Để tăng sức hấp dẫn, đồng thời muốn tạo một cốt truyện thăm thẳm
vừa ảo, vừa thực, người viết đã đan xen những huyền thoại kiểu như: Ông ba bươi chính là thần sát sinh, rồi sau lại trở thành thần phụ trợ, thần cứu thế của dòng họ Trịnh Bá; Mối tình Liêu trai giữa Quỳnh (tên hồi trẻ của lão Quềnh) và một con yêu ma; những truyền thuyết về ma núi Ông Bụt trong
Mảnh đất lắm người nhiều ma. Rồi những cuộc gặp gỡ kì ngộ giữa người mẹ
và cô bé Thiên thần; đến những câu chuyện về những bọc thai bị đẩy ra ngoài với nhiều hình thức quái dị như thế nào. Nhưng có lẽ đặc biệt gây ấn tượng cho người viết hơn cả là truyền thuyết về loài hồng ma trong Nỗi buồn
chiến tranh của Bảo Ninh. Hồng ma, "cái thứ hao quỉ hao ma này Kiên đã
gặp ở các cánh rừng trên sườn Tây Ngọc Linh (…). hồng ma thường mọc dày ở những vạt đất từng có nhiều người thiệt mạng, tử khí tụ lại nhiều. Có nghĩa hồng ma là loại hoa ưa máu, tuy nhiên thật khó tin vì nó thơm như thế cơ mà. Về sau đám trinh sát bọn Kiên ngồi rỗi rồi bày trò phơi sấy, thái nhỏ hoa, lá và rễ hồng ma trộn với sợi thuốc rê (…). Nhờ khói hồng ma người ta có thể tự chế ra các ảo giác tuỳ sở thích, có thể định hướng được mộng mị và hoà trộn các giấc mơ vào nhau như thể pha cốctai" [I. 9 - Tr. 14].
Nhìn chung lại, các yếu tố huyền ảo tham gia vào cốt truyện không phải với cứu cánh là thoả mãn nhu cầu giải trí ở người tiếp nhận mà trên hết,
cái kì ảo chỉ là cách thức để tác giả nói với chúng ta một điều gì đó về nhân
sinh. Với kĩ thuật hoà trộn, lắp ghép một cách tự nhiên các yếu tố ảo - thực làm cho chúng ta không thấy có sự vô lí, thay vào đó là cả một bản chất của
hiện thực được lột trần. Khi cái kì ảo cọ xát với đời sống thì nó làm mở toang cánh cửa của hiện thực. Và đằng sau cốt truyện huyễn hoặc kia là cả một hiện thực bề bộn, ngổn ngang, phức tạp. Đó là hiện thực về chiến tranh tàn khốc, phi nhân tính ở Thân phận tình yêu; là hiện thực về những hủ tục còn cố thủ sau luỹ tre làng trong Mảnh đất lắm người nhiều ma; đó phải chăng cũng là một hiện thực về lối sống của một bộ phận không nhỏ người dân ngày càng tha hoá trầm trọng mà Thiên thần sám hối thay mặt Tạ Duy Anh gửi đến độc giả.
3.2.2. Yếu tố kì ảo với kết cấu
Kết cấu tác phẩm là toàn bộ cách tổ chức tác phẩm phục tùng đặc
trưng nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể mà nhà văn tự đặt ra cho mình. Theo GS. TS Trần Đình Sử: "Kết cấu là sự tổ chức ở bình diện trần thuật (…) Bố cục của trần thuật là sự sắp xếp, tổ chức, sự tương ứng giữa các phương diện khác nhau của hình tượng với các thành phần khác nhau của văn bản" [II. 27]. Như thế, kết cấu chỉ mang ý nghĩa khi và chỉ khi nó phục vụ cho việc biểu hiện một nội dung nhất định.
Trong quá trình khảo sát bộ ba tiểu thuyết của các tác giả Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh và Bảo Ninh, chúng tôi quan tâm đến kiểu kết
cấu lắp ghép bên cạnh các kiểu kết cấu khác như kết cấu bỏ ngỏ, kết cấu khép kín…
3.2.2.1. Kết cấu lắp ghép
Kết cấu lắp ghép (Montage), vốn là thuật ngữ của ngành Điện ảnh
nhưng được sử dụng rộng rãi trong Tự sự hiện đại. Có thể nói, kiểu kết cấu này khá phổ biến trong Văn học hậu hiện đại. Ở đây, dấu hiệu của những đường ghép là sự chuyển đổi về nội dung sự kiện trong những thời gian, địa điểm khác nhau, có trong từng đoạn, từng chương. Nên tính chất đứt quãng của thời gian là dấu hiệu đầu tiên, cơ bản để nhận ra kiểu kết cấu lắp ghép.
Vậy, kết cấu lắp ghép là sự đan lồng của cốt truyện ảo và cốt truyện thực bằng cách tập hợp những câu chuyện nhỏ châu tuần xung quanh một mạch truyện chính có thể bằng những giấc mơ, bằng những tâm trạng mê tỉnh của nhân vật.
Với chức năng lồng ghép kết cấu, yếu tố kì ảo là một trong những nhân tố quan trọng làm nảy sinh hình thức: "Truyện trong truyện" của tiểu thuyết đương đại (Đây là kiểu kết cấu xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm kinh điển Nghìn lẻ một đêm sau đó được thể nghiệm thành công trong kịch của Sếch xpia, hay tiểu thuyết kiếm hiệp của Xecvantet). Thông qua những câu chuyện tưởng như phi thực, người viết có điều kiện bộc lộ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Đây chính là những ẩn dụ tượng trưng về cuộc đời.
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết được trình bày với một cốt truyện lồng ghép của hai câu chuyện với nhau: Câu chuyện thứ nhất (cốt truyện của hiện tại), kể về quá trình sáng tạo của một nhà văn muốn cho ra đời một cuốn tiểu thuyết song tất cả lại còn dang dở. Câu chuyện thứ hai (cốt truyện của quá khứ), kể về cuộc đời một người lính tên Kiên. Nhờ sự lồng ghép khá "ấn tượng" này, tác giả đã tái hiện được cả hai lớp hiện thực và quá khứ trong mối liên hệ mật thiết mà nhìn thoáng qua tưởng chừng chúng tồn tại một cách độc lập.
Tác giả của Mảnh đất lắm người nhiều ma cũng đã triển khai kiểu kết
cấu "Tiểu thuyết trong tiểu thuyết": Một câu chuyện lớn bao trùm, làm nền
cho tác phẩm là câu chuyện mâu thuẫn không thể điều hoà được giữa hai dòng họ Vũ Đình - Trịnh Bá tại cái làng Giếng Chùa nhỏ bé. Đồng thời nhiều khi cốt truyện trên bị dựng lại, đứt gãy bởi thủ thuật xen ngang, đan cài những câu chuyện về số phận của Quềnh; Chị Bé; Chuyện tình của Tùng - Đào; của cô Son - ông giáo Phúc; Chuyện về lối sống, phong tục làng xã… Sử dụng kiểu kết cấu lắp ghép này, Nguyễn Khắc Trường đã thể hiện được
dụng ý nghệ thuật của mình: Phơi bày toàn bộ hiện trạng nông thôn Việt Nam sau Đổi mới qua một cái nhìn khá mới mẻ.
Cùng hô ứng với kiểu kết cấu lồng ghép trong Nỗi buồn chiến tranh,
Mảnh đất lắm người nhiều ma là Thiên thần sám hối. Với cấu trúc "Truyện
trong truyện", nội dung tác phẩm cứ xoáy mãi, ám ảnh người đọc. Có thể mô hình hoá kiểu kết cấu trong tiểu thuyết này là những vòng tròn đồng tâm. Các câu chuyện được chồng xếp lên nhau, nào là chuyện của cô gái có chồng làm ở sở thuế, câu chuyện của bà Phước, của cô nhà báo Bằng Giang, nào là chuyện của người mẹ có con giết bố, chuyện cô gái có người yêu du học ở Úc, rồi chuyện của nhân vật mẹ bào thai nói chuyện với cô bé Thiên thần… Nhưng hết thảy các câu chuyện trên đều hướng tới tâm điểm của vòng tròn, đó là câu chuyện về những cái chết của vô vàn bào nhi bị giết chết ngay trong ý nghĩ của người lớn.
3.2.2.2. Điểm nhìn nghệ thuật
Điểm nhìn là một trong số những thuật ngữ được bàn cãi nhiều nhất
trong thế kỉ XX với những cách gọi khác nhau như: "Phối cảnh, góc nhìn, tiêu điểm tự sự…".
Điểm nhìn nghệ thuật theo M. Bakhtin "đó là cái lập trường mà xuất
phát từ đó câu chuyện được kể, hình tượng được miêu tả hay sự việc được thông báo" [II. 1]. Còn GS Trần Đình Sử quan niệm: "Điểm nhìn văn bản là phương thức phát ngôn, trình bày miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả" [II. 27].
Từ những điều trên ta thấy, điểm nhìn nghệ thuật là cách tổ chức văn bản nghệ thuật trên cơ sở vị trí mà tác giả lựa chọn để tiếp cận đối tượng. Và phải có điểm nhìn thì mới có thể xác lập được thế giới nghệ thuật.