thương mại
1.3.1. Các nhân tố chủ quan
Thứ nhất, mức độ đa dạng, tính cạnh tranh của các sản phẩm huy động vốn
Để huy động vốn, ngân hàng phải xây dựng các sản phẩm huy động áp dụng đối với từng đối tượng khách hàng, phù hợp với các nhu cầu sử dụng tiền nhàn rỗi, mục tiêu đầu tư khác nhau. Sản phẩm càng đa dạng, khách hàng càng có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, để huy động vốn tốt, không chỉ cần số lượng các sản phẩm, mà quan trọng hơn cả là tính vượt trội của sản phẩm. Đó là sự vượt trội về đối tượng áp dụng, lãi suất, kỳ hạn, tính linh hoạt trong rút gốc, lãi, các quyền lợi kèm theo … Một sản phẩm có tính vượt trội khi nó đáp ứng được cái mà khách hàng đang thiếu, đang cần. Xây dựng được sản phẩm có tính vượt trội chính là một trong các điểm mạnh của ngân hàng so với các ngân hàng khác, tạo nên tính cạnh tranh của sản phẩm huy động...
Thứ hai, chính sách lãi suất
Chính sách lãi suất có ảnh hưởng rất lớn đối với kết quả huy động vốn của ngân hàng. Bởi vì lãi suất được coi như “giá cả” của khoản huy động, là yếu tố chính trong chi phí huy động của ngân hàng. Thông thường, lãi suất huy động của phải cao hơn lạm phát để đảm bảo mức sinh lời thực dương cho người gửi tiền. Tuy nhiên, lãi suất huy động thường chịu sự điều tiết của Nhà nước, là công cụ hỗ trợ
các mục tiêu, chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ. Lãi suất huy động vốn cao sẽ làm tăng quy mô huy động, nhưng nó cũng làm gia tăng chi phí huy động vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, khi xây dựng chính sách về lãi suất, ngân hàng cần xem xét trên cơ sở mặt bằng lãi suất của thị trường, kết hợp với các nhân tố khác như lợi thế cạnh tranh, chênh lệch phần bù rủi ro giữa các ngân hàng, … để có thể đưa ra được mức lãi suất hợp lý, linh hoạt, có sự cạnh tranh.
Thứ ba, mạng lưới hoạt động của ngân hàng
Mạng lưới hoạt động của ngân hàng thể hiện quy mô, năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Các ngân hàng có số lượng điểm giao dịch lớn, phân bố rộng rãi, địa điểm giao dịch thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiến hành các giao dịch. Tuy nhiên, việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng; Thêm vào đó, mạng lưới phân bổ cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với năng lực quản lý, tránh làm cồng kềnh bộ máy hoạt động mà không đem lại kết quả huy động vốn tương ứng.
Thứ tư, chính sách tiếp thị và chăm sóc đối với khách hàng
Chính sách đối với khách hàng bao gồm hai nội dung chính:
Một là chính sách tiếp thị để tiếp cận khách hàng, tìm kiếm nguồn khách hàng mới. Bao gồm các nội dung: quảng bá thương hiệu, giới thiệu và phổ biến sản phẩm huy động, cung cấp thông tin về sản phẩm mới, tạo dựng mối quan hệ (có thể là mối quan hệ khác ngoài huy động như cấp tín dụng, dịch vụ thanh toán… để làm cơ sở phát triển hoạt động huy động vốn).
Hai là chính sách chăm sóc khách hàng để duy trì và phát triển nền khách hàng, tạo mối liên kết giữa ngân hàng và khách hàng. Chính sách chăm sóc áp dụng đối với các khách hàng đã sử dụng sản phẩm huy động vốn của ngân hàng.
Chính sách khách hàng có tác động rất lớn đối với tâm lý của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến lòng tin, sự gắn kết của khách hàng đối với ngân hàng. Vì vậy,
xây dựng một chính sách khách hàng toàn diện, phù hợp, có sức cạnh tranh là hết sức cần thiết đối với hoạt động huy động vốn của ngân hàng.
Thứ năm, uy tín và thương hiệu ngân hàng
Trước tình hình kinh tế biến động, người dân luôn có tâm lý chọn những ngân hàng có uy tín lâu đời để giao dịch. Đối với ngân hàng uy tín thì độ rủi ro sẽ thấp hơn. Như trong thời gian qua, nhiều ngân hàng huy động với lãi suất rất cao nhưng nhiều người dân vẫn tìm đến những ngân hàng có uy tín lớn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mỗi ngân hàng sẽ tạo nên một hình ảnh riêng trong lòng khách hàng. Một ngân hàng lớn, có uy tín, có tiếng tăm trong nhiều năm sẽ có lợi thế hơn trong huy động vốn. Sự tin tưởng của khách hàng sẽ giúp ngân hàng giữ vững khối lượng vốn huy động và tiết kiệm chi phí huy động. Thậm chí, trong điều kiện lãi suất tiền gửi tại ngân hàng thấp hơn đôi chút, những người có tiền vẫn chọn ngân hàng để gửi mà không tìm đến những ngân hàng khác trả lãi cao hơn, vì họ tin khoản tiền gửi của họ sẽ an toàn hơn.
Thứ sáu, chất lượng nguồn nhân lực
Con người luôn giữ vị trí trung tâm của tất cả các hoạt động. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng cũng là một trong các hoạt động bán sản phẩm, đòi hỏi những người bán các sản phẩm đó phải am hiểu, linh hoạt, khéo léo và tâm huyết. Đặc biệt, làm việc trong môi trường tài chính chuyên nghiệp, năng động, nên cán bộ ngân hàng cũng phải thể hiện được sự chuyên nghiệp, thông thái. Ngoài ra, cán bộ làm công tác huy động vốn là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, do đó tất cả hành vi, thái độ của họ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, đánh giá của khách hàng đối với ngân hàng. Nếu ngân hàng không làm hài lòng đối với khách hàng, họ sẽ không sử dụng các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng đó cung cấp.
Thứ bảy, công tác giám sát, quản lý hoạt động huy động vốn của ngân hàng
Hoạt động huy động vốn là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như con người, công nghệ, không gian giao dịch, phong cách giao dịch… Để đạt được kết quả tốt đòi hỏi tất cả các yếu tố phải thực hiện theo đúng quy chuẩn. Công tác giám sát, kiểm tra là rất quan trọng trong hoạt động ngân hàng, để phát hiện kịp thời các
vướng mắc, khó khăn, giải quyết tình huống và có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo hoạt động huy động vốn được thường xuyên, thông suốt.
Thứ tám, mức độ đa dạng, cạnh tranh của các dịch vụ ngân hàng
Khách hàng sử dụng sản phẩm huy động vốn của ngân hàng thưởng sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng, chẳng hạn như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm, tín dụng… Để thu hút khách hàng gửi tiền, các ngân hàng cũng thường đưa ra các chính sách ưu đãi cho khách hàng, các dịch vụ giá rẻ, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng toàn diện các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Tính tiện lợi, nhanh chóng của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng thường chịu tác động của mạng lưới, quy mô, vị thế, trình độ công nghệ của ngân hàng. Khi các dịch vụ của ngân hàng đa dạng, giá rẻ, thuận tiện sẽ góp phần thu hút khách hàng sử dụng các sản phẩm của ngân hàng, trong đó có sản phẩm huy động vốn.
Thứ chín, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ của ngân hàng
Hoạt động huy động vốn của ngân hàng ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt không chỉ giữa các NHTM trong nước mà còn với các ngân hàng nước ngoài với cơ sở, công nghệ hiện đại. Đây là công cụ hỗ trợ trực tiếp đến các mặt hoạt động như thanh toán, giao dịch, kế toán, ảnh hưởng lớn đến thời gian thực hiện giao dịch, tính tiện lợi, nhanh chóng của sản phẩm. Vì thế, công nghệ lạc hậu sẽ làm hạn chế khả năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, trong đó có sản phẩm huy động vốn. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ đòi hỏi phải đồng bộ, chi phí khá lớn; Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ hiện đại có thể coi là một yếu tố cạnh tranh bền vững của ngân hàng.
1.3.2. Các nhân tố khách quan
Thứ nhất, môi trường pháp lý
Ngân hàng thương mại là một tổ chức tài chính quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế. Ở bất cứ quốc gia nào, hoạt động của NHTM đều chịu sự giám sát, quy định nghiêm ngặt của Nhà nước, chẳng hạn như quy định về tỉ lệ an toàn vốn, về trần lãi suất huy động và cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro, quản lý nợ xấu, ... để đảm bảo hoạt động của ngân hàng minh bạch,
an toàn và hiệu quả. Chính vì vậy, một hệ thống luật, các quy định thống nhất, chặt chẽ, phù hợp là hết sức cần thiết và có ảnh hưởng lớn đến kết quả huy động vốn của ngân hàng.
Thứ hai, môi trường kinh tế - xã hội
Khi nền kinh tế phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt, đời sống của người dân tăng, tiền nhàn rỗi để gửi vào ngân hàng/ để cho ngân hàng vay sẽ dồi dào hơn. Nhưng kinh tế phát triển thường đi kèm với lạm phát, khi đó, chi phí để ngân hàng huy động được vốn cũng phải tăng để đạt được quy mô nguồn vốn mong muốn. Ngược lại, kinh tế suy thoái đi cùng với lạm phát cao sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả huy động vốn của ngân hàng. Ngoài ra, tại các thành phố lớn, nơi tập trung dân cư có thu nhập cao sẽ có nguồn tiền gửi lớn hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, sự cạnh tranh của phương thức đầu tư sinh lời khác
Thị trường tài chính, thị trường tiền tệ ngày càng phát triển đồng bộ và hoàn thiện hơn. Những người có tiền nhàn rỗi có nhiều lựa chọn hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời. Chẳng hạn như đầu tư vào thị trường vàng, đô la Mỹ, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu Chính phủ…. thay vì gửi tiền vào ngân hàng. Mỗi một phương thức đầu tư có mức độ rủi ro khác nhau, đòi hỏi mức sinh lời khác nhau. Mỗi kênh đầu tư thường có các giai đoạn phát triển sôi động, trầm lắng, ảnh hưởng đến quyết định sử dụng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư.
Thứ tư, sự cạnh tranh về huy động vốn trong hệ thống ngân hàng
Trong hệ thống ngân hàng cũng phải chịu sự cạnh tranh hết sức gay gắt do số lượng các ngân hàng ngày càng nhiều, sự khác biệt giữa các ngân hàng ngày càng bị thu hẹp, nên các ngân hàng cũng phải tìm cách để duy trì phát triển thị phần huy động vốn của mình. Ngay trong cùng một hệ thống ngân hàng, các chi nhánh khác nhau hạch toán độc lập với nhau, do đó, cũng có sự cạnh tranh.
Thứ năm, tâm lý sở thích của khách hàng
khi họ cảm thấy hài lòng, ưa thích sản phẩm dịch vụ đó. Yếu tố tâm lý, sở thích là yếu tố riêng của từng cá nhân, và có thể thay đổi. Vì thế, ngân hàng cần tìm hiểu, phân tích để hiểu người tiêu dùng thiếu gì, thích gì, cần gì, để từ đó xây dựng các sản phẩm huy động vốn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng, lôi cuốn khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của mình.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM – CHI NHÁNH HÀ NỘI