6. Nội dung luận văn
1.1.2. Quan niệm về đô thị hóa
Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: “Đô thị hóa là sự mở rộng của đô thị, tính theo tỷ lệ phần trăm giữa số dân đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay
diện tích của một vùng hay khu vực. Nó cũng có thể tính theo tỷ lệ gia tăng của hai yếu tố đó theo thời gian. Nếu tính theo cách đầu thì nó còn được gọi là mức độ đô thị hóa, còn theo cách thứ hai nó có tên là tốc độ đô thị hóa.”
Trên quan điểm nền kinh tế quốc dân, đô thị hóa là một quá trình phân bố các lực lượng sản xuất trong nền kinh tế quốc dân, bố trí đân cư những vùng không phải đô thị thành đô thị, đồng thời phát triển các đô thị hiện có theo chiều sâu. Quá trình đô thị hóa được biểu hiện cụ thể trên các phương diện như tăng quy mô và mật độ dân cư, phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, nâng cao trình độ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trong khu vực [6].
Sự phát triển kinh tế, trong đó sự hình thành và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ là tiền đề của quá trình đô thị hóa. Sự phát triển các ngành này làm cho cơ cấu kinh tế thay đổi và làm tăng khả năng tài chính đô thị và do đó đô thị có khả năng mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thu hút lao động, tăng quy mô dân cư v.v. Tăng cường cơ sở hạ tầng trở thành yêu cầu cần thiết của sự phát triển kinh tế, yêu cầu đời sống của cư dân đô thị. Việc mở rộng, hiện đại hóa, xây dựng mới đường sá và các công trình giao thông là điều kiện cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa, tiết kiệm chi phí xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị. Mở rộng địa giới hành chính đô thị hiện có là một xu thế tất yếu của sự phát triển.
Quy mô dân số và kinh tế của đô thị được quy hoạch và định hướng trong dài hạn. Đô thị hóa mang tính xã hội và lịch sử và là sự phát triển về quy mô, số lượng, nâng cao vai trò của đô thị trong khu vực và hình thành hệ thống các đô thị. Đô thị hóa làm biến đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội của đô thị và nông thôn trên cơ sở phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, dịch vụ. Các chính sách đô thị hóa và phát triển đô thị là sự cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Đô thị hóa trên thế giới bắt đầu từ cách mạng công nghiệp, là sự thay thế lao động thủ công bằng lao động máy móc. Đồng thời cách mạng công nghiệp đã tập trung hóa lực lượng sản xuất ở mức độ cao dấn đến hình thành đô thị mới, mở rộng quy mô đô thị mới.