B. NỘI DUNG
2.1.2.2 Tính đối thoại nhiều chiều trong tác phẩm của Nguyễn Khải
Ở các sáng tác của Nguyễn Khải trước 1975, tác giả đứng vai trò là người đứng ngoài cuộc nhưng lại biết hết, biết trước và tham gia vào câu
chuyện. Còn sau 1975 (đặc biệt là sau công cuộc Đổi mới) ông để các nhân vật của mình tự bộc lộ qua đối thoại. Và các nhân vật của Nguyễn Khải không bao giờ bị lấn át và bị khống chế bởi một yếu tố nào khác ngoài mình. Chính điều này đã làm cho vấn đề được diễn ra tự nhiên, được bộc lộ và hướng tới những kết thúc mở. Qua đó những chiêm nghiệm về những vấn đề của thời cuộc, về lẽ sống, về con người, về hạnh phúc… được trao đổi. Những vấn đề đó được bàn luận một cách cởi mở, tự nhiên và tác giả dường như không theo bất cứ một cách hiểu nào. Ông chỉ có nhiệm vụ phát hiện vấn đề, đưa ra bàn luận mà thôi. Các cuộc trao đổi diễn ra không ngừng giữa các nhân vật và không có hồi kết. Còn tác giả thay vì thuyết minh cho nhân vật ấy ông lại cùng đối thoại với nhân vật. Chính điều này đã tạo ra điều kiện thuận lợi để tác giả đi sâu vào khám phá những ngóc ngách thầm kín trong tâm hồn con người, mục đích của ông là thấy được, tìm ra được những suy nghĩ và tâm trạng của con người trước các sự kiện đang xảy ra. Để làm được điều đó ông tạo ra một sự chuyển hóa giọng kể đến thần tình giữa người kể chuyện và nhân vật. Nhân vật người kể chuyện có vai trò vô cùng quan trọng, anh ta tham gia vào câu chuyện, có mối quan hệ thật sự gần gũi với nhân vật, làm cho người đọc tin và nhất định tin rằng anh ta là có thật, câu chuyện anh ta kể là có thật và mình phải tham gia vào góp một ý kiến. Và từ các sáng tác chỉ mang tính độc thoại, ngợi ca một chiều, giờ đây Nguyễn Khải chuyển sang đối thoại. Sự chuyển biến này không những khẳng định sự xuất hiện một thời đại mới trong văn học mà còn thể hiện sự bình đẳng giữa nhà văn và độc giả. Vấn đề mà tác giả phát hiện ra, đưa ra công chúng để bàn luận thì công chúng cũng có quyền được đánh giá và góp ý kiến.
Trong tác phẩm của mình, rất nhiều khi Nguyễn Khải để cho các nhân vật của mình đối thoại với nhau, những mẩu đối thoại liên tục, ngắn gọn và có nhiều vấn đề. Ví như đoạn đối thoại sau:
- Ông bị sưng phổi hay sao mà ho dữ thế? - Người già ban đêm thường hay ho ai chả thế.
- Tay ông sao nóng thế?Ông sốt à?
- Trời rét được nằm ấm chân tay ai chả nóng…..
[17, tr.351]
- Tối nay em đến thăm bủ nhá? - Tối nay tôi bận.
- Mai tôi đi ăn giỗ, đi cả ngày. - Cho em đi theo với.
- Người ta không mời mà mình cũng đến hử?...
[6, tr.155]
- Dạ, đúng thế, cô Ba, vì tôi là nhà báo.
- Ông có thể đến ở hẳn với em trong ít ngày không? - Tôi sẵn sàng, thưa cô.
………
- Tôi có thể tới được
- Đi ngay bây giờ có tiện không?
- Dạ, đi luôn, vì tôi chỉ được phép ở lại ít ngày……
[6, tr.315]
Bên cạnh những câu đối thoại đơn giản, hồn nhiên và mang tính chất đời tư thể hiện tình cảm của con người trước con người, còn có nhưng đối thoại thể hiện nỗi trăn trở, suy tư của tác giả về thời cuộc:
“Anh Hợp hỏi tôi:
- Sắp tới định viết gì?
- Nhiều chuyện để viết lắm nhưng chả muốn viết. - Sao thế?
- Một đời tôi viết văn để bán cho Nhà nước, nay các nhà xuất bản của nhà nước không mua thì bán cho ai?
- Cậu có nên nghĩ lại lời mời của thằng Thụy. Bọn nó làm ăn đứng đắn đấy.
- Tôi cũng biết thế chứ. Nhưng các nhà triệu phú mới có cho phép tôi được quyền châm chọc, chế giễu họ tý chút không. Có cho phép tôi được lên án cách sống nào đó, một cách làm ăn nào đó trong bọn họ mà tôi không thuận mắt?
Hợp lại cười:
- Nếu không ưng thì họ trả lại bản thảo, có gì mà sợ. -(…)
- Để tôi nghĩ đã, nếu không còn có cách nào khác để thoát khỏi cái đói thì tôi phải nghĩ lại lời mời của họ thật…”.
[17, tr.403]
Nhà văn để cho nhân vật của mình tự do thoải mái trong tranh luận, bàn cãi, đối thoại với nhau về tất cả vấn đề của đời sống. Những cuộc đối thoại luôn diễn ra dồn dập, câu hỏi và lời đáp cứ tiếp nối khiến ngôn ngữ nhân vật như cuộn xoắn, kết chuỗi, tạo sức lôi cuốn đối với độc giả.
Và cũng nhiều khi tác giả để cho nhân vật tự đối thoại với chính mình (đối thoại trong độc thoại):
“Tại sao ông thì khỏe thế mà con ông lại bệnh tật thế? Tại sao ông không chết mà con ông lại chết để vợ nó chịu cảnh góa bụa sớm? Tại sao ông nghèo thế, con chết rồi là cửa nhà tan hoang, vợ con nó biết trông cậy vào
đâu?” [17, tr.350].
“Không ai cần đến ông cả, không ai muốn sự có mặt của ông ở bàn tiệc đãi đằng bạn bè của họ. Không còn tình bạn, không có cả sự quen biết, ông là ai nhỉ? Có ai mời ông tới đấy nhỉ? Không mời mà ông cũng đến ư?”
[17, tr.406].
Qua những dòng độc thoại nội tâm (đối thoại với chính mình), tác giả thể hiện con người luôn trằn trọc, suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về thời
thế, về số phận con người trong xã hội kim tiền. Qua đó thể hiện con người hữu sự, đa đoan và đa diện, con người không giống như vẻ ngoài vốn có mà bên trong luôn có sự đối thoại về mọi vấn đề của cuộc sống. Những lời đó là lời của nhân vật hay chính là tâm sự của tác giả. Ngòi bút của Nguyễn Khải khi thì đứng tách ra để miêu tả, trần thuật lại sự việc, khi thì nhập hẳn vào nhân vật trong ý nghĩ, trong tình cảm để soi xét, phân tích.
Chính vì thế mà trong các sáng tác của Nguyễn Khải người đọc không hề ngạc nhiên khi ông luôn để tác phẩm của mình ở trạng thái mở. Ông luôn đặt ra và đối thoại với người đọc về những vấn đề mà mình trăn trở. Qua đó thể hiện những triết lý của tác giả trước con người và thế giới xung quanh:
“Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh
vàng” [6, tr.168].
“Lạy trời cho anh chị tôi được sống thêm mươi năm nữa, cho đời thêm ấm áp, thêm đẹp… Chỉ có cái tâm tốt của con người mới làm nảy nở
được những cái mầm yêu thương đang bị thui héo ở đâu đó” [6, tr.180].
“Hạnh phúc không phải là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm mà
cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, một nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó lại hoàn
toàn không dễ” [6, tr.195].
“Ở đời chỉ có cái đức là trường tồn, càng có nhiều càng tốt, không sợ thừa, kì dư những thứ khác đều là phù du cả, có đấy, mất đấy, phúc đấy, họa
đấy, không tính trước được đâu”. (Người của ngày xưa)
Ở đây nhân vật người kể chuyện, nhân vật chính và các nhân vật trong tác phẩm đều là những người biết nhìn nhận vấn đề, biết suy nghĩ và biết nêu
ý kiến khơi gợi nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay. Từ đó mời gọi người đọc cùng tham gia bàn luận, suy nghĩ thêm để đối thoại với họ.