Giọng trầm lắng xót xa

Một phần của tài liệu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết việt nam đương đại (khảo sát qua ba tiểu thuyết) (Trang 95 - 97)

- Yếu tố kì ảo tác động vào sự di chuyển điểm nhìn nghệ thuật

3.3.1.2.Giọng trầm lắng xót xa

Kiểu giọng này được thể hiện thông qua các motive về nỗi đau, sự sám hối, sự cô đơn, sự ưu tư buồn phiền của người viết trước thế thái nhân tình. Văn học 45 - 75 rất ít hay không được đề cập đến nỗi đau, sự hi sinh yếu hèn, sự mất mát. Còn Văn học hôm nay đầy những trang thấm đẫm sự nhức nhối, day dứt trong tận cõi vô thức của con người. Giọng văn vì thế mà trầm lắng xót xa. Sự cô đơn của những con người sau chiến tranh trở về như Kiên cứ ám ảnh không nguôi trong mỗi bạn đọc. Dưới tác động của yếu tố kì

ảo, toàn bộ đời sống tiềm thức ở nhân vật Kiên được đánh thức, được hiển

hiện nguyên vẹn trên từng trang sách. Và cũng đâu chỉ có Kiên mà bao người khác như Lan, cô gái ở Đồi Mơ ngày nào giờ đây cũng làm bạn với sự trống vắng. Chiến tranh đã lấy đi tất cả của cô ngoại trừ sự mất mát, cô đơn: "Mỗi năm mỗi xiêu đi. Em cứ ở vậy. Quanh quẩn trong nhà, ngoài đồi. Chẳng để ý tới ai, chẳng ai để ý tới, mà cũng lạ từ sau đợt đơn vị nhà em, Đồi Mơ này không có thêm đợt bộ đội nào về nữa. Rồi thì hoà bình, rồi tời hôm nay, bao năm rồi…" [I. 9 - Tr. 61].

Nhìn chung, ngôn ngữ kì ảo không làm người đọc trượt dài vào thế giới mê dị, mất liên lạc với hiện thực bởi đằng sau sự hư huyễn bao giờ cũng có cái lõi hiện thực. Còn đối với những tử sĩ, âm hồn vẫn vương vấn nơi trần thế, nhà văn đã dành nhiều ưu ái để vẽ lên vẻ đẹp tâm hồn của họ. Nhờ ánh hào quang của huyền thoại bao bọc mà những con người này như lung linh, bất tử, chứ không gây một cảm giác hãi hùng quá ở người tiếp nhận.

Cùng với Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường cũng tạo được những dấu ấn nhất định đối với bạn đọc thông qua giọng đồng cảm xót xa đặt ở người phụ nữ có cái tên là Son. Một chất giọng bi thương: "Bà Son theo bà Cả đi ra

ngõ. Suốt cuộc náo loạn, bà Son cứ ngồi ở góc sân khóc tức tưởi. Hai chị em, kẻ trước, người sau đi trong bóng tối đã nhọ mặt người. Hàng xóm lắc đầu bảo nhau: Rõ tội họ Ngô, giá có đàn ông thì hôm nay ông Hàm cứ là om xương!" [I. 13 - Tr. 260]. Và, tác giả như hòa nhập vào nỗi đau khổ của người đàn bà bất hạnh này: "Bà Son đưa tay ôm lấy má nước mắt chảy giàn giụa. Bà lặng lẽ ngồi khóc." [I. 13 - Tr. 175], giọng văn trùng xuống xúc động nghẹn ngào.

Bước vào thời kì Đổi mới là bước vào một hiện thực đa sắc, đa âm, đa sự, đa đoan nếu cứ giữ khư khư một chất giọng há chẳng phải đã làm mòn cảm hứng, thu hẹp khả năng tưởng tượng ở người đọc. Cho nên, người viết phải có sự linh hoạt phong phú trong giọng điệu trần thuật, điều đó cũng có nghĩa là sự tự làm mới mình của mỗi người nghệ sĩ.

Tiểu kết

Trở lên là việc phân tích sự biểu hiện của yếu tố kì ảo trong ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) và Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh). Chúng tôi thấy rằng, chính bởi sự tham gia của các yếu tố kì ảo với tư cách là những nhân tố nhằm đảm bảo tính chỉnh thể của tác phẩm đã kéo theo những thay đổi mang tính đặc trưng trong hình thức nghệ thuật của các cuốn tiểu thuyết này nói riêng cũng như của tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Điều này đã được minh chứng một cách rõ ràng trên các phương diện: Thế giới hình tượng (Hệ thống nhân vật, không - thời gian); Kết cấu - cốt truyện; Ngôn ngữ - giọng điệu.

Một phần của tài liệu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết việt nam đương đại (khảo sát qua ba tiểu thuyết) (Trang 95 - 97)