1.2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1997, việc thực hiện chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1997 thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Bắc Thái đã tách thành hai tỉnh là tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn.
Dưới ánh sáng đường lối của Đảng nói chung và đổi mới chính sách dân tộc nói riêng, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thái Nguyên (tỉnh Bắc Thái cũ) luôn quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc, miền núi. Ngoài việc triển khai những chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc, Đảng bộ tỉnh đã căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của từng vùng, từng dân tộc để đề ra các chủ trương, phương hướng và các giải pháp thích hợp nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ VI (1991) xác định: “Phát huy truyền thống tốt đẹp đoàn kết bình đẳng các dân tộc trong tỉnh để giúp đỡ nhau tồn tại và phát triển. Tuy nhiên trình độ phát triển và mức sống giữa các dân tộc trong tỉnh khá chênh lệch, đặc biệt là đồng bào H’mông và đồng bào Dao sống du canh du cư đang gặp khó khăn gay gắt. Nhà nước cần có chính sách đầu tư hỗ trợ và khuyến khích các dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm các điều kiện cho đồng bào các dân tộc khai thác có hiệu quả các thế mạnh kinh tế vùng núi, giảm dần khoảng cách về các mặt giữa các vùng, và các dân tộc trong tỉnh” [17, tr.36].
Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Bắc Thái (khóa VI - 1994) cũng xác định: “Phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng lợi ích, văn hóa, ngôn ngữ và tập quán của các dân tộc. Tạo mọi điều kiện để các dân tộc giúp nhau tiến kịp trình độ chung, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Nhà nước có chính sách đầu tư hỗ trợ đúng mức đối với miền núi, vùng đồng bào H’Mông và đồng bào Dao định canh, định cư để ổn định cuộc sống.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng bố trí vào các vị trí chủ chốt đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số [23, tr.60].
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách về dân tộc, miền núi. Tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến các vùng dân tộc để tìm hiểu, nghiên cứu, điều tra nắm tình hình, trên cơ sở đó có định hướng đúng về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi đưa cuộc sống đồng bào ngày một đi lên phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế địa phương.
1.2.2. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở tỉnh Thái Nguyên từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến năm 2000
Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên (tỉnh Bắc Thái cũ) đã có những thay đổi căn bản. Điều này cho thấy bước đi đúng hướng trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc, miền núi và sự sáng tạo trong quá trình vận dụng chính sách dân tộc của Đảng ở địa phương.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và đặc biệt là vùng căn cứ địa cỏch mạng (ATK) đó cú những chuyển biến rừ rệt. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất. Bộ mặt miền núi, vùng cao từng bước được đổi mới, điều
kiện đi lại, trao đổi mua bán dễ dàng hơn, việc giao lưu tiếp xúc với bên ngoài cũng có nhiều tiện lợi. Trong giai đoạn 1995 - 1999 toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới hơn 800km đường và 40 cầu giao thông các loại; tác cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm. Từ 83 xã có điện vào cuối năm 1996 thì đến cuối năm 1999 đã có 122/145 xã có điện lưới quốc gia; 46,2% số xã có điểm bưu điện - văn hóa; mật độ điện thoại đạt 1,8 máy/100 dân. Có 862 phòng học, 160 trạm y tế được xây dựng mới; gần 200km kênh mương nội đồng được xây kiên cố [20, tr.9]... Đặc biệt từ khi có chủ trương, chính sách đầu tư các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như:
Chương trình 327, định canh định cư, ổn định dân cư kinh tế mới... các chương trình quốc gia thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quốc phòng, an ninh... thì bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi căn bản; trình độ sản xuất trong từng vùng đồng bào dân tộc được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của đông bào được cải thiện đáng kể. Quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo, thành quả phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ được củng cố và nâng cao. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển khá; trên 1 vạn dân đã có gần 18 y, bác sĩ và 33 giường bệnh. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều hơn. Hoạt động văn hóa, thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình đã có chuyển biến mới - hướng nhiều hơn về với đồng bào các dân tộc thiểu số [20, tr.9].
Được sự đầu tư của các chương trình, dự án, nên mạng lưới giao thông đã đến được trung tâm cụm xã và các trung tâm xóm, bản làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện đáng kể, con em đồng bào dân tộc thiểu số đã có trường để học, sức khỏe của đồng bào được chăm sóc tốt hơn, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ.
Tuy nhiên, do cách sản xuất lạc hậu, kỹ thuật canh tác thô sơ nên năng suất lao động và cây trồng trong vùng dân tộc thiểu số còn thấp. Việc đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn này còn chưa nhiều lại dàn trải nên hiệu quả mang lại chưa cao. Công tác khuyến nông, khuyến lâm còn hạn chế; thị trường mua bán trong ở miền núi vùng cao đã được hình thành nhưng còn nhỏ bé. Chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát với đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tâm tư nguyện vọng của đồng bào về đời sống và sản xuất để có những biện pháp giải quyết kịp thời, phù hợp. Kết quả thực hiện các chương trình, dự án chưa cao, công tác quản lý còn yếu kém nên nhiều công trình không đảm bảo chất lượng, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Những tồn tại, yếu kém trên là những thách thức to lớn, đòi hỏi Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thái Nguyên phải tập trung giải quyết trong chặng đường tiếp theo.
Tiểu kết
Trong những năm 1986 - 2000, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn có một vị trí đặc biệt trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt chính sách dân tộc góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số;
củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội cho đồng bào vượt lên khó khăn phát triển kinh tế-xã hội, hoà nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước.
Trong giai đoạn này có khoảng 200 văn bản chính sách dân tộc từ quy phạm pháp luật đến công tác hướng dẫn đã được ban hành. Trong đó, nhiều chương trình, chính sách lớn như: Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc
gia về việc làm, Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu, Quyết định 134, Quyết định 32, Quyết định 33… Các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo cơ hội đột phá giúp người nghèo ổn định cuộc sống. Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Một số chính sách đặc biệt đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, làm nên bức tranh sinh động. Có thể khẳng định, những chính sách trên đã tạo nên hiệu quả to lớn có giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong những chặng đường đầu tiên của thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp đồng thời có sự chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở; động viên thu hút sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện các chính sách dân tộc nhằm thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, nhất là ở miền núi vùng cao, vùng căn cứ địa cách mạng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc thiểu số góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Thái Nguyên trong những năm tiếp theo.
Chương 2:
ĐẢNG BỘ TỈNH THÁI NGUYÊN LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2010 2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là một bộ phận quan trọng của công tác lãnh đạo của Đảng. Với đặc điểm là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiều số sinh sống; nơi từng vùng chiến khu, căn cứ địa cách bởi vậy công tác dân tộc ở Thái Nguyên ngoài những đặc điểm chung của công tác vận động quần chúng, nó còn mang những nét đặc thù. Đó là đối tượng của công tác này là đồng bào các dân tộc với trình độ dân trí còn hạn chế;
phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại ở một số nơi; kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn rất thiếu và yếu. Do đó, công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.
Trải qua 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị; Quyết định 72-QĐ/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định công tác dân tộc là một trong những công tác cơ bản của
Đảng, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI đã khẳng định: “Thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Chú trọng nâng cao dân trí, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Tăng cường đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; có chính sách ưu đãi cho những người cán bộ từ vùng khác đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa công tác…” [20, tr.45].
Trong giai đoạn 2000 - 2005, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; nhằm tạo ra một sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động đối với cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên; gắn hoạt động của các tổ chức này với việc thực hiện công tác dân tộc của Đảng, Đảng bộ tỉnh chủ trương: “Mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh để khơi dậy mọi tiềm năng, tạo ra những động lực mới, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia vào các phong trào hành động cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc... Nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tập hợp, giáo dục, động viên nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cần phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên... Xây dựng các phong trào quần chúng gắn liền với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” [20, tr.45-46].
Từ những Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc như Chương trình định canh định cư và kinh tế mới, Chương trình xây dựng Trung tâm cụm xã miền núi cao, Chương trình 135..., Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch cụ thể như Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc; thực hiện tốt các chương trình trợ giá, trợ cước; các chính sách ưu tiên đối với con em người dân tộc thiểu số… Để thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng một cách có hiệu quả, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định; trong đó đáng chú ý có Quyết định số 2258/QĐ-UB ngày 31 tháng 7 năm 2002 và Quyết định số 3134/QĐ- UB ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về chính sách đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo trong các xã 135, xã có dự án Định canh định cư - Kinh tế mới nhằm sớm giúp đồng bào ổn định sản xuất và đời sống nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất hàng hóa...
Trong giai đoạn 2005 - 2010, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định công tác dân tộc là một trong những công tác cơ bản của Đảng, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII đã khẳng định: “Thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Các dân tộc trong tỉnh bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển. Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu giảm hộ nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số…” [21, tr.54].
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên rất chú trọng đến việc phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Trong đó phải kể đến vai trò của Mặt
trận Tổ quốc và các đoàn thể bởi vì những tổ chức này là nơi thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên. Tích cực vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng và bảo vệ hệ thống chính quyền, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị, nắm chắc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi để kế tục sự nghiệp của Đảng. Thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số” [21, tr.55-56].
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc và Hướng dẫn dẫn số 2831- HD/TT VH ngày 25/3/2003 của Ban tư tưởng văn hoá Trung ương, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch số 18-KH/TU ngày 2/4/2003 về quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết hội Ban chấp hành trung ương 7 (khoá IX) cụ thể và chi tiết cho từng cấp, từng ngành. Sau hội nghị triển khai cấp tỉnh, các huyện, thành, thị uỷ, các đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt đến các cấp uỷ viên và cán bộ chủ chốt từ cấp cơ sở trở lên, các cấp uỷ cơ sở tổ chức phổ biến đến cán bộ đảng viên và tổ chức quán triệt phổ biến cho quần chúng nhân. Sau khi quán triệt các Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá IX), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 09-CTR/TU ngày 16/5/2003 nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24 NQ/TW.
Bên cạnh đó, với chức năng là cơ quan tham mưu của Đảng và Chính quyền về công tác dân tộc, Ban Dân vận Tỉnh uỷ và Ban Dân tộc của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động về công tác dân tộc. Ban