Thực trạng quá trình đô thị hóa ở Việt Nam

Một phần của tài liệu xây dựng đô thị sinh thái kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng vào việt nam (Trang 81 - 86)

6. Nội dung luận văn

3.1.1. Thực trạng quá trình đô thị hóa ở Việt Nam

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, với một hệ thống đô thị từ Bắc vào Nam là các trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa của vùng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 30/12/2010 cả nước có 755 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V (Phân loại theo NĐ 42/NĐ-CP về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị sẽ được tác giả trình bày cụ thể trong phần 3.1.2) [5]. Đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, là các đô thị lớn giữ vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế. Các đô thị loại I có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị của vùng. Các đô thị loại III là những thành phố trung bình giữ chức năng trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ của tỉnh. Các đô thị loại IV là các quận giữ chức năng trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ của tỉnh hoặc vùng.

Đô thị phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng tăng từ 604 đô thị năm 1999 lên 755 đô thị vào năm 2010 (bảng 3.1), tỷ lệ dân số đô thị tăng từ 19% năm 1986 lên 34% vào năm 2011 với tốc độ tăng trưởng dân số đô thị từ 3 - 4%/năm. [24]

Bảng 3.1. Số lượng đô thị giai đoạn 1999 - 2010 Loại đô thị 1999 2009 2010 Đô thị đặc biệt - 2 2 Loại 1 2 5 10 Loại 2 8 12 12 Loại 3 12 40 47 Loại 4 64 47 50 Loại 5 518 625 634 Tổng 604 731 755

Nguồn: Đánh giá đô thị hoá ở Việt Nam - World Bank 2011 Đô thị là nơi đầu tư có hiệu quả, vì đô thị là nơi hội tụ của các điều kiện thuận lợi cho phát triển và là nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu khoa học, giao lưu thương mại v.v… Tương tự như Ấn Độ, Indonexia, Hàn Quốc hay Trung Quốc, đô thị hoá tại Việt nam đã và đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước (hình 3.1).

Hình 3.1. Đô thị hoá và tăng trưởng kinh tế

Nguồn: Đánh giá đô thị hoá ở Việt Nam - World Bank 2011 Ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, các khu vực đô thị đang là những trung tâm kinh tế, đóng góp to lớn cho tăng trưởng GDP của cả nước. GDP/đầu người theo

loại đô thị qua các năm tăng mạnh. GDP/đầu người trung bình ở các đô thị năm 2009 tăng gần 5 lần so với năm 1999 (bảng 3.2).

Bảng 3.2. Thu nhập bình quân GDP/đầu người theo loại đô thị

GDP/đầu người (triệu đồng)

Đô thị

đặc biệt Loại I Loại II Loại III Loại IV

2009 41,7 24,3 27,4 19,7 16,8

1999 7,6 7,5 6,2 4,3 3,7

Tăng trưởng hàng năm (%) 17,0 11,8 14,9 15,2 15,1

Nguồn: Đánh giá đô thị hoá ở Việt Nam - World Bank 2011 Song song với quá trình đô thị hoá là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang một nền kinh tế chú trọng hơn đến công nghiệp và hoạt động hướng về xuất khẩu. Trong giai đoạn từ 1985 đến 2008, tỷ trọng GDP của ngành nông nghiệp giảm mạnh từ 37,2% xuống chỉ còn 18,5 % trong khi tỷ trọng GDP của ngành công nghiệp tăng nhanh từ 26,1% năm 1985 lên 43,2% năm 2008 và tỷ trọng của ngành dịch vụ có xu hướng giảm nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu do xu hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp đi kèm với diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp (Bảng 3.3) [27].

Bảng 3.3. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu GDP theo ngành

Ngành Giá trị đóng góp (% GDP)

1985 1990 2000 2008

Nông nghiệp 37,2 33,6 25,5 18,5

Công nghiệp 26,2 26,1 36,7 43,2

Dịch vụ 37,0 40,3 38,7 38,3

Nguồn: Đánh giá đô thị hoá ở Việt Nam - World Bank 2011 Các vùng đô thị đang chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của cả nước, các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như trong nước gia tăng, hướng về các thành phố và đô thị, đặc biệt là đô thị lớn vì mang lại hiệu quả cao cho các nhà đầu tư. Theo số

liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2011 cả nước đã thu hút được 13.440 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó địa phương dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh với 3.967 dự án, chiếm 16,08 tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp đó là Hà Nội với 2.253 dự án, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư đăng ký [18]. Các thành phố lớn là những hạt nhân của các vùng kinh tế, luôn đi đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các thành phố lớn cũng là một nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế của chính các đô thị đó, từ đó tạo sức lan tỏa của đầu tư nước ngoài sang những đô thị ở những khu vực lân cận có điều kiện kinh tế khó khăn hơn.

Tình trạng nghèo đói ở khắp các vùng miền đô thị đã có những cải thiện to lớn. Có vẻ như những lợi ích từ sự tăng trưởng kinh tế đã được chia sẻ khá đồng đều trong cả nước, mặc dù tỷ lệ giảm nghèo vẫn tập trung tương đối nhiều ở các vùng giàu, các vùng giàu hơn có tỷ lệ giảm nghèo tương đối cao như ở đô thị loại đặc biệt, loại I có tỷ lệ người nghèo thấp nhất. Tỷ lệ nghèo ở đô thị loại đặc biệt (2009) thấp nhất là 3,3%, tiếp đó là đô thị loại I với 7,9% (bảng 3.4) [27] .

Bảng 3.4. Tỷ lệ nghèo giai đoạn 1999 - 2009

Tỷ lệ nghèo (%) Đô thị đặc biệt Đô thị loại I Đô thị loại II Đô thị loại III Đô thị loại IV 2009 3,3 7,9 12,5 13,6 15,7 1999 15,9 29,9 31,6 38,9 39,4 Nguồn: [27]

Các dịch vụ cơ bản và điều kiện nhà ở cũng đã được cải thiện ở tất cả các đô thị. Điều kiện tiếp cận nước sạch và cung cấp điện đã được cải thiện đáng kể chủ yếu ở các đô thị thuộc những phân nhóm thấp hơn (bảng 3.5) [27].

Bảng 3.5. Các dịch vụ cơ bản được cung cấp giai đoạn 1999 – 2009 (%)

Hộ gia đình \ Loại đô thị Đặc biệt Loại I Loại II Loại III Loại IV

Có nước sạch 2009 98,8 88,8 91,0 85,3 72,8

Có công trình vệ sinh 2009 87,9 66,2 59,3 50,7 46,3 1999 21,9 28,1 18,8 12,0 12,8 Có điện 2009 99,7 98,8 96,8 96,0 93,4 1999 98,6 84,1 81,3 71,3 66,9 Nguồn: [27]

Cùng với những mặt tích cực mà các đô thị mang lại, các đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức như: vấn đề nhà ở đô thị, nghèo đói và thất nghiệp, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, các tệ nạn xã hội v.v…

Vấn đề nhà ở cho người dân đô thị hiện nay được đặt ra như một vấn đề cấp bách vì quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra rất nhanh trong một khoảng thời gian ngắn. Những khu nhà ổ chuột, khu nhà xây dựng bất hợp pháp ở đô thị bị lên án mạnh mẽ vì nó làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong quá trình đô thị hóa những người lao động được thu hút từ các địa phương về thành phố tuy nhiên dịch vụ thuê nhà của thành phố lại chưa phát triển, đây là một trong những nhân tố cản trở sự tăng trưởng kinh tế ở đô thị.

Quá trình đô thị hóa gắn liền với công nghiệp hóa làm biến đổi các thành phần của môi trường. Vấn đề ô nhiễm không khí trong các đô thị ngày càng trầm trọng. Các nhà máy ngày càng mở rộng quy mô, lượng nhiên liệu tiêu hao ngày càng nhiều, phế thải, khí độc rò rỉ trong quá trình sản xuất, đặc biệt là công nghiệp hóa chất ngày càng thải ra không khí nhiều hơn. Các hộ gia đình sản xuất từ các làng nghề cũng mở rộng quy mô sản xuất; Phương tiện giao thông đô thị đa dạng, nhiên liệu dư trong quá trình đốt tăng cùng số lượng các phương tiện. Cùng với các hoạt động xây dựng, vận chuyển vật liệu, rác thải xây dựng làm cho nồng độ bụi trong không khí tăng.

Ô nhiễm nước mặt và nước ngầm cũng là một vấn đề đang được xã hội rất quan tâm. Nguồn nước mặt như nước ao hồ, sông ngòi, nước đọng trên mặt đất bị ô nhiễm từ các nguồn từ nước thải công nghiệp như nước thải từ các nhà máy chế biến thực phẩm, da dầy, dầu khí hóa chất, khai khoáng, luyện kim v.v…; từ nước thải sinh hoạt: các chất bẩn, chất tẩy rửa từ nhà vệ sinh, từ giặt giũ, rửa các dụng cụ

gia đình, nước rò rỉ từ các bãi rác v.v…; nước thải bệnh viện mang theo các hóa chất độc hại được thải ra trong quá trình tẩy rửa, vi khuẩn gây bệnh từ người bệnh; phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn, chất thải trong ngành nông lâm nghiệp, thủy sản. Nguồn nước ngầm cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các hệ thống khai thác không được quy hoạch, người dân tự khoan giếng khai thác nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.

Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên đang là vấn đề lớn ở các đô thị hiện nay cũng như trong tương lai. Quá trình tăng trưởng kinh tế, cũng như đô thị hóa đòi hỏi sử dụng ngày càng nhiều tài nguyên, trong đó có rất nhiều tài nguyên không thể hoặc chậm tái tạo. Những nguồn tài nguyên quan trọng như nước, đất (nông nghiệp), rừng v.v… trong quá trình đô thị hóa thường bị khai thác quá mức, nguy cơ cạn kiệt các nguồn này rất cao.

Một phần của tài liệu xây dựng đô thị sinh thái kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng vào việt nam (Trang 81 - 86)