Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.11 cho thấy PNCT bị tiền sản giật nhiều nhất là cán bộ (218/560 = 38,93%), tiếp đến là nhóm nội trợ (162/560 = 28,93%). Nhưng với nhóm cán bộ chủ yếu là tiền sản giật mức độ nhẹ, còn nhóm nội trợ, làm ruộng chủ yếu là tiền sản giật mức độ nặng.
Trong nghiên cứu của Nguyễn Hùng Sơn [45] thì bệnh nhân làm ruộng chiếm tỷ lệ cao nhất và chủ yếu là tiền sản giật mức độ nặng.
Kết quả của chúng tôi khác biệt với Nguyễn Hùng Sơn có thể do: Thứ nhất chúng tôi nghiên cứu trên bệnh nhân có thai 3 tháng cuối thai kỳ trong 1 năm từ tháng 10/2008 đến tháng 9/2009, nghiên cứu của Nguyễn Hùng Sơn [45] là các PNCT bị tiền sản giật điều trị tại Khoa sản I trong 2 năm 2000 - 2001; thứ hai là nhóm cán bộ do điều kiện kinh tế và trình độ văn hoá cao hơn nên ở thể nhẹ đã nhập viện điều trị còn nhóm làm ruộng thường điều trị ngoại trú với thể này; thứ ba là sau gần 10 năm, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại y tế cơ sở đã có nhiều tiến bộ nên các PNCT bị tiền sản giật thể nhẹ ở các tỉnh lân cận Hà Nội (chủ yếu là đối tượng làm nông nghiệp) đã không phải chuyển tuyến điều trị. Với nhóm PNCT không bị tiền sản giật, ngành nghề gặp chủ yếu lại là đối tượng cán bộ, do địa điểm nghiên cứu là Bệnh viện Trung ương đặt tại Hà Nội, nơi có tỷ lệ cán bộ cao hơn và có bảo hiểm y tế nên tuân thủ tốt lịch đi khám thai định kỳ.
Rất nhiều ý kiến đôi khi trái ngược nhau về tỷ lệ giữa con so, con rạ bị tiền sản giật. Một số tác giả cho rằng tỷ lệ mắc bệnh TSG ở con rạ cao hơn
con so như Nguyễn Cận [7], Phan Trường Duyệt [12]. Một số tác giả khác như Lê Điềm [15] thấy rằng tỷ lệ bị tiền sản giật ở con so là 63,35%, ở con rạ là 36,85%, Vương Văn Phú [40] thấy rằng ở con so là 61,9% con rạ là 38,1%. Theo Nguyễn Hùng Sơn [45] thì tỷ lệ con so và con rạ bị tiền sản giật là tương đương nhau. Theo Ngô Văn Tài [47] tỷ lệ PNCT đẻ con rạ bị tiền sản giật chiếm tỷ lệ cao hơn. Trong nghiên cứu này của chúng tôi, theo bảng 3.13 tỷ lệ PNCT bị tiền sản giật đẻ con rạ là 59,46% (333/560).
Sự khác biệt trên có thể do phương pháp thống kê như lấy số PNCT bị tiền sản giật chửa con so trên tổng số PNCT bị tiền sản giật khác với lấy số PNCT bị tiền sản giật chửa con so trên tổng số PNCT chửa con so (bị hoặc không bị tiền sản giật).
4.2. TÌNH TRẠNG THIẾU MÁU Ở CÁC NHÓM NGHIÊN CỨU
Qua các kết quả nghiên cứu nhận thấy: