1. Các kênh nghề nghiệp mới cho giáo viên, cơ cấu khen thưởng và hệ thống quản lý kết quả hoạt động được nâng cao
Ba mục trên nằm trong Kế hoạch phát triển bồi dưỡng chuyên môn giáo dục (Edu-Pac) được thông báo vào tháng 4 năm 2000, là một hệ thống nghề nghiệp và toàn diện. Dự kiến này nhằm đảm bảo cho nghề giáo viên có một vị trí tốt trong tương lai. Các mục này được hình thành sau khi tham khảo ý kiến giáo viên và bao gồm 3 thành phần chính: cơ cấu nghề nghiệp mới, cơ cấu công nhận mới và nâng cao hệ thống quản lý kết quả hoạt động.
Kênh dạy học nhằm xây dựng trình độ dạy học ưu việt trong khuôn khổ Dịch vụ giáo dục và tạo các cơ hội phát triển, thăng tiến cho các cán bộ giáo dục, những người mong muốn tập trung chủ yếu vào nghề dạy học của mình. Trong kênh này, cần tạo thêm các cơ hội thăng tiến cho các giáo viên xứng đáng khi bổ nhiệm chức hiệu trưởng và hầu hết các vị trí giáo viên cao cấp. Với cách đó, những giáo viên xứng đáng sẽ được thưởng và được công nhận đối với những gì họ đã làm được.
Giáo viên cao cấp là một mô hình giáo viên trong trường học, giỏi về dạy lý thuyết và hướng dẫn học sinh. Họ là người có thể tạo ra môi trường học tập tích cực cho học sinh của mình. Các giáo viên chuyên môn cao sẽ hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ trường học, trong phạm vi cụm trường. Họ là những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, có vai trò hỗ trợ phát triển hoạt động dạy học ưu việt thông qua việc thực hành dạy học tốt và dạy các bài học mẫu. Kênh lãnh đạo sẽ là dành cho các vị trí lãnh đạo trong trường học và trong cơ quan Bộ. Kênh này sẽ dẫn đến vị trí cao nhất trong Dịch vụ giáo dục, Tổng giám đốc giáo dục (Director-General of Education). Sẽ không bất cứ thay đổi nào lớn đối với kênh lãnh đạo hiện nay ngoại trừ vị trí Trưởng khoa sẽ được nâng lên một bậc, cao hơn Trưởng bộ môn.
Kênh chuyên gia cao cấp sẽ giúp cho Bộ Giáo dục phát triển đội ngũ cốt cán các chuyên gia có kiến thức và kĩ năng chuyên sâu trong các lĩnh vực giáo dục cụ thể. Có 4 nhóm chuyên gia: (a) nhóm chương trình và thiết kế giảng dạy, (b) nhóm hướng dẫn và tâm lý giáo dục; (c) nhóm đo lường và kiểm định giáo dục; và (d) nhóm nghiên cứu và thông kê.
2. Cơ cấu nghề nghiệp mới
Sơ đồ cơ cấu nghề nghiệp mới cho giáo viên
Giữa các kênh này có sự linh hoạt trong chuyển dịch biên từ kênh này sang kênh kia trong trường hợp các cán bộ giáo dục có liên quan thỏa mãn được các tiêu chuẩn, tiêu chí của kênh và họ cũng có nguyện vọng chuyển kênh.
3. Cơ cấu công nhận mới
Đây là cơ cấu “tổng khen thưởng”, không chỉ công nhận và khen thưởng việc thực hiện tốt mà còn tạo các cơ hội học tập và phát triển. Chất lượng thực hiện công việc và trả lương sẽ được xem xét trong mối quan hệ với nhau.
Công đoàn giáo viên Singapore (STU) tạo các cơ hội học tập và phát triển cho giáo viên thông qua các hội thảo, các khóa học bồi dưỡng chuyên môn do các chuyên gia của các học viên trong nước và nước ngoài thực hiện.
4. Hệ thống quản lý kết quả hoạt động được nâng cao
Thành phần thứ ba và cuối cùng của Kế hoạch phát triển bồi dưỡng chuyên môn giáo dục là hệ thống quản lý kết quả hoạt động được nâng cao hay viết tắt là EPMS. Đây là một hệ thống quản lý kết quả hoạt động dựa vào năng lực, giải thích rõ ràng các yêu cầu và kiến thức cũng như các đặc điểm chuyên môn phù hợp với từng kênh nghề nghiệp kể trên: dạy học, chuyên gia, lãnh đạo. Dự kiến hệ thống mới sẽ cải thiện cách đánh giá giáo viên. Cách tiếp cận không còn là “một cỡ cho tất cả” như trước kia. Thay vào đó sẽ làm rõ hơn về các mong đợi, cách hành động, sự tiến bộ nghề nghiệp giữa các kênh hướng nghề nghiệp khác nhau.
5. Cơ hội cho các cán bộ giáo dục thực hiện công việc biệt phái
Các cán bộ giáo dục hiện nay được khuyến khích thực hiện công việc biệt phái ở các tổ chức ngoài hệ thống nhà trường để mở rộng tầm nhìn và kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp các cán bộ giáo dục (bao gồm cả giáo viên) làm phong phú thêm môi trường học tập và nâng cao hơn nữa tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của học sinh. Công việc biệt phái (hoặc trong nước, hoặc ở nước ngoài, trong một tuần hoặc thậm chí 1 năm) sẽ giúp cho các cán bộ giáo dục có được những nhận thức giáo dục mới. Đây chính là một phần rất quan trọng trong phát triển chuyên môn của cán bộ. Đối với giáo viên, kế hoạch này có thể bao gồm biệt phái ngắn hạn tới các trường ở nước ngoài (theo The Straits Times ngày 13 tháng 1 năm 2006).
6. Tuyển dụng thêm giáo viên
Trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh (22 tháng 8 năm 2004), Thủ tướng Lý Hiển Long công bố sẽ tăng 15% số giáo viên vào năm 2010. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 1.000 giáo viên nữa được tuyển cho các trường tiểu học, thêm 1400 giáo viên cho trường trung học và thêm 550 giảng viên cho các trường dự bị đại học và các học viện thuộc trung ương.
7. Hỗ trợ cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Việc giáo dục trẻ khuyết tật được tiến hành ở các trường giáo dục chuyên biệt do các tổ chức từ thiện tình nguyện tiến hành và được Bộ Giáo dục, Hội đồng quốc gia về dịch vụ xã hội tài trợ. Đồng thời, các em bị thiểu năng trí tuệ nhẹ đôi khi được nhận vào các trường bình thường. Một số các em có khuyết tật về thể chất hoặc bị khuyết tật về giác quan. Có các trường được cấp các trang thiết bị đặc biệt để giúp cho các em này dễ tiếp cận với nhà trường hơn.
Theo công bố mới nhất, (ngày 18 tháng 9 năm 2004), sẽ có thêm nguồn tài trợ để tuyển dụng các giáo viên có trình độ cao hơn cho các trường này và để tăng cường hỗ trợ cho các trường bình thường để tuyển dụng và đào tạo thêm giáo viên về giáo dục chuyên biệt.
Từ năm 2005, một nhóm giáo viên cốt cán từ các trường bình thường có khả năng đảm nhận các học sinh khuyết tật sẽ được đào tạo để giúp các trường quản lý và hỗ trợ cho các học sinh khuyết tật đó. Bộ Giáo dục cũng đã quyết định rằng có ít nhất 1 trên 10 giáo viên của tất cả các trường sẽ được đào tạo.
Tuy nhiên, dự kiến chỉ những giáo viên của 20 trường tiểu học và 30 trường trung học dành cho học sinh khuyết tật sẽ được cấp chứng chỉ về giáo dục chuyên biệt hoặc chứng chỉ tương đương. Để bắt đầu, Bộ Giáo dục sẽ dành 55 triệu đô la Singapore một năm cho tới năm 2008 để thực hiện sáng kiến này.
VIII. PHỤ LỤC: Trích dẫn lời phát biểu
1. Chúng ta phải giúp từng em học sinh tìm được thế mạnh của mình, chứ không phải tập trung vào khuyết điểm của các em, và giúp các em thể hiện tài năng của mình tốt nhất. Đó chính là nhiệm vụ của chúng ta. (Ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, 2004)
2. Chúng ta với tư cách là những người làm công tác giáo dục phải sẵn sàng không chỉ cho việc thử nghiệm cải cách giáo dục. Chúng ta phải luôn luôn đón nhận những ý tưởng mới và gắn mình với
những thể nghiệm được suy nghĩ kỹ càng. (Ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ trưởng Bộ Giáo dục,
2004)
3. Những thay đổi quan trọng nhất mà chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai không phải ở chính cơ cấu mới và những lựa chọn mới về con đường học vấn. Chuyển biến cơ bản nhất đó là các em học sinh học như thế nào, các em chủ động tư duy như thế nào, và cách các em tương tác với thầy cô và các bạn hàng ngày. Điều này sẽ quyết định chất lượng học tập của các em, bất kể các em chọn cho mình con đường học vấn nào. (Ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, 2004)
4. Trong khi cơ cấu, chính sách và chương trình tạo khung cho hệ thống giáo dục tiên tiến đầy đủ và hoàn chỉnh thì các nhà lãnh đạo trường học có tinh thần đổi mới và tầm nhìn xa, trông rộng cùng với các giáo viên tài năng và tận tuỵ thực sự tạo nên sự khác biệt (Ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ
trưởng Bộ Giáo dục, 2004)
5. Tương lai của Singapore phụ thuộc vào sự gắn bó của người dân với đất nước. Không phải là gạch vữa mà xây nên được dân tộc mà chính sự gắn kết giữa người với người đã tập hợp họ lại thành đất nước (Thủ tướng Goh Chok Tong, trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh 2004)
Tài liệu tham khảo
[1] Education Overview, Ministry of Education, Singapore. [2] Goh Chok Tong (2004).National Day Rally Speech.
[3] Mika Yamashita(2002). Singapore Education Sector Analysis. Education Resources Information Center. [4] Singapore: Compulsory education (2006). Ministry of Education.
Nguồn Internet:
- Singapore: Organization and control of education system.http://www.inca.org.uk/singapore-organisation- mainstream.html. Retrieved on 2006-05-01.
- http://www.education in Singapore 2006. Ministry of Education, Singapore.