Phát triển dịch vụ ngân hàng là sự chuyển hóa cả về chất và về lượng của các dịch vụ ngân hàng đến một trạng thái mới tốt hơn. Phát triển dịch vụ ngân hàng không chỉ là sự gia tăng về số lượng các dịch vụ ngân hàng, doanh số của các dịch vụ, mà còn bao gồm cả sự gia tăng về chất lượng và mọi mặt liên quan đến dịch vụ ngân hàng. Phát triển dịch vụ ngân hàng nhằm làm thỏa mãn tốt nhất sự ủy thác của khách hàng, trên cơ sở đó đảm bảo thực hiện các mục tiêu của ngân hàng một cách nhanh chóng nhất.
Trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế cùng với sự diễn ra mạnh mẽ của công nghệ ngân hàng, để có thể cạnh tranh và trở thành ngân hàng bán lẻ tốt nhất thì phát triển dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng là hướng đi duy nhất và tất yếu của các ngân hàng trên thế giới nói chung cũng như của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng. Bởi lẽ:
* Xuất phát từ nhu cầu của thị trường
Ngày nay, phát triển dịch vụ ngân hàng đang là xu thế tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Các dịch vụ ngân hàng có tác dụng đẩy nhanh quá trình luân chuyển tiền tệ, tận dụng tiềm năng to lớn về vốn để phát triển kinh tế, đồng thời giúp cải thiện đời sống dân cư, hạn chế thanh toán sử dụng tiền mặt, góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả ngân hàng và khách hàng.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa, đa phương hóa, nhu cầu về dịch vụ tài chính phát triển rất nhanh và vượt xa khả năng đáp ứng của các định chế trung gian tài chính trong nước. Các ngân hàng trong nước phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng tiên tiến trên thế giới với thế mạnh về tài chính, mạng lưới, dịch vụ hiện đại, hệ thống thông tin hoàn hảo
và trình độ quản lý ở mức cao.
Dịch vụ ngân hàng có đặc điểm liên quan sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống nên sự phát triển dịch vụ ngân hàng có tác dụng thúc đẩy sự phát triển các ngành dịch vụ khác. Phát triển dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng ứng dụng các tính năng công nghệ thông tin, như vậy nó đòi hỏi lĩnh vực công nghệ thông tin cũng phải phát triển. Lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng sẽ bị hạn chế nếu dịch vụ thanh toán quốc tế qua ngân hàng không thông suốt. Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của một loạt các ngành như du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông, hàng không…
Tuy nhiên sự phát triển của dịch vụ ngân hàng không phải chỉ căn cứ vào sự thay đổi của nhu cầu thị trường mà nó còn bị ảnh hưởng và chi phối bới các yêu cầu khác.
* Xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngân hàng thương mại
Thứ nhất, phát triển dịch vụ ngân hàng làm tăng thu nhập cho ngân hàng. Trong cơ cấu doanh thu của ngân hàng từ trước đến nay thì nguồn thu từ lãi cho vay chiếm tỷ trọng chủ yếu. Tuy nhiên, việc dựa vào nguồn thu từ tín dụng lại chứa đựng nhiều rủi ro. Hiện nay, sự gia tăng các tổ chức tín dụng đã khiến cho lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cao, trong khi lãi suất đầu ra không thể gia tăng tương ứng. Như vậy, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra đang bị thu hẹp và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng. Để duy trì và tăng cao lợi nhuận, ngân hàng phải lựa chọn hoặc là tăng cường mở rộng tín dụng với mức độ rủi ro cao, hoặc là tăng cường phát triển các dịch vụ ngân hàng để thu hút nguồn vốn có chi phí vốn giá rẻ và ít rủi ro hơn. Nhận thấy rằng với phương án một ngân hàng sẽ phải chấp nhận mức rủi ro cao, trong khi phương án hai an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều.
Thứ hai, phát triển dịch vụ ngân hàng làm tăng khả năng cạnh tranh cho ngân hàng. Trong thực tiễn, những sản phẩm dịch vụ của một ngân hàng rất dễ bị ngân hàng khác sao chép và như vậy ưu thế cạnh tranh dễ bị mất đi. Hơn nữa, ngân hàng nào có dịch vụ mới hơn, linh hoạt và hoàn hảo hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sẽ giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng. Việc đa dạng hóa các dịch vụ và cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu cho tất cả khách hàng sẽ tạo cho ngân hàng ưu thế nổi trội để có thể đứng vững trong cạnh tranh.
Thứ ba, phát triển các dịch vụ ngân hàng là thực hiện nguyên tắc phân tán và hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Nếu một ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ sẽ tỏ rõ ưu thế của mình trong việc phân tán rủi ro bởi nếu một lĩnh vực hoạt động dịch vụ gặp khó khăn thì ngân hàng vẫn có thể phát triển các lĩnh vực khác. Hơn nữa, hoạt động dịch vụ với đặc điểm là ngân hàng không phải sử dụng nguồn vốn của mình do vậy nó góp phần hạn chế rủi ro trong kinh doanh, giữ vững sự ổn định của ngân hàng.
Thứ tư, phát triển dịch vụ ngân hàng góp phần thúc đẩy các nghiệp vụ ngân hàng khác phát triển. Các hoạt động dịch vụ của ngân hàng đều có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại với nhau tạo thành một thể thống nhất. Chẳng hạn, nếu dịch vụ thanh toán hoàn hảo sẽ thu hút được nhiều khách hàng, gia tăng nguồn tiền nhàn rỗi trên tài khoản, tăng khả năng huy động vốn cho ngân hàng, từ đó tăng nguồn cho vay tín dụng. Việc phát triển dịch vụ bảo lãnh, tư vấn tài chính, quản lý danh mục đầu tư sẽ giúp khách hàng hoạt động kinh doanh tốt, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng và thanh toán phát triển theo.
Như vậy có thể thấy, nếu như ngân hàng có hệ thống dịch vụ đa dạng, ngoài khả năng phân tán rủi ro, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, ngân hàng sẽ có điều kiện nâng cao hiệu quả kinh doanh toàn diện. Do đó,
việc phát triển dịch vụ trở nên vô cùng cần thiết, nó quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng, đánh giá được khả năng tiến sâu của ngân hàng ở thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.