1.2.8.1. Ảnh hưởng của tiền sản giật tới người mẹ
- Tử vong mẹ: theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ tử vong mẹ do TSG ở các nước đang phát triển là 150/100.000 sản phụ, còn ở các nước phát triển chỉ có 4/100.000 sản phụ [67], [68], [150].
- Sản giật: là biến chứng hay gặp nhất của tiền sản giật. Theo Buga và cộng sự [75] thì ở Đông Phi tỷ lệ TSG là 4,6%, tỷ lệ sản giật là 15% tổng số sản phụ tiền sản giật. Tại Việt Nam, theo Lê Thiện Thái tỷ lệ sản giật tại Viện Bảo vệ Bà mẹ Trẻ sơ sinh là 8,7% tổng số sản phụ TSG (giai đoạn 1991 - 1995) và giảm xuống còn 5,6% vào 1996 [48].
- Rau bong non: theo Steven, Jeninifer và Steve [150], thấy 42% - 46% rau bong non là dấu hiệu của TSG, trong khi tỷ lệ rau bong non ở các PNCT bị tiền sản giật chỉ chiếm khoảng 2,5 - 3%. Rau bong non là một bệnh lý toàn thân, diễn biến rất nhanh, làm trao đổi tuần hoàn giữa mẹ và thai sẽ bị gián đoạn, thai suy rồi chết [3], [47].
- Suy tim và phù phổi: PNCT bị TSG thường kèm theo rối loạn chức năng thất trái và biến chứng phù phổi cấp do tăng hậu gánh, phù phổi cấp còn do giảm áp lực keo trong mạch máu, do tăng áp lực động mạch phổi. Khi có thai, hematocit giảm, giảm HC, áp lực keo giảm và khi bị TSG áp lực keo càng giảm [13], [109], [123].
- Suy thận: biến chứng này thường gặp ở những phụ nữ có bệnh thận tiềm tàng từ trước không được phát hiện hoặc đối với các trường hợp TSG nặng, đặc biệt là trong hội chứng HELLP là một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ và con [47], [78], [156].
- Suy gan: sự suy giảm chức năng gan thường gặp và nổi bật ở những sản phụ có hội chứng HELLP [47], [78].
1.2.8.2. Ảnh hưởng của tiền sản giậtvới thai nhi
- Tử vong sơ sinh ngay sau đẻ: theo Merviel và Dumon [150] năm 1997 cho thấy những PNCT bị TSG khi HAĐM từ 180/120mmHg trở lên kết hợp với Protein niệu trên 3g/l có tỷ lệ tử vong sơ sinh tới 50% nếu tuổi thai từ 28 - 32 tuần. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Trần Nhật Hiển năm 1983 [18] tỷ lệ tử vong sơ sinh sau đẻ 10,5%, của Phan Trường Duyệt [12] là 13,8% ở PNCT bị TSG.
- Sơ sinh có cân nặng thấp và sơ sinh non tháng: nghiên cứu của Murphy và Stirrat 1997 [123] cho thấy tỷ lệ đẻ non ở PNCT bị TSG là 42%, chủ yếu là tuổi thai dưới 30 tuần. Theo Phan Trường Duyệt và cộng sự [12]: tỷ lệ sơ sinh cân nặng dưới 2500g chiếm 52% và sơ sinh non tháng chiếm 24% trường hợp PNCT bị tiền sản giật. Trong nghiên cứu của Ngô Văn Tài [46]: ở 320 PNCT bị TSG từ năm 1997 - 2000, tỷ lệ đẻ non là 36,3%, sơ sinh cân nặng dưới 2500g là 51,5%. Những đứa trẻ sinh ra quá non và có cân nặng thấp thường có những bất lợi về phát triển trí não.
- Thai chết lưu trong tử cung: là biến chứng nặng nề của TSG do gây rối loạn tuần hoàn tử cung rau làm ngưng trệ trao đổi chất cho thai nhi. Theo Mabie [120], tỷ lệ thai chết lưu là 16% ở PNCT bị tiền sản giật, trong nghiên cứu của Phan Trường Duyệt và cộng sự [12] tỷ lệ này là 6,9%, của Ngô Văn Tài [46] là 5,3%.