Ảo hoá thời gian vật chất

Một phần của tài liệu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết việt nam đương đại (khảo sát qua ba tiểu thuyết) (Trang 70 - 73)

Cùng với Hội hoạ, Kiến trúc, Điêu khắc,Văn học cũng là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc. Nhưng nếu các ngành nghệ thuật trên thuộc về nghệ thuật của không gian thì văn học là môn nghệ thuật của

thời gian bởi hình tượng của nó mở dần ra theo thời gian tuyến tính. Để khắc

phục điều này, các nhà văn đã nỗ lực tìm tòi, sáng tạo và sử dụng thủ pháp kĩ

thuật ảo hoá thời gian vật chất.

Ảo hóa thời gian vật chất là sự đan xen, xáo trộn thời gian quá khứ và thời gian hiện tại nên đã xoá nhoè tính chân thực của thời gian vật lí.

Theo Gerard Genette (nhà lí luận phê bình thuộc trường phái Phê bình mới) bất kì một tác phẩm văn học tự sự nào cũng có hai loại thời gian, thời

gian của câu chuyện được kể (thời gian được trần thuật, thời gian của cái

được biểu đạt, thời gian của chuyện) và thời gian kể chuyện (thời gian của truyện hay thời gian trần thuật, thời gian của cái biểu đạt). Trình tự biên niên của các sự kiện trong câu chuyện thường được ngắt ra bằng nhiều cách như dùng Thời sai mà một trong những biểu hiện của nó là:

+ Kể lại các sự kiện diễn ra trước hiện thời "bây giờ" của câu chuyện đang được kể (trường hợp này, Gennette gọi là "Analepsis" - Đảo thuật), đó là hồi tưởng, nhớ lại thời gian quá khứ. Do đó có thể thấy, thời gian quá khứ bị hiện tại hoá. Hồi tưởng như là nguyên nhân lí giải cho

những kết quả ở hiện tại, các sự kiện trong quá khứ được xâu chuỗi thành một trường liên tưởng từ đó tạo ra dòng hồi ức. Khi tiếp xúc với tác phẩm, người đọc bắt gặp dày đặc các từ ngữ chỉ thời gian quá khứ như: "Thời ấy, hồi đó, đêm ấy, một chiều nọ, chiều hôm ấy, năm ấy, cách đây không lâu…". Vậy nên, thời gian quá khứ là môi trường tồn tại của nhân vật cũng như các sự kiện.

Đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường ta thấy có những đoạn đảo thuật về bà Son với mối tình không thành cùng ông giáo Phúc; hay đoạn đảo thuật về buổi đấu tố trong Cải cách ruộng đất năm nào… Đến với cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn của Tạ Duy Anh, những đoạn đảo thuật về bà Phước, về cuộc đời bà mẹ có con giết bố, về cuộc đời cô bé Thiên thần khi còn ở trần gian đã gây xúc động mạnh trong tâm thức bạn đọc…Còn Bảo Ninh lại đưa ta đến với những trang viết về các cô gái đã đi qua đời Kiên như: Hạnh, Hoà, Hiền… đặc biệt hơn cả là Phương - mối tình đầu cũng là mối tình sau cuối của anh. Đây là những đoạn kể lại các sự kiện diễn ra trước hiện thời "bây giờ" của câu chuyện đang được kể.

Việc nhà văn sử dụng thủ pháp đảo thuật mang lại những hiệu quả thẩm mĩ khá rõ rệt như nó đã soi sáng quá khứ của nhân vật, góp phần lí giải tính cách nhân vật:

Nhân vật Phúc của Nguyễn Khắc Trường là một nhân vật rất tính cách. Trong những ngày Cải cách ruộng đất, vì lợi ích giai cấp, vì để chứng tỏ mình không liên đến tầng lớp địa chủ nên vợ chồng Phúc đã ra ở riêng. Hằng đêm. Phúc tổ chức mọi người cổ động, nêu khẩu hiệu: "Đả đảo tên địa chủ Vũ Đình Đại; Kiên quyết đánh đổ Vũ Đình Đại" [I. 13 - Tr. 21]. Khi buổi đấu tố diễn ra ngay trong sân nhà Vũ Đình Đại, Phúc bước ra và mở đầu bằng câu hỏi: "Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không ?". Ông bố đã trả lời như thế này: "Dạ thưa ông tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông!" [I. 13 - Tr. 22]. Có thể thấy, nhờ một đoạn hồi cố về nhân vật Phúc, tính cách của nhân vật này được hiển lộ rõ đó là một kẻ đầy tham vọng, tuyệt tình tuyệt nghĩa, đầu óc bảo thủ, một kẻ cơ hội chủ nghĩa.

Còn Kiên trong Thân phận tình yêu trở thành "kẻ xa lạ" sau khi bước từ chiến tranh ra. Để cắt nghĩa tình trạng của anh, nhà văn đã để dòng hồi ức miên man, hỗn loạn cứ tự do lên tiếng, điều khiển Kiên. Một trong những sự kiện cứ đay nghiến anh mãi là những cuộc "hoang tình" trong đêm của đám trinh sát tại truông Gọi Hồn. Anh không nhìn mối quan hệ giữa ba cô gái và những đồng đội của mình một cách méo mó. Chính tại cảnh huống này mà anh đã ngộ ra rằng: Chiến tranh vừa có phần khốc liệt, đồng thời cũng đầy ắp lòng nhân ái, đức hi sinh: "Biết hết, và vì thế, lí ra là chỉ huy, anh cần ngăn chặn hiện tượng vô kỉ luật quá quẩn này (…). Song trái tim, trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy. Không những năn nỉ anh mà nó buộc anh phải im lặng, buộc anh phải hết lòng cảm thông. Chứ còn biết làm gì khác được, trước tiếng gọi man sơ, hoang dã của tuổi thanh xuân?" [I. 9 - Tr. 34].

Nhìn chung lại, nhờ đảo thuật, các sự kiện ở quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại làm cái hiện tại được nhận thức dưới một ánh sáng mới. Nên những tâm sự của nhân vật sẽ được giải thích từ nhiều toạ độ thời gian khác nhau. Và cuối cùng thì tính cách nhân vật được bộc lộ một cách đầy đặn hơn.

+ Kể trước một số sự kiện sẽ diễn ra sau (G. Gennette gọi là "Prolepsis" - Dự thuật) như những đoạn mơ về tương lai, linh cảm, dự cảm về số phận bất trắc của nhân vật như: Phương, Thịnh "con" trong Thân phận tình yêu…Hay Mảnh đất lắm người nhiều ma là một tiểu thuyết có cốt

truyện tiền định chăng? Bởi sự báo trước về số phận những nhân vật đã nằm ngay ở những trang đầu như một sự tất yếu. Trong văn học truyền thống, dự thuật xuất hiện dưới dạng điềm báo như ngôi sao sa (đó là các hiện tượng bất thường trong tự nhiên) là điềm gở cho cái chết của các vị vua chúa. Đến với văn xuôi thời kì Đổi mới, dự thuật thường nằm trong những suy nghĩ, lời nói của nhân vật như cha của Kiên đã có một cái nhìn mang tính tiền định về Phương: "Sắc đẹp của cháu không bình thường (...) Vẻ đẹp lạc thời và lạc loài...sẽ đau khổ đấy. Khổ lắm." [I. 9 - Tr. 156]. Và Phương, người con gái

kì ảo này đã có những câu nói mà Kiên hoàn toàn không thể hiểu nổi: "Em gần với cha anh chứ không phải với anh. Ngọn lửa thiêu đốt các bức tranh, thiêu đốt cha và luôn cả đời em. Qua ánh lửa em nhìn thấy tương lai" [I. 9 - Tr. 163]. Trong cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, dự thuật được gài trong những câu nói có thể là bâng quơ như của vợ ông giáo Phúc về số phận cô Son: "Rõ đồ quạ mổ! Không nhịn được nữa hay sao mà đâm đầu đi theo người đã có vợ, cho nó chết!" [I. 13 - Tr. 79].

Một phần của tài liệu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết việt nam đương đại (khảo sát qua ba tiểu thuyết) (Trang 70 - 73)