Có một số phương pháp thường dùng trong xếp hạng tín dụng được áp dụng phổ biến như: phương pháp phân tích thống kê, phương pháp chuyên gia, phương pháp khảo sát thực tế… nhưng tựu chung lại, có 3 cách tiếp cận xếp hạng: Phân tích định tính, phân tích định lượng và phương pháp kết hợp.
a) Phương pháp định lượng: là phương pháp chủ yếu dựa vào các số liệu thống kê và thông qua các công thức toán học được thiết lập để tổng hợp, đánh giá các chỉ tiêu, các phương pháp được sử dụng: kinh tế lượng, mô hình xác suất tuyến tính, mô hình Logit và Probit, phương pháp hồi quy…
b) Phương pháp định tính: các mô hình định tính thường rất khó xác định, nguồn gốc của nó khó thấy và phần lớn mang tính chủ quan. Thường phương pháp này dựa vào việc lấy ý kiến chuyên gia có chuyên môn sâu trong lĩnh vực xếp hạng, đồng thời có kiến thức liên ngành rất tổng hợp. Nội dung chủ yếu như sau:
- Phương pháp lấy ý kiến: Các bước thực hiện:
+ Thu thập ý kiến của ban quản lý điều hành, các đối tác đang có mối quan hệ kinh doanh với các tổ chức được xếp hạng, và các nguồn khác.
+ Lấy ý kiến của các chuyên gia về xu hướng tác động đến các nhân tố. + Tổng hợp đưa ra kết quả.
Phương pháp chuyên gia: là phương pháp bao gồm một quá trình thực hiện nhằm đảm bảo tính nhất trí trong xếp hạng. Có 3 nhóm chuyên gia trong lĩnh vực xếp hạng là chuyên gia phân tích, chuyên gia trong từng lĩnh vực, chuyên gia kết luận. Với các bước thực hiện sau:
+ Xây dựng các câu hỏi điều tra lần đầu cho các chuyên gia. + Phân tích các câu trả lời, tổng hợp thành bảng trả lời. + Soạn thảo các câu hỏi lần thứ hai cho các chuyên gia. + Thu thập, phân tích lần hai….
Các bước trên chỉ dừng lại khi kết quả dự báo thỏa mãn những yêu cầu đặt ra. Phương pháp này đòi hỏi trình độ tổng hợp rất cao của các nhà phân tích, vừa tổng hợp vừa phát triển ý kiến đa dạng của các chuyên gia.
c) Phương pháp kết hợp: Dùng trọng số giản đơn để kết hợp những đánh giá định tính của các chuyên gia với định lượng hóa một số chỉ tiêu:
+ Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. + Cho trọng số từng nhân tố tùy theo mức độ quan trọng của nó, hoặc có thể không có trọng số nếu như số điểm quy định đã bao hàm cả trọng số.
+ Cho điểm từng nhân tố theo tính chất tác động của nó đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, có so sánh với chỉ tiêu của các nhóm doanh nghiệp so sánh.
+ Tính tổng điểm cho từng chỉ tiêu sau khi nhân số điểm với trọng số theo năm tài chính và trọng số nhân tố.
+ Xếp hạng dựa vào công thức tính điểm cho từng chỉ tiêu.