SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NỀN GIÁO DỤC PHÁP

Một phần của tài liệu Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới (Trang 96 - 97)

Cộng hòa Pháp là quốc gia có diện tích lớn thứ 2 Châu Âu với dân số khoảng trên 65 triệu người [38]. Về mặt hành chính, nước Pháp được chia làm 26 vùng [39], 100 khu vực, 341 quận, 4.232 tổng và 36.680 xã /phường, trong đó chỉ có các cấp vùng, tỉnh và xã/phường là có chính quyền do dân bầu.

Từ thế kỷ 17, Pháp đã trở thành một cường quốc và tiến hành xâm chiếm thuộc địa ở hầu hết các châu lục trên thế giới. Vì vậy văn hóa Pháp nói chung và giáo dục Pháp nói riêng có những ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia từng là thuộc địa của Pháp. Tiếng Pháp đến nay vẫn là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Nền giáo dục Pháp đã phát triển từ rất sớm. Ngay từ những năm 1880, luật sư Jules Ferry lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục [40] đã xây dựng hệ thống trường học của nền cộng hòa cơ bản duy trì đến hiện nay, theo đó tất cả trẻ em dưới 15 tuổi bất kể nam nữ đều phải đến trường và được hưởng giáo dục miễn phí.

Nước Pháp là một trong những nước có mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục cao nhất trong khối các nước công nghiệp phát triển (OECD) [41]. Ngân sách giáo dục cao hơn tất cả các khu vực hành chính khác. Hầu hết các trường do nhà nước trực tiếp quản lý, kể cả phần lớn các trường tư cũng được nhà nước trợ cấp và điều hành. Giáo viên có trình độ chuyên môn cao và đặc trưng chung của các trường là rất đề cao học vấn, chú trọng truyền đạt kiến thức và dạy để học sinh vượt qua các kỳ thi. Đặc tính không liên quan đến tôn giáo là một trong những nền tảng được quy định trong hiến pháp nước Pháp, bởi nó được sử dụng như một công cụ cho sự gắn kết và hòa hợp xã hội; theo đó, các trường công ở Pháp không giảng dạy về tôn giáo.

Trước những năm 1960, giáo dục Pháp về cơ bản được tổ chức như một hệ thống kép với một bên là các trường tiểu học, bao gồm những cơ sở giáo dục được gọi là cơ sở giáo dục sau tiểu học (enseignement primaire supérieur) cùng với giáo dục hướng nghiệp, và một bên là giáo dục trung học và giáo dục đại học. Sau một loạt các cải cách, hệ thống này đã được định hình và thống nhất lại hoàn toàn, theo đó hệ thống giáo dục phổ thông được sắp xếp thống nhất từ tiểu học lên trung học và đại học và duy trì đến hiện nay. Kể từ năm 1967, Pháp qui định giáo dục miễn phí và bắt buộc đối với trẻ từ 6 đến 16 tuổi. Trường học dành cho cả học sinh nam và nữ học chung. Pháp cũng đã được ghi nhận là có thành tích vượt trội trong phát triển giáo dục mầm non từ những năm 1970 vì hầu hết trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi đều được đi học mẫu giáo.

Tại các trường học ở chính quốc, biên chế năm học do Bộ Giáo dục quốc gia thống nhất quy định, theo đó một năm học thường bắt đầu từ đầu tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 7, khoảng trước ngày Quốc khánh nước Pháp 14 tháng 7. Tại các trường tiểu học và trung học, chương trình giảng dạy và sách giáo khoa cũng được Bộ giáo dục quốc gia thống nhất quy định, ngoại trừ một số học phần chuyên biệt do học sinh tự chọn.

Những ý kiến chỉ trích gần đây, đặc biệt là ý kiến của các nhà giáo dục Anh, Mỹ thường có quan điểm giáo dục thực dụng, nhấn mạnh rằng giáo dục Pháp quá từ chương, áp đặt, quá chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức mà bỏ qua việc phát triển các kỹ năng phân tích hay xây dựng nhân cách cho trẻ. Chương trình học quá rộng và áp lực kiểm tra thi cử đối với học sinh quá nhiều. Học sinh có nhiều

38 Số liệu tháng 6 năm 2009

39 Trong 26 vùng có 22 vùng thuộc chính quốc và 4 vùng không thuộc chính quốc.

40 Bộ Giáo dục thời điểm đó có tên là Bộ Giảng huấn quốc gia (Ministry of National Instruction)

41 Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế gồm 30 nước phát triển là: Áo, Úc, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hi Lạp, Hungari, Iceland, Ireland, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh

áp lực từ phía giáo viên cũng như bài tập ở nhà. Ngoài ra, ít có hoạt động nhóm trong học tập, học sinh được dạy là phải tự chịu trách nhiệm về bản thân và giáo viên không giữ vai trò chính trong trong việc chăm lo đời sống cho học sinh. Một điều cũng đáng quan tâm là hệ thống giáo dục đang bỏ quên nhiều trẻ trong các khu vực xa xôi, những nơi có sự tập trung đông các dân tộc thiểu số với nhu cầu cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa giáo dục với thế giới việc làm.

Nhìn chung, với một nền giáo dục sớm phát triển nhưng vẫn còn tồn tài nhiều vấn đề về triết lý giáo dục, nước Pháp đang có những điều chỉnh về giáo dục trong thế kỷ 21 cho phù hợp với nền kinh tế tri thức và sự tiến bộ về khoa học công nghệ.

Một phần của tài liệu Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới (Trang 96 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(140 trang)
w