TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH TÂY HÀ NỘ
3.3.2. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thứ nhất, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng nội tệ. Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu cho Chính phủ trong thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng nội tệ, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, hoàn thiện cơ chế và điều hành công cụ dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn phù hợp với yêu cầu kiểm soát theo mục tiêu tiền tệ, tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực trong nền kinh tế để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Mặt khác, tăng
cường hệ thống thanh tra, giám sát các tỷ lệ an toàn, tuân thủ các quy định về lãi suất, tỷ giá và ngoại hối nhằm tạo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự phổ biến mặc dù NHNN đã đưa ra các nghị định, thông tư để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Số dư tiền gửi thanh toán trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong khi đây là nguồn tiền lớn và ổn định của ngân hàng ở các nước phát triển. Hệ thống các máy ATM của nước ta hiện nay chỉ phục vụ nhu cầu chủ yếu là rút tiền mặt. Trong thời gian tới, NHNN cần ban hành bổ sung, hoàn thiện các quy định về dịch vụ thẻ, phát triển thương mại điện tử và thanh toán ngân hàng. Đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời có chế tài cụ thể trong xử phạt các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn giao dịch cũng như quyền lợi cho người sử dụng.
Thứ ba, lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Diễn biến thị trường ngân hàng thời gian qua đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở những mức độ khác nhau, đặc biệt là việc vi phạm trần lãi suất, làm cho những ngân hàng chấp hành tốt quy định như NHNo&PTNT Chi nhánh Tây Hà Nội khó khăn trong hoạt động huy động vốn. Để khắc phục tình trạng này, NHNN cần có những chế tài đủ mạnh để răn đe, tăng mức phạt lên hơn nhiều lần đối với từng cấp có thẩm quyền vi phạm. Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng và hàng tháng công bố kết quả thanh tra, trong đó nhấn mạnh đến các cảnh báo rủi ro hệ thống từ diễn biến thị trường, làm cơ sở tham chiếu cho các chủ thể tham gia thị trường tự điều chỉnh hành vi cạnh tranh của mình phù hợp với diễn biến thị trường.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiện đại hóa hệ thống ngân hàng. Để nâng cao sức mạnh và uy tín của hệ thống ngân hàng đối trong nền kinh tế, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam với các nội dung:
cơ cấu lại các NHTM Nhà nước, sắp xếp lại hoạt động của các TCTD theo hướng hợp nhất, cơ cấu lại các NHTM về quy mô và chất lượng, áp dụng các biện pháp hạn chế nợ xấu phát sinh,…Bên cạnh đó, hiện đại hóa công nghệ được xem là nền tảng để ngành ngân hàng Việt Nam hội nhập, đặc biệt trong giai đoạn đầu gia nhập WTO. Trên cơ sở đó mở rộng và phát triển các dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.
Thứ năm, hướng dẫn cụ thể lộ trình cổ phần hóa NHNo&PTNT Việt Nam. Với vai trò đặc thù của NHNo&PTNT Việt Nam là ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN cần có những hướng dẫn cụ thể và phù hợp trong tiến trình cổ phần hóa Ngân hàng. Từ đó các đơn vị kinh doanh trong hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam mới có thể đưa ra định hướng hoạt động đúng hướng, hiệu quả nhất.