Nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả huy động vốn của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tây hà nội (Trang 27 - 30)

a) Môi trường chính trị, pháp lý

Mỗi quốc gia đều có một thể chế chính trị nhất định, sự ổn định về chính trị hay chính sách ngoại giao sẽ tác động tích cực đến hoạt động huy động vốn của một ngân hàng. Người dân trong nước yên tâm gửi những khoản thu nhập nhàn rỗi vào ngân hàng mà không phải tính toán đầu cơ vào những giá trị tài sản khác chứa đựng nhiều rủi ro trong khi họ chỉ mong muốn được bảo toàn vốn. Người dân các quốc

gia khác luôn chọn những quốc gia ổn định về chính trị để đầu tư và kỳ vọng vào khả năng sinh lời lớn. Ngược lại sự bất ổn về chính trị sẽ làm mất lòng tin của dân chúng, họ sẽ nhanh chóng “trốn chạy” khỏi đồng tiền, giảm cơ hội đầu tư, đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng huy động vốn của ngân hàng.

Cơ sở pháp lý luôn tác động đến việc hình thành và tồn tại của mỗi ngân hàng nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng. Hay nói cách khác, kinh doanh ngân hàng chịu sự giám sát chặt chẽ của pháp luật và các cơ quan chức năng của Chính phủ. Bất kỳ điều chỉnh nào của Nhà nước về tài chính, tiền tệ, tín dụng, lãi suất đều ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Hệ thống pháp luật động bộ, không chồng chéo sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của NHTM an toàn và thuận lợi. Chính sách tiền tệ quốc gia thắt chặt hay nới lỏng đều ảnh hưởng trực tiếp đến công tác huy động vốn của NHTM. Khi NHNN muốn giảm tỷ lệ lạm phát bằng cách thực hiện thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất tiền gửi để giảm bớt tiền trong lưu thông, khi đó ngân hàng dễ dàng huy động vốn. Chính sách đầu tư của Nhà nước hợp lý hay không cũng tác động trực trực tiếp đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Khi Nhà nước tập trung vốn cho những công trình trọng điểm thì Nhà nước sẽ huy động vốn với lãi suất cao làm các NHTM khó khăn trong việc nắm giữ dòng chảy vủa vốn, từ đó giảm hiệu quả huy động vốn.

b) Môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế là nhân tố quan trọng nhất, nó bao trùm mọi hoạt động của NHTM. Các chỉ tiêu kinh tế như tốc độ tăng trưởng, thu nhập của dân cư, tốc độ chu chuyển vốn, chỉ số lạm phát…ảnh hưởng đến khả năng thu nhập, thanh toán, chi tiêu, nhu cầu về vốn và gửi tiền của khách hàng, từ đó tác động mạnh mẽ đến nhu cầu và cách thức sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, chi phối hoạt động huy động vốn và đầu tư cũng như các dịch vụ tài chính khác. Môi trường kinh tế vừa tạo cho NHTM những cơ hội kinh doanh nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Sự ổn định của nền kinh tế là căn cứ đầu tiên để người gửi tiền đưa ra quyết định nên gửi tiền vào ngân hàng hay không. Tốc độ tăng trưởng và phát triển nền kinh tế cao làm cho các biến số kinh tế vĩ mô đều có dấu hiệu tốt, tình hình sản xuất

kinh doanh phát triển là điều kiện thuận lợi để thực hiện các kế hoạch kinh doanh của ngân hàng nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng.

Chính sách đầu tư, tiết kiệm của Chính phủ và thu nhập bình quân đầu người ảnh hưởng đến vốn huy động của NHTM. Ngân hàng chủ yếu huy động vốn từ những khoản tiền nhàn rỗi trong dân cư mà xuất phát điểm là do tiết kiệm trong tiêu dùng để dành chi tiêu trong tương lai. Mặt khác, tiết kiệm lại phụ thuộc vào thu nhập, tâm lý tiêu dùng và sự ổn định nền kinh tế. Tỷ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế thấp sẽ gây khó khăn trong mở rộng nguồn vốn huy động của NHTM.

Tỷ lệ lạm phát gia tăng làm đồng tiền mất giá, lợi ích của người gửi tiền giảm do lãi suất thực giảm xuống. Khi đó họ sẽ có tâm lý chuyển sang giữ vàng, ngoại tệ mạnh hay hàng hóa để đảm bảo đồng tiền của mình không bị mất giá, từ đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả huy động vốn của NHTM.

Ngoài ra, tỷ lệ xuất nhập khẩu thặng dư cùng sự phát triển của thương mại quốc tế, các dòng vốn quốc tế lưu chuyển tự do hơn cũng làm cho hoạt động kinh doanh ngân hàng có những thay đổi mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng, nhất là hoạt động huy động vốn. Trong điều kiện nền kinh tế phát triển, thu nhập người dân được cải thiện và ổn định sẽ tạo điều kiện cho lượng tiền gửi vào ngân hàng gia tăng, số vốn huy động được dồi dào, cơ hội đầu tư cũng được mở rộng. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái thì khả năng khai thác nguồn vốn để đưa vào nền kinh tế cũng sẽ bị hạn chế, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn.

Như vậy, sự thay đổi các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, thu nhập bình quân đầu người, thay đổi chính sách đầu tư, tiết kiệm của Chính phủ… sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng và tiết kiệm của dân cư, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn của ngân hàng.

c) Môi trường văn hóa-xã hội

Mỗi quốc gia đều có nền văn hóa riêng, văn hóa chính là yếu tố tạo nên bản sắc của các dân tộc như tập quán, thói quen, tâm lý…Hoạt động huy động vốn của chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường văn hóa. Ở những nước phát triển, người dân

có thói quen gửi tiền vào ngân hàng để hưởng những tiện ích trong thanh toán, hưởng lãi và được bảo mật an toàn. Vì thế việc huy động vốn trong dân cư của các NHTM khá thuận lợi, người dân khi có tiền đều gửi vào ngân hàng. Ngược lại, ở các nước đang phát triển, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn trở ngại vì vẫn còn một bộ phận người dân hiện nay vẫn chưa có thói quen gửi tiền cũng như có tâm lý sợ rủi ro, ngại phiền phức, rắc rối trong thủ tục khi giao dịch với ngân hàng. Các đặc điểm tâm lý và thói quen này đang là một trong những yếu tố cản trở quá trình huy động vốn của các NHTM.

d) Môi trường cạnh tranh

Trong nền kinh tế không chỉ có một ngân hàng mà có rất nhiều ngân hàng cùng tham gia kinh doanh tiền tệ. Đối thủ cạnh tranh của mỗi NHTM không chỉ là là các ngân hàng bạn mà còn có các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, công ty tài chính hay thị trường chứng khoán, đặc biệt trong lĩnh vực huy động vốn. Vì vậy, các NHTM và TCTC buộc phải cạnh tranh với nhau để có thể thu hút được lượng vốn đáp ứng được yêu cầu kinh doanh. Với sự có mặt của ngày càng nhiều các NHTM và TCTD mới như hiện nay làm cho sự cạnh tranh càng gay gắt và quyết liệt hơn, đòi hỏi các ngân hàng phải tích cực hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ, nâng cao uy tín của mình với công chúng thì mới có thể thu hút được luồng vốn chất lượng cho ngân hàng mình.

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả huy động vốn của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tây hà nội (Trang 27 - 30)