Qua nghiên cứu trên 1120 PNCT không bị tiền sản giật và PNCT bị tiền sản giật (bảng 3.19) chúng tôi nhận thấy các chỉ tiêu HC, HGB, HCT, TC, MCH, MCHC, MCV ở 2 nhóm đều thấp hơn so với các phụ nữ không có thai nhóm tuổi 18- 59 [51]. Kết quả này khá tương đồng với kết quả của Nguyễn Ngọc Lanh (1964) [28] khi nghiên cứu trên 914 phụ nữ không có thai ở Hà Nội cho thấy các chỉ số HC và HGB ở PNCT đều thấp hơn phụ nữ không có thai. Các nghiên cứu của Nguyễn Công Khanh và Lê Xuân Ngọc (1993) [25], của Nguyễn Văn Nguyên (1972) [34] cũng thấy các kết quả tương tự.
Sự khác biệt giữa các chỉ tiêu huyết học, đặc biệt là các chỉ tiêu HC, HGB giữa PNCT không bị tiền sản giật, PNCT bị tiền sản giật ở 3 tháng cuối thai kỳ và phụ nữ không có thai theo chúng tôi do:
- Sự gia tăng sinh lý thể tích máu toàn phần khi có thai, trong đó thể tích huyết tương tăng nhanh và nhiều hơn thể tích khối HC [20] dẫn đến hậu quả là HGB, HC và HCT sẽ giảm trong một đơn vị thể tích, đó chính là quan niệm về thiếu máu tương đối khi có thai. Điều này đã được chứng minh trong nghiên cứu của Phan Thu Anh và cộng sự trên 83 PNCT [2] đó là: Thể tích máu ở PNCT cao hơn ở phụ nữ không có thai, đồng thời tăng theo từng tháng tuổi thai và thể tích huyết tương tăng nhiều hơn thể tích khối HC.
- Do quá trình tạo máu bị ảnh hưởng khi mang thai và theo tuổi thai làm cho lượng HC, HGB bị thiếu thực sự (thiếu máu thực sự). Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu thực sự ở PNCT: Do thiếu các nguyên liệu tạo máu (các yếu tố dinh dưỡng), do tuỷ xương và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tạo máu ở tuỷ xương, do ký sinh trùng, do một số các bệnh lý khác…
So sánh số lượng HC (T/l) ở PNCT và phụ nữ không có thai giữa các tác giả khác nhau trong các thời điểm nghiên cứu khác nhau thấy có sự khác biệt. Năm 1973, nghiên cứu của Nguyễn Văn Nguyên và cộng sự [34] cho kết quả số lượng HC ở PNCT 3 tháng cuối là 3,0 ± 0,4T/l. Tác giả Nguyễn Công Khanh và Lê Xuân Ngọc [25] nghiên cứu năm 1993 ở nhóm phụ nữ không có thai số lượng HC là 3,8 ± 0,3T/l còn nhóm PNCT 3 tháng cuối là 3,4 ± 0,3T/l. Theo nghiên cứu của Lê Nam Trà và Đỗ Trung Phấn năm 2000 [51], phụ nữ không có thai số lượng HC là 4,66 ± 0,36T/l. So sánh với Nguyễn Viết Trung [52] nghiên cứu năm 2003, ở nhóm phụ nữ không có thai số lượng HC là 4,21
± 0,32T/l còn nhóm PNCT 3 tháng cuối là 3,74 ± 0,40T/l. Nghiên cứu của chúng tôi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2004 lại cho thấy số lượng HC ở phụ nữ không có thai là 4,23 ± 0,37T/l, ở PNCT không bị tiền sản giật 3 tháng cuối là 3,82 ± 0,46T/l và ở PNCT bị tiền sản giật 3 tháng cuối là 3,91 ±
0,43T/l. Năm 2011, Phan Thị Ngọc Bích [4] nghiên cứu trên 1950 PNCT nhận thấy số lượng HC ở đối tượng này là 3,94 ± 0,44T/l
Qua các nghiên cứu vào các giai đoạn khác nhau cho thấy số lượng HC ở PNCT luôn thấp hơn ở phụ nữ không có thai. Số lượng HC ở PNCT tăng dần theo thời điểm nghiên cứu.
Đánh giá về lượng HGB (g/l) ở PNCT và phụ nữ không có thai ở các tác giả khác cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt theo thời điểm nghiên cứu. Năm 1973, nghiên cứu của Nguyễn Văn Nguyên và cộng sự [34] cho kết quả lượng HGB ở PNCT 3 tháng cuối là 98 ± 14,1g/l. Nghiên cứu của Hà Huy Khôi và
Trần Xuân Ninh [27] sau 14 năm cho kết quả lượng HGB ở PNCT 3 tháng cuối là 110 ± 18g/l, ở phụ nữ không có thai là 131 ±12g/l. Theo Nguyễn Công Khanh và Lê Xuân Ngọc [25] nghiên cứu sau 20 năm, lượng HGB ở PNCT 3 tháng cuối là 110 ± 11g/l, ở phụ nữ không có thai là 127 ± 13g/l. Theo chỉ số huyết học người Việt Nam bình thường thế kỷ 90, lượng HGB ở phụ nữ không có thai là 135 ± 5g/l. Nghiên cứu của Nguyễn Viết Trung [52] và Phan Thị Ngọc Bích [4] trong những năm gần đây thấy lượng HGB ở PNCT 3 tháng cuối là 113,3 ± 11,3g/l.
Về lượng HCT (l/l) của PNCT và phụ nữ không có thai cũng thấy có sự khác biệt theo thời gian nghiên cứu. Có sự gia tăng HCT trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Nguyên và cộng sự [34] năm 1993 đến nghiên cứu của Phan Thị Ngọc Bích [4] năm 2007 và nghiên cứu này của chúng tôi. Theo đó, HCT đã tăng từ 0,29 ± 0,06l/l đến 0,34 ± 0,04l/l và 0,38 ± 0,04l/l.
Như vậy cũng như một số tác giả khác [4], [25], [128] khi nghiên cứu các chỉ số huyết học giữa PNCT không bị tiền sản giật và PNCT bị tiền sản giật ở 3 tháng cuối thai kỳ thấy: các chỉ tiêu HC, HGB, HCT, TC, MCH, MCHC, MCV ở phụ nữ không có thai cao hơn ở PNCT. Theo thời điểm nghiên cứu, chỉ số HC, HGB, HCT ở PNCT cũng tăng dần [29], [34], [70].