Các loại mô hình Đô thị sinh thái

Một phần của tài liệu xây dựng đô thị sinh thái kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng vào việt nam (Trang 42 - 44)

6. Nội dung luận văn

1.3.1.Các loại mô hình Đô thị sinh thái

Theo Th.S Nguyễn Thị Hạnh – Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), có hai loại hình đô thị sinh thái, đó là đô thị sinh thái cho vùng đô thị mới hoặc là đô thị cũ được sửa chữa, thay đổi trong điều kiện có thể thành đô thị theo kiểu đô thị sinh thái [7].

Xây dựng ĐTST cho vùng đô thị mới: Là việc xây dựng một Đô thị mới theo những tiêu chí cụ thể, có tính đến yếu tố vùng miền, tâm lý, đặc trưng sinh hoạt của khu vực dân cư để có một môi trường sống thân thiện và chất lượng. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất thế giới, trung bình mỗi tháng lại có một đô thị mới được hình thành. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh v.v… ngày càng trở nên ngột ngạt và ô nhiễm trong khi nhu cầu về chất lượng cuộc sống ngày càng gia tăng. Nắm bắt được nhu cầu thực tế và những lợi thế của các yếu tố sinh thái, hàng loạt các Đô thị mới ra đời đã tự xưng là ĐTST nhưng chỉ dựa trên những tiêu chí về tỷ lệ cây xanh và nước mặt trong tổng thể diện tích dự án là vẫn chưa đủ để tạo nên một ĐTST theo đúng nghĩa của nó. Để giúp cho quá trình quy hoạch và xây dựng, các nhà nghiên cứu, nhà quy hoạch đang gấp rút nghiên cứu để đưa ra những tiêu chí cụ thể xây dựng ĐTST phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hộp 1.1. Các hình thái cơ bản của đô thị mới

(1) Hình thành đô thị mới từ những vùng chưa phải đô thị, để biến một vùng nông thôn thành đô thị cần phải có nguồn tài chính mạnh và khả năng dự kiến được sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị trong tương lai. Những đô thị kiểu mới này là những đô thị được phát triển tập trung theo dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình sản xuất, công trình phúc lợi và nhà ở.

(2) Hình thành các khu đô thị mới gắn liền với các đô thị hiện có, là một bộ phận của đô thị hiện có, được phát triển theo dự án với một số các công trình đồng bộ có vai trò giải quyết một số vấn đề của đô thị hiện có (như nhà ở hoặc các công trình sản xuất). Hình thái thứ hai này thường được gọi là khu đô thị mới. Một số khu đô thị mới hiện nay chỉ có chức năng như một khu ở để giải quyết vấn đề nhà ở cho dân cư của đô thị hiện có hoặc xuất phát từ nhu cầu di dời các nhà máy có gây ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành.

(3) Các đô thị phát triển theo kiểu truyền thống được hình thành trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của các điểm dân cư có những lợi thế về tự nhiên, về giao thông. Nhờ phát triển kinh tế, thu nhập của dân cư và xã hội tăng, đời sống nâng cao dẫn đến sự biến đổi về văn hóa xã hội từ văn hóa làng xã thành văn hóa đô thị. Các đô thị hình thành như vậy đòi hỏi thời gian dài, nhược điểm cơ bản của nó là quy hoạch không đồng bộ, thường phải qua nhiều lần cải tạo bổ sung sửa đổi quy hoạch.

Nguồn: [6].

Sửa chữa, thay đổi đô thị cũ theo kiểu ĐTST: Là những giải pháp thay đổi, sửa chữa những đô thị cũ theo hướng của một ĐTST mà vẫn giữ được những đặc trưng và bản sắc riêng của những đô thị này. Các đô thị cũ đa số là các đô thị nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh, thành phố, là những vùng kinh tế trọng điểm lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các đô thị này ngày càng xuống cấp, có nhiều nơi không đáp ứng được nhu cầu phát triển cũng như kìm hãm sự phát triển về kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của dân cư; việc sửa chữa, cải tạo đô thị cũ là vấn đề đang được quan tâm không kém gì việc xây dựng

những đô thị mới. Cải tạo, sửa chữa đô thị cũ theo hướng ĐTST đã và đang là một giải pháp hiệu quả và được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Để xây dựng một ĐTST, với mỗi loại hình lại có những giải pháp khác nhau, trong khuôn khổ bài Luận văn tác giả sẽ tập trung vào phân tích những giải pháp để cải tạo, sửa chữa những đô thị cũ thành những đô thị theo kiểu ĐTST.

Tùy theo từng đặc điểm về kinh tế, văn hoá, xã hội cụ thể mà mỗi một khu vực lại có những hướng tiếp cận khác nhau để xây dựng Mô hình ĐTST. Mặc dù có nhiều hướng tiếp cận khác nhau nhưng một ĐTST đều có chung những mục tiêu cơ bản là tạo ra môi trường đô thị sống tốt, bảo đảm sức khỏe và tiện nghi cho mọi người dân, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu khí nhà kính, giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường đô thị. Tuy nhiên chúng cũng có những đặc điểm riêng: (i) ĐTST tiếp cận theo hướng lấy "khu công nghiệp" là trung tâm để phát triển, lấy mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm phát thải, thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải làm trọng tâm nhằm hướng đến phát triển khu công nghiệp và đô thị bền vững, (ii) ĐTST tiếp cận theo hướng dựa trên sự đồng bộ và phụ thuộc lẫn nhau giữa tính bền vững sinh thái và tính bền vững kinh tế, cùng với khả năng hai đặc tính này củng cố và tăng cường cho nhau trong bối cảnh đô thị, (iii) ĐTST tiếp cận theo hướng cộng sinh, tạo ra sự hòa nhập của 2 hay nhiều thực thể thành một khối cùng phát triển dựa trên lợi ích qua lại lẫn nhau.

Vậy Mô hình ĐTST là một mô hình mở, do đó khi xây dựng Mô hình ĐTST ta có thể lựa chọn những mô hình cùng các giải pháp cụ thể phù hợp với bối cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi địa phương; đồng thời với khái niệm mở này thì hệ thống tiêu chí và các giải pháp cũng là hệ thống mở.

Một phần của tài liệu xây dựng đô thị sinh thái kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng vào việt nam (Trang 42 - 44)