Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 2020

Một phần của tài liệu xây dựng đô thị sinh thái kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng vào việt nam (Trang 92 - 96)

6. Nội dung luận văn

3.2.2. Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 2020

Chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển đô thị Việt Nam được quy định cụ thể trong Quyết định số 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 07/11/2012 về việc Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 là: "Phát triển đô thị quốc gia đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, hướng tới nền kinh tế xanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá; kiểm soát chất lượng môi trường, hài hoà giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới, xây dựng đô thị có điều kiện sống tốt, tăng cường sức cạnh tranh đô thị trong khu vực và quốc tế ...". Với các nội dung chính bao gồm:

Các nhiệm vụ phải thực hiện

(1) Địa phương xây dựng Chương trình phát triển đô thị, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch khác trên địa bàn đảm bảo phát triển đô thị bền vững.

(2) Triển khai tổ chức lập và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các khu vực đô thị hiện hữu; bảo tồn tôn tạo các khu vực di sản đô thị; xây dựng cải tạo, tái phát triển và nâng cao chất lượng các khu vực đô thị cũ.

(3) Các khu vực phát triển đô thị phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội đô thị theo từng giai đoạn đầu tư xây dựng. Các khu vực phát triển đô thị phải đảm bảo hình thái kiến trúc cảnh quan phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hoá, xã hội của từng vùng, miền và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, đất nông nghiệp và rừng.

(4) Phát triển hạ tầng kĩ thuật đô thị:

Về giao thông: Phát triển mạng lưới khung giao thông quốc gia kết nối hệ thống đô thị trung tâm các cấp và các khu vực là động lực tăng trưởng cấp quốc gia. Phát triển mạng lưới giao thông đô thị kết nối với khung giao thông cấp vùng và

quốc gia. Đối với các đô thị loại đặc biệt và loại I, hình thành các tuyến đường trên cao và tuyến đường vận tải công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm v.v... Khuyến khích nghiên cứu và phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường

Về cấp nước: Hạn chế việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm, xây dựng giải pháp cấp nước từ nguồn nước mặt và bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt.

Về thoát nước: Nghiên cứu giải pháp tổng thể liên vùng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, ngập úng, triều cường và nước biển dâng. Tăng cường phục hồi và cải tạo lòng sông, hồ, kênh, mương... trong đô thị tạo cảnh quan và môi trường sinh thái bền vững.

Quản lý chất thải rắn: Tổ chức rà soát, xây dựng lộ trình đóng cửa các bãi rác hiện hữu không đảm bảo về mặt môi trường; nâng cao có hiệu quả công tác thu gom, phân loại chất thải rắn tại các đô thị lớn áp dụng công nghệ hiện đại trong thu gom và xử lý chất thải rắn.

Cấp điện và chiếu sáng: Khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng các nguồn năng lượng mới và các nguồn năng lượng sạch. Đối với các đô thị khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ cần tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Cây xanh đô thị, bảo vệ môi trường cảnh quan: Bảo vệ và duy trì không gian xanh, mặt nước và di sản thiên nhiên của mỗi vùng, giá trị cảnh quan thiên nhiên đặc thù của mối đô thị. Bảo tồn và phát triển không gian công công gắn với công trình nghệ thuật, công trình kiến trúc di sản, danh lam thắng cảnh, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị.

Các ưu tiên chính

(1) Về cơ chế chính sách: Hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch các cấp. Nghiên cứu phát triển đô thị xanh đảm bảo đô thị hoá nhanh, bền vững thực hiện

chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ( xem cụ thể hộp 3.1).

(2) Về công tác quản lý quy hoạch: Tập trung rà soát việc thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị. Xây dựng các chế tài, cơ chế nhằm kiểm soát công tác triển khai thực hiện theo quy hoạch.

(3) Về nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu quản lý phát triển đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc xây dựng đô thị văn minh hiện đại và phát triển bền vững.

(4) Về khoa học công nghệ và môi trường: Xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng mới tiên tiến, thân thiện môi trường; công nghệ mới trong xây dựng nhà ở đảm bảo chất lượng tốt, giá thành hạ cho các đối tượng thu nhập khác nhau. Nghiên cứu các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các công trình nhà ở, công sở dịch vụ. Xây dựng hệ thống thông tin về phát triển đô thị phục vụ quản lý nhà nước. Nghiên cứu phát triển các không gian công cộng đô thị ngầm.

(5) Về cơ chế tài chính: Khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng, công viên cây xanh và khu đô thị mới.

Hộp 3.1: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 Nhà nước đã thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đây được xem như một nội dung quan trọng để hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững.

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, vấn đề đô thị hóa được nhấn mạnh vào các nội dung như:

(1) Rà soát quy hoạch tổng thể các đô thị từ cách tiếp cận đô thị bền vững (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế,...) với trọng tâm sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững

cho mọi người dân sinh sống và điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến năm 2020 các đô thị đạt mức trung bình trở lên của hệ thống chỉ số đô thị xanh.

(2) Xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh: nghiên cứu, ban hành hệ thống tiêu chuẩn về quy hoạch, thiết kế, sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị.

(3) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi người dân, đồng thời giảm các chi phí do ô nhiễm, ùn tắc giao thông.

Một số nội dung được coi như những tiền đề cho việc xây dựng đô thị bền vững có được nhắc đến là nội dung ưu tiên trong Chiến lược tăng trưởng xanh như: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò và ý nghĩa của tăng trưởng xanh, (2) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, dần hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới, (3) Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, (4) Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn, (5) Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh, v.v…

(Nguồn: Quyết định của thủ tướng chính phủ số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 về Phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.)

3.3. Áp dụng mô hình SWOT phân tích khả năng phát triển Đô thị sinh thái tại Việt Nam

SWOT là phương pháp phân tích các điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunites) và thách thức (Threats) của việc phát triển ĐTST vào Việt Nam.

Điểm mạnh và điểm yếu là những yếu tố nội tại tạo nên (hoặc làm giảm) giá trị cơ hội và thách thức là các yếu tố bên ngoài tạo nên (hoặc làm giả) giá trị của đối tượng cần phân tích mà nằm ngoài tầm kiểm soát của đối tượng đó. Cơ hội và thách thức nảy sinh từ ảnh hưởng của quốc tế, đường lối chính sách của Chính phủ, luật

pháp, chính trị, v.v…

Sau khi phân tích, đánh giá riêng từng phần của ma trận SWOT, có thể dựa vào sự kết hợp của từng phần để đưa ra các chiến lược nhằm nâng cao khả năng phát triển ĐTST vào Việt Nam như:

- Cơ hội với điểm mạnh (OS): cần sử dụng điểm mạnh để khai thác tốt nhất

các cơ hội.

- Cơ hội với điểm yếu (OW): cần sử dụng những cơ hội có được để hạn chế

đến mức thấp nhất, khắc phục những điểm yếu.

- Nguy cơ với điểm mạnh (TS): cần phát huy những điểm mạnh để đối phó và hạn chế những tác động tiêu cực của những nguy cơ.

- Nguy cơ và điểm yếu (TW): cần phải cố gắng hạn chế các điểm yếu và tránh

những nguy cơ có thể xảy ra khi xuất hiện đồng thời với điểm yếu.

Phương pháp phân tích SWOT sử dụng trong Luận văn nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện về khả năng áp dụng ĐTST vào Việt Nam thông qua việc phân tích từng phần và kết hợp giữa các phần của ma trận, và đưa ra một số giải pháp nâng cao khả năng hình thành và phát triển ĐTST ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu xây dựng đô thị sinh thái kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng vào việt nam (Trang 92 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w