c. Quy trình cho vay
2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.4.2.1. Hạn chế
Số doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng còn thấp
Mặc dù số DNVVN được vay vốn ở chi nhánh không ngừng tăng lên trong 3 năm qua và luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số các doanh nghiệp được vay vốn
ở chi nhánh, song khảo sát trên tổng số doanh nghiệp đặt vấn đề vay vốn ở chi nhánh Sở Giao dịch cho thấy, chỉ 30-35% DNVVN được vay vốn, 30% khó tiếp cận được nguồn vốn của chi nhánh, số còn lại hầu như không tiếp cận được.
Việc chấp hành quy chế cho vay còn mang nặng tính hình thức, quá trình giám sát khoản vay nhiều khi bị sao nhãng, chưa thực sự sâu sát với tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Các cán bộ tín dụng chậm cập nhật tình hình biến động của doanh nghiệp nên thường ở trạng thái bị động khi nắm được nguồn thông tin và không thực hiện tốt được chức năng tư vấn cho doanh nghiệp. Cá biệt, trong năm 2011, việc đối mặt với những biến động bất lợi của tình hình kinh tế, các quy định chặt chẽ của NHNN trong việc cho vay và giới hạn tăng trưởng tín dụng cũng như việc không nắm rõ định hướng chiến lược của ban lãnh đạo ngân hàng đã khiến một số cán bộ tín dụng cho vay sai đối tượng khách hàng.
Tỷ lệ dư nợ cho vay DNVVN trên tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh khá cao, đạt trên 50% trong cả 3 năm. Bên cạnh mặt tích cực là chi nhánh đã dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng khách hàng này thì cũng bộc lộ nhược điểm là nếu chi nhánh không cơ cấu thời hạn nợ một cách hợp lý, kiểm soát chặt chẽ công tác thu hồi nợ thì rủi ro thanh khoản rất dễ xảy ra.
Tỷ trọng dư nợ cho vay DNVVN trong tổng dư nợ cho vay của chi nhánh cao song chủ yếu tập trung ở các khoản cho vay ngắn hạn, cho vay trung dài hạn chiếm tỷ lệ nhỏ trong khi các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn trung dài hạn để đầu tư máy móc trang thiết bị và đầu tư vào dự án. Ở một nước đang phát triển như nước ta hiện nay thì nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng là rất lớn. Các khoản đầu tư đó thường đòi hỏi vốn vay trung, dài hạn thì lại chưa được chi nhánh đáp ứng tốt.
Tỷ lệ vòng quay vốn tín dụng trong ngắn hạn còn thấp
Như phân tích ở trên, vòng quay vốn tín dụng của chi nhánh còn thấp, luôn nhỏ hơn 1 chứng tỏ tốc độ chu chuyển vốn chậm, chưa tham gia tích cực vào các chu kì kinh doanh.
Sự hạn chế về phương thức cho vay DNVVN tại chi nhánh
Mặc dù các phương thức cho vay đã được đa dạng hóa và triển khai trên toàn hệ thống MB xong ở chi nhánh Sở Giao dịch mới chỉ thực hiện cho vay bằng 2 hình thức là cho vay theo hạn mức và cho vay trực tiếp từng lần. Các hình thức cho vay khác như cho vay thấu chi, cho vay qua phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, cho vay luân chuyển… vẫn chưa thực sự được chú trọng ở chi nhánh. Bên cạnh đó, ở
hình thức cho vay theo hạn mức, có nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt hạn mức nhưng mức độ sử dụng dịch vụ thấp hơn nhiều so với tổng mức được duyệt hoặc có doanh nghiệp đã được phê duyệt hạn mức nhưng không hề vay ở ngân hàng. Điều đó khiến hiệu quả cho vay theo phương thức này chưa cao.
Quy định khắt khe về cho vay có TSBĐ
Các điều kiện vay vốn của Chi nhánh còn quá coi trọng vấn đề tài sản đảm bảo, một điểm yếu của các DNVVN nên gây ra rất nhiều khó khăn cho các DNVVN. Điều kiện về tài sản đảm bảo là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động cho vay, nhưng đôi khi, áp dụng một cách quá máy móc, cứng nhắc sẽ làm mất cơ hội cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp khi phương án sử dụng vốn vay của khách hàng là rất khả thi, doanh nghiệp có năng lực thật sự nhưng đang gặp khó khăn tạm thời về tài chính nên không đáp ứng đủ yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng.
Chỉ tiêu nợ xấu, nợ quá hạn của chi nhánh mặc dù luôn nằm trong mức độ cho phép của NHNN nhưng chưa thực sự đảm bảo an toàn.
Thứ nhất là bởi chỉ tiêu nợ quá hạn chỉ tính cho các món đã quá hạn chứ không tính cho các món vay có nguy cơ quá hạn. Do đó, chỉ tiêu này chưa thực sự phản ánh đầy đủ được hiệu quả các khoản vay của ngân hàng.
Thứ hai, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ giảm không phải do giá trị các khoản nợ quá hạn của chi nhánh đã giảm xuống mà là do dư nợ cho vay DNVVN tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng của nợ quá hạn.
Không những thế, trong thời gian qua, việc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của chi nhánh vay vốn theo hình thức LC trả chậm cũng đã làm tăng tỉ lệ nợ quá hạn của chi nhánh do khi thu được tiền về khách hàng vẫn chưa trả cho ngân hàng.
Nợ xấu của chi nhánh mặc dù thấp hơn nhiều so với trung bình ngành ngân hàng, nhưng so với các ngân hàng TMCP nằm trong top đầu khác thì vẫn cao hơn từ 2-3 lần. Đặc biệt, tỉ lệ nợ xấu tuy thấp nhưng đa số lại rơi vào nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn (trên 50%) do đó chi nhánh vẫn phải đối mặt với rủi ro cao về nguy cơ thất thoát vốn.
Trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm cán bộ còn hạn chế
Tuổi đời của các cán bộ tín dụng tại chi nhánh còn rất trẻ, trung bình chỉ từ 26 đến 27 tuổi. Điều đó khiến kinh nghiệm thực tế của họ chưa nhiều, còn có sự e ngại khi trực tiếp đi quan hệ tín dụng với khách hàng doanh nghiệp. Mặt khác trong quá trình cho vay DNVVN, nhiều cán bộ tín dụng thiếu khả năng quan sát, dự đoán
hay có cái nhìn phiến diện đến hiệu quả mà dự án mang lại, dẫn đến việc bỏ qua những khoản cho vay tốt. Bên cạnh đó, các nhân viên mới chỉ được đào tạo về kĩ năng, nghiệp vụ chứ chưa được chú trọng đào tạo về các giá trị đạo đức, chưa có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp thống nhất trong toàn hệ thống nên vấn đề rủi ro đạo đức trong cho vay của cán bộ tín dụng vẫn xảy ra. Nhiều cán bộ chạy theo thành tích, chỉ tiêu nên tính tỉ mỉ trong thẩm tra không còn. Việc bỏ sót các quy trình trong việc thẩm định nguồn gốc giấy tờ có giá, phong tỏa tài sản hoặc chứng minh tính sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản…là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Chưa đa dạng các hình thức Marketing, giới thiệu sản phẩm và tiếp xúc khách hàng doanh nghiệp
Trong các tài liệu mà chi nhánh cung cấp cho khách hàng hầu như mới chỉ dừng lại ở mức thống kê các đặc tính của sản phẩm cho vay mà chưa chú ý tạo nên sự khác biệt. Chính vì vậy, các khách hàng tốt chưa thực sự thấy được sự hấp dẫn từ các sản phẩm cho vay của chi nhánh Sở Giao dịch so với các chi nhánh khác. Hoạt động marketing cũng được triển khai theo hệ thống một cách chung chung từ Hội sở xuống đến các chi nhánh, chứ chi nhánh chưa tạo ra được sản phẩm đặc thù và quảng bá, tiếp thị cho sản phẩm này. Đây cũng là một hạn chế mà nếu khác phục được sẽ góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho chi nhánh.
Sự thiếu hụt thông tin về khách hàng
Hiện nay, việc phân tích cho vay chủ yếu vẫn dựa trên hồ sơ do chính khách hàng cung cấp, trong khi việc thu thập tìm hiểu thêm thông tin còn thấp cộng với trình độ phân tích thông tin chưa cao khiến cho độ chính xác còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cán bộ tín dụng còn chưa đủ trình độ tổng quát trong tất cả các lĩnh vực nên chưa thể phân tích một cách chính xác tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, những lĩnh vực khác nhau.
Thực tế trong năm 2011 chi nhánh Sở Giao dịch đã phải đối mặt với những rủi ro do sự thiếu hụt thông tin về khách hàng. Chẳng hạn như, các cặp vợ chồng đã ly hôn nhưng cán bộ tín dụng không biết dẫn đến công tác xử lí không tốt khi có phát sinh vấn đề về nghĩa vụ trả nợ do có tính đến vấn đề người liên đới. Hay như các khách hàng có quan hệ quen biết đã móc nối với nhau làm hồ sơ vay vốn để nhận tiền mặt sử dụng cho mục đích khác…Tất cả những rủi ro đó không vi phạm nguyên tắc cho vay của ngân hàng thì cũng gây ra những tổn thất nhất định tới lợi nhuận hoạt động của chi nhánh.
Công tác phát mại tài sản, xử lí TSBĐ để thu hồi vốn, giải tỏa nợ tồn đọng, nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường bất động sản và những hư hại hỏng hóc đối với tài sản động sản theo thời gian. Việc xử lý nợ xấu chưa có sự ủng hộ từ các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan.