Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng tmcp kỹ thương việt nam (Trang 108)

Trong xếp hạng tín dụng, trình độ của cán bộ xếp hạng là nhân tố rất quan trọng đối với chất lượng của công tác này. Vì thế cần phải đào tạo bồi dưỡng để xây dựng cho được một đội ngũ chuyên gia thạo về XHTD TCKT cả ở Hội sở chính và tại các chi nhánh.

Để làm tốt công tác XHTD, các cán bộ quản lý cũng như cán bộ QHKH không chỉ có năng lực chuyên môn cao mà còn phải có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trung thực và có khả năng làm việc dưới nhiều áp lực. Họ phải là những người có kỹ năng phân tích, có sự am hiểu tường tận về nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nắm bắt được luật pháp, tập quán, thực tiễn hoạt động của các

doanh nghiệp, từ đó đưa ra được những đánh giá chính xác về doanh nghiệp, tạo điều kiện để đưa ra các quyết định tín dụng nhằm đem lại lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.

Trong những năm qua, Techcombank đã có những đổi mới trong nhân sự, tạo ra cho mình một đội ngũ nhân viên, đặc biệt là nhân viên tín dụng trẻ. Ưu thế của nhân viên trẻ là rất năng động, nhiệt tình, tinh thần sáng tạo và ham học hỏi cao, khả năng nắm bắt công việc nhanh nên dễ đào tạo. Tuy nhiên, đây cũng là những người chưa có kinh nghiệm nhiều về công việc, kiến thức mọi mặt về kinh tế, xã hội còn hạn chế đòi hỏi ngân hàng phải mất thời gian và chi phí đào tạo. Do vậy, để phát huy những lợi thế cũng như hạn chế, khắc phục những tồn tại trên, Techcombank cần thực hiện những biện pháp sau:

Thứ nhất, ngân hàng cần thực hiện tốt công tác tuyển dụng nhân viên, xây dựng một chính sách tuyển dụng hợp lý, phải đặt ra các điều kiện và yêu cầu tối thiểu về trình độ và kinh nghiệm nhằm tuyển được những ứng cử viên có đủ trình độ, phẩm chất đạo đức để đảm nhiệm tốt công việc được giao. Việc tuyển dụng nhất thiết phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết giúp ngân hàng giảm được rất nhiều chi phí và thời gian đào tạo.

Thứ hai, ngân hàng cần có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ QHKH, hướng dẫn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cử cán bộ đi học các lớp nghiệp vụ tại các trung tâm đào tạo có uy tín nhằm giúp các cán bộ QHKH nắm bắt kỹ hơn về kiến thức cơ bản và kiến thức phân tích tài chính một cách đầy đủ, vững chắc. Về mặt tài chính, cán bộ cần được chú trọng đào tạo về phân tích tài chính doanh nghiệp, chu chuyển tiền mặt, thanh khoản và phân tích các tỷ số tài chính, đồng thời cũng phải đảm bảo về kiến thức phân tích kinh doanh và ngành. Ngoài ra, ngân hàng nên tạo điều kiện một cách tối đa cho nhân viên tự nâng cao trình độ, năng lực cũng như kinh nghiệm làm việc. Trong quá trình làm việc, ngân hàng cũng phải thường xuyên đánh giá khả năng làm việc của nhân viên và kiên quyết sàng lọc những nhân viên không đủ năng lực và từ cách để đáp ứng nhu cầu công việc. Ngoài những biện pháp nêu trên, ngân hàng cũng phải thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong ngân hàng, giữa các chi nhánh

và từ các ngân hàng khác, tổ chức các cuộc thi cán bộ QHKH giỏi… Qua đó, các cán bộ QHKH cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm cũng như bí quyết làm việc lẫn nhau, tự họ sẽ cảm thấy bản thân còn hạn chế ở những điểm nào từ đó tìm cách khắc phục và nâng cao trình độ của mình.

Thứ ba, ngân hàng cũng cần thực hiện công tác phân công công việc theo năng lực và sở trường của từng cán bộ để phát huy hết khả năng của thừng người nhằm đem lại hiệu quả cao trong công việc. Những cán bộ có trình độ cao, làm việc lâu năm được phân công đảm nhiệm những khoản vay khó, có giá trị lớn, có thời hạn dài và rủi ro cao, còn những cán bộ trẻ đảm nhiệm những khoản vay nhỏ, độ rủi ro thấp. Để thực hiện phân công công việc hợp lý thì người lãnh đạo cần tìm hiểu về năng lực, sở trường của từng cán bộ QHKH, thực hiện đề bạt những cán bộ giỏi. Đồng thời, ngân hàng cũng cử những cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm hướng dẫn kèm cặp những cán bộ trẻ để từng bước nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, Techcombank nên quy định nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng cho từng nhân viên và cán bộ ngân hàng, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của họ để có biện pháp kịp thời phát hiện những sai sót và có biện pháp xử lý. Những trường hợp vi phạm quy định, không hoàn thành công việc được giao phải kiên quyết xử lý, thưởng phạt phân minh. Chính điều này sẽ là động lực thúc đẩy cán bộ QHKH phấn đấu hoàn thành công việc được giao.

Thứ năm, Techcombank cần có chính sách giữ vững và thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi thông qua chính sách lương bổng, trợ cấp, tạo môi trường làm việc thoải mái, cởi mở cũng như tạo điều kiện thăng tiến công bằng cho tất cả mọi người. Đây là điều kiện rất quan trọng giúp nhân viên mới cảm thấy thoải mái khi làm việc, đồng thời tạo điều kiện cho họ khẳng định giá trị bản thân, gắn bó, nổ lực phấn đấu hơn trong công việc.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng tín dụng nói chung và chất lượng XHTD nói riêng, công tác tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cần phải được đặc biệt quan tâm. Đây là giải pháp mang tính lâu dài, triệt để nhằm tạo ra thế mạnh cho Techcombank trong tương lai.

Một phần của tài liệu hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng tmcp kỹ thương việt nam (Trang 108)