân cũng như những trở ngại thành công của mỗi đứa trẻ. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý là phải cung cấp tất cả các công cụ hỗ trợ cần thiết vì sự thành công của học sinh. Luật 1944 đã thực sự mang lại ý nghĩa lịch sử quan trọng trong việc phát triển giáo dục ở Anh. Tuy nhiên luật này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hệ thống giáo dục được tiếp tục cải cách ở những luật tiếp theo.

2. Loại bỏ chính sách tuyển chọn học sinh (năm 1965)

Để có được hệ thống giáo dục như ngày nay, chính phủ Anh quốc đã vượt qua được tính bảo thủ đặc trưng để quyết tâm cải tổ hệ thống giáo dục. Ở những năm 1945, hệ thống giáo dục ở Anh được phân chia thành ba hệ thống và đi theo chính sách tuyển lựa từ rất sớm. Khoảng năm 11 tuổi, tất cả trẻ em Anh đều phải trải qua một kỳ thi vào cuối bậc tiểu học để phân loại trình độ học sinh. Những học sinh nào qua được kỳ thi này mới được vào học các trường trung học chuyên biệt gọi là “Grammar

School”. Học sinh ở những trường chuyên biệt này được xem là có năng lực và hầu hết được chọn vào các trường đại học danh tiếng sau khi tốt nghiệp.

Những học sinh nào không qua được kỳ thi phân loại này, phải đi học những trường gọi là “secondary modern” có trình độ thấp hơn nhiều, hoặc phải học ở trường kỹ thuật. Kỳ thi ở năm 11 tuổi đã quyết định phần lớn tương lai học tập và nghề nghiệp của đứa trẻ. So với trường chuyên biệt, trường “secondary modern” và trường kỹ thuật ít nhận được sự quan tâm của chính phủ hơn, ít được đầu tư về nguồn lực hơn và ít có đội ngũ giáo viên có năng lực hơn. Tâm lý học sinh thi rớt và phải học ở những trường secondary và trường kỹ thuật được đánh giá là “nhụt chí”. Sự phân loại trình độ học sinh và mức độ ưu tiên đầu tư giữa trường chuyên biệt “grammar school” và “secondary modern” ở Anh trong giai đoạn này khá giống với sự chênh lệch từng tồn tại giữa các trường công lập và trường bán công Việt Nam trong những năm trước đây.

Không có một vấn đề nào khó khăn và gây nhiều tranh cãi bằng vấn đề làm sao tổ chức được một hệ thống giáo dục có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi trẻ em, giàu cũng như nghèo, thông minh cũng như không thông minh, phát triển sớm cũng như chậm. Ðòi hỏi chung cho hầu hết mọi cải cách trong hệ thống giáo dục là làm sao đào tạo ra những công dân, những nhà lãnh đạo để có thể đóng góp tốt nhất cho sự phát triển xã hội. Kiểu hệ thống phân loại này được xem là chỉ ưu tiên cho học sinh xuất sắc, cho tầng lớp “thượng lưu, quý tộc”, gây lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực tiềm tàng, và là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội.

Trong nhiều năm, giáo dục là một trong những điểm chính phân biệt hai Đảng Bảo Thủ và Lao Ðộng. Trong lúc Đảng Lao Ðộng kiên quyết chống việc tuyển chọn học sinh và chủ trương một nền giáo dục bình đẳng dựa vào hệ thống các trường trung học tổng hợp, thì đảng Bảo Thủ vẫn chủ trương phải lựa chọn học sinh xuất sắc để đào tạo ở các trường chuyên biệt. Năm 1965, Đảng Lao động đã quyết tâm cải tổ hệ thống giáo dục của đất nước và giáo dục Anh đã chuyển sang một hệ thống giáo dục không tuyển chọn, hủy bỏ những trường trung học “secondary modern” và thành lập hệ thống những trường trung học tổng hợp. Như vậy, những trường trung học tổng hợp phải nhận tất cả học sinh không phân biệt năng lực, hay thành phần xã hội. Khi chuyển từ hệ thống giáo dục tuyển lựa và phân loại học sinh từ sớm sang hệ thống giáo dục không tuyển lựa, các nhà lãnh đạo Anh hy vọng rằng sẽ loại bỏ được một trong những bất cập của giáo dục Anh về bất bình đẳng và chênh lệch trình độ giữa học sinh các trường.

3. Những cải cách dưới thời Tony Blair (1997-2007)

Ở nước Anh, trong hai thập kỷ vừa qua, đã có những báo cáo và yêu cầu phải cải cách giáo dục do những mối quan ngại về chuẩn kiến thức cũng như chất lượng học tập của học sinh ngày càng thấp. Một vài báo cáo đã phê bình các trường vì các chuẩn thấp và ngày càng yếu kém. Nhiều người cũng xem kết quả hoạt động yếu kém của nền kinh tế so với các quốc gia khác, là do lực lượng lao động được đào tạo kém và thiếu kỹ năng cần thiết. Trong suốt một thập kỷ cầm quyền lãnh đạo từ 1997- 2007, Thủ tướng Tony Blair đã nỗ lực trong công tác cải thiện chất lượng giáo dục tại các trường học ở Anh. Cải cách được tiến hành trên diện rộng với việc xây dựng tài liệu cấp quốc gia, đào tạo nhân lực theo tầng bậc, sử dụng hệ thống về trách nhiệm giải trình để đưa ra những kết quả và thanh tra trường học để đảm bảo rằng việc áp dụng những hoạt động đổi mới có hiệu quả hơn. Chính phủ xây dựng một chương trình đào tạo giáo viên và tổ chức một chương trình quan hệ công chúng toàn quốc để đánh giá cao sự nghiệp giảng dạy và triển vọng của giáo viên. Anh đã thu hút nhiều giáo viên trẻ tài năng bằng mức lương 7 nghìn bảng Anh (tương đương 14 nghìn đô la Mỹ) cho những giáo viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo giảng dạy một năm.

Chất lượng giáo dục được đánh giá qua kết quả các bài kiểm tra, và các nhà giám sát giáo dục của chính phủ trực tiếp xuống giám sát và tìm ra nguyên nhân dẫn đến chất lượng bài kiểm tra kém của học sinh. Những trường có thành tích yếu kém cũng được kiểm tra kỹ: đóng cửa một số trường

Một phần của tài liệu Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới (Trang 91 - 96)