1. Giáo dục cơ bản
Giáo dục phổ thông của Phần Lan gồm 9 năm học bắt buộc ở hệ thống trường học toàn diện và 3 năm học không bắt buộc ở trường THPT hoặc trường nghề.
Trước khi vào lớp 1, trẻ em được gửi đến các trung tâm chăm sóc trẻ và học sinh 6 tuổi học một năm dự bị tiểu học. Học sinh chính thức vào lớp một vào lúc 7 tuổi. Tương tự như ở các trường tiểu học ở Việt Nam, trong sáu năm đầu, học sinh Phần Lan ở mỗi lớp chỉ học với một giáo viên dạy tất cả các môn học. Ba năm tiếp theo, học sinh học các môn học khác nhau với các giáo viên bộ môn khác nhau. Ở trường học toàn diện, học sinh chưa có nhiều quyền lựa chọn mà phải học các môn do Bộ Giáo dục quy định. Tuy nhiên, do ngoại ngữ được xem là kỹ năng cơ bản nhất, bắt đầu từ lớp ba (10 tuổi), học sinh (với sự hỗ trợ của cha mẹ và giáo viên tư vấn) được quyền lựa chọn học giữa tiếng Thụy Điển hoặc tiếng Anh. Vào lớp bảy (14 tuổi) học sinh bắt buộc phải lựa chọn một ngôn ngữ thứ ba (nếu đã chọn tiếng Anh thì bắt buộc phải học tiếng Thụy Điển hoặc ngược lại). Như vậy, hết chương trình bắt buộc (17 tuổi), học sinh đã thạo ba thứ tiếng là Phần Lan, Thụy Điển và tiếng Anh. Hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản 9 năm, học sinh có được trình độ như nhau, nhưng bước đầu đã có sự phân loại về năng khiếu. Hệ thống toàn diện bảo đảm cho học sinh ngoài kiến thức cơ bản, học sinh được học các kỹ năng để áp dụng các kiến thức vào thực tế. Ngoài các môn học bắt buộc (toán, lý, hóa, khoa học…) học sinh dần dần được quyền lựa chọn các môn học phụ.
Vào những năm cuối của giáo dục cơ bản, từ việc thụ động theo học các môn học bắt buộc, học sinh dần dần được chủ động hơn trong việc lựa chọn các học phần theo sở thích. Ngoài các học phần bắt buộc theo quy định toàn quốc (như toán, lý, hóa, khoa học…), học sinh được tự chọn 20% số giờ học. Một năm học, trong tổng số trung bình 30 học phần, học sinh có thể học 6 học phần tự chọn (ví dụ như vi tính, làm website, nấu ăn, thiết kế thời trang, âm nhạc, hội họa, thể thao…). Có khoảng 20 học phần tự chọn khác nhau cho mỗi năm học. Hệ thống đã được thiết kế để học sinh càng học lên cao thì càng có nhiều sự lựa chọn.
Sơ đồ về cấu trúc hệ thống giáo dục Phần Lan
2. Giáo dục trung học
Sau khi hoàn thành giáo dục căn bản, học sinh được quyền chọn lựa giữa trường THPT và trường nghề. Mặc dù không bắt buộc, phần lớn học sinh đều theo học ở giáo dục trung học. Trường THPT chuẩn bị cho học sinh vào đại học, cho nên tất cả các môn học đều hướng đến nghiên cứu tổng quát. Cuối bậc học này, học sinh phải tham gia một kỳ thi tốt nghiệp toàn quốc. Kỳ thi này nhằm phân loại sinh viên vào đại học. Các trường nghề chủ yếu phát triển năng lực nghề và học sinh Trường Nghề phải hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp nghề để vào đại học kỹ thuật (polytechnic).
Giáo dục căn bản và giáo dục trung học được chính quyền địa phương cấp ngân sách theo phê duyệt của cấp trên dựa trên số lượng học sinh của trường. Học sinh học ở bậc giáo dục cơ bản và giáo dục trung học được hưởng rất nhiều quyền lợi. Những quyền lợi quan trọng nhất là chăm sóc y tế và ăn trưa tại trường. Học sinh ở bậc giáo dục cơ bản còn được cấp sách và đồ dùng học tập miễn phí, được hưởng dịch vụ xe đưa đón nếu ở xa. Riêng học sinh trung học phải tự mua sách và đồ dùng học tập.
Ở Phần Lan cũng có trường tư nhưng không được nhà nước khuyến khích. Việc thành lập trường tư đòi hỏi phải có quyết định của Hội đồng nhà nước. Khi thành lập, các trường tư được cấp ngân sách tương tự như đối với trường công có cùng quy mô. Các trường tư bị cấm thu học phí, phải tuyển sinh
trên cơ sở giống như các trường công và thêm vào đó, phải cung cấp cho học sinh tất cả các quyền lợi như các học sinh ở trường công. Chính vì vậy, hầu hết các trường tư hiện nay là các trường của các tổ chức tôn giáo.
3. Giáo dục đại học
Giáo dục bậc đại học ở Phần Lan là miễn phí và tự chọn50. Chính phủ tạo điều kiện cho sinh viên được vay vốn để chi phí cá nhân trong quá trình học tập. Có hai hệ thống giáo dục đại học gồm Đại học chuyên về học thuật (universities), và Đại học chuyên về kỹ thuật, bách khoa (polytechnics). Kỳ thi tuyển sinh quốc gia được dùng để tuyển chọn học sinh vào các trường đại học. Các trường đại học kỹ thuật, bách khoa tập trung chủ yếu và những kỹ năng thực hành và hầu ít khi phải nghiên cứu, họ tham gia vào những dự án phát triển công nghiệp. Ví dụ, ngành bác sỹ sẽ theo học và tốt nghiệp đại học chuyên về học thuật(universities), trong khi y tá sẽ theo học đại học chuyên về kỹ thuật (polytechnics). Tuy nhiên, nếu y tá muốn tiếp tục học nâng cao, họ vẫn có thể theo học ở các trường đại học chuyên về học thuật. Chương trình cử nhân thường kéo dài khoảng từ 3- 4 năm. Tùy mỗi chương trình nhưng phần lớn sinh viên khi hoàn thành cử nhân có thể tiếp tục theo học thạc sỹ. [51].
Những cử nhân tốt nghiệp tại các đại học kỹ thuật, bách khoa (polytechnic) có thể tiếp tục học thạc sỹ tại các đại học chuyên về học thuật (universities). Thời gian chương trình thạc sỹ thường kéo dài khoảng 2 năm và bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp thạc sỹ polytechnic có giá trị tương đương sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành học thuật.