Cảm hứng phê phán

Một phần của tài liệu dạy đọc - hiểu truyện ngắn một người hà nội của nguyễn khải (sgk ngữ văn 12, tập 2) theo hướng kết hợp cảm hứng ngợi ca và cảm hứng phê phán (Trang 30 - 34)

B. NỘI DUNG

1.2.2.2 Cảm hứng phê phán

Cảm hứng phê phán trong văn học xuất hiện từ những năm 40 của thế

kỉ XIX, và nằm trong chủ nghĩa hiện thực chính vì thế chủ nghĩa hiện thực còn gọi là chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Cảm hứng phê phán được nhiều nhà văn khai thác triệt để vì nó đi vào hiện thực, cảm thụ và mô tả lại thực tại. Victo Huygô sử dụng cảm hứng này vừa để trình bày cái hiện thực đang diễn ra lúc bấy giờ, đó là mâu thuẫn giữa tư sản và những chuẩn mực nhân tính đúng như nó có trong thực tế. Đồng thời ông còn sử dụng cảm hứng này như một phương án tối ưu để phê phán toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội đang diễn ra lúc bấy giờ.

Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện thực phê phán bắt đầu được hình thành và hiện hình rõ nét từ những năm 30 của thế kỷ XX với những đại diện tiêu biểu như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… Với cảm hứng chính được sử dụng là cảm hứng phê phán, trong tác phẩm của mình, các nhà văn đã có những đóng góp tích cực vào sự nhận thức với tinh thần phân tích và phê phán bản chất thối nát của các quan hệ xã hội đương thời. Nhờ có những tác phẩm mang cảm hứng này mà con người dần dần nhận thức được vấn đề, nhìn ra nhiều mảng tối, khuất lấp đằng sau ánh sáng phô trương lộ liễu. Từ đó nhen nhóm sự bất bình đối với thực tại đen tối, biểu thị lòng thương cảm đối với số phận những người cùng khổ. Càng về sau, cảm hứng phê phán càng được nhiều nhà văn sử dụng trong tác phẩm của mình. Đặc biệt trong nền văn học mới, con người nhìn nhận vấn đề không như trước, tức là họ đã biết nhìn vấn đề với các mảng sáng - tối, những mặt tốt - xấu, xu hướng chính diện - phản diện rạch ròi và rõ nét. Vì thế, trong các tác phẩm văn học, người đọc dễ dàng nhận thấy sự không đồng nhất trong cách hiểu về ý đồ của tác giả. Ban đầu là sự bỏ ngỏ những kết thúc lửng lơ, về sau, các tác giả miêu tả với con mắt một khách thể để tùy người đọc nhận xét. Và càng ngày người đọc càng ưa thích với lối sáng tác mở này.

1.2.2.3 Sự kết hợp cảm hứng ngợi ca và cảm hứng phê phán trong sáng tác tác phẩm văn chương nói chung và dạy đọc - hiểu tác phẩm “Một người Hà Nội” nói riêng.

Việc xem xét một tác phẩm văn học được ra đời từ cảm hứng nào là điều quan trọng, bởi lẽ có tìm được cảm hứng sáng tác thì ta mới có thể đánh giá được tình cảm, thái độ của tác giả, đồng thời tìm ra được quan niệm nghệ thuật được ẩn dấu đằng sau câu chữ của tác giả. Đôi khi người đọc không thể phân biệt rạch ròi cảm hứng ngợi ca và cảm hứng phê phán trong một tác phẩm, văn học thời kì đổi mới lại càng không bao giờ đi theo một cách hiểu duy nhất, một khuynh hướng duy nhất cũng như là một cảm hứng duy nhất. Điều này đồng nghĩa với việc nhân vật được xây dựng sẽ không bao giờ là tuyệt đối trong tính cách và suy nghĩ, nhân vật đó sẽ không tuyệt đối xấu, nhưng cũng không tuyệt đối tốt. Sự trung hòa giữa hai cảm hứng đó giúp cho nhà văn xây dựng được những mẫu nhân vật điển hình của cuộc sống ngày thường, con người được hiện lên như nó vốn có, làm cho văn học ngày càng gần gũi hơn với độc giả.

Đối với mỗi một vấn đề, việc kết hợp cách hiểu nhiều chiều sẽ có tác dụng làm cho vấn đề có giá trị hơn, người nghe, người đọc sẽ có cách nhìn toàn diện hơn. Một tác phẩm văn học cũng vậy, tác giả tạo ra sản phẩm tinh thần ấy không phải là để người đọc hiểu khiên cưỡng theo một chiều nào cả, mà để người đọc đọc, suy ngẫm, chiêm nghiệm, hóa thân vào nhân vật để hiểu ý đồ của tác giả cũng như dụng ý của tác phẩm. Đặc biệt, văn học thời kì đổi mới lại có nhiều đặc điểm khác so với văn học các giai đoạn trước, nhà văn viết không còn theo ý mình nữa, anh ta nhìn nhận cuộc sống với con mắt tinh tường, chọn lọc lấy một vài chi tiết đặc sắc miêu tả lại trên trang giấy.

Tác phẩm ra đời từ cảm hứng ngợi ca có rất nhiều, nhưng đôi khi chỉ khen thôi không đủ, đặc biệt với những tác phẩm hiện đại. Con người trong cuộc sống không chỉ đơn giản, một chiều được, ngay trong bản thân mỗi con

người vẫn luôn tồn tại nhiều cái tôi khác nhau. Hơn thế nữa, bạn đọc trẻ ngày nay trong tiếp nhận văn học, đòi hỏi được nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều, và họ sẵn sàng chỉ ra mặt sáng cũng như mặt tối của cuộc sống. Ngay cả những tác phẩm của Nguyễn Khải giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, ông đặc biệt ca ngợi những con người ưu tú, làm việc quên thân, tất cả vì lý tưởng. Nhưng đâu đó trong tác phẩm của mình ông vẫn chỉ ra những khiếm khuyết, sai lầm của họ, bởi với ông đã là con người thì luôn tồn tại mặt tốt và mặt xấu, không ai hoàn thiện. Bên cạnh cái cao thượng, luôn tồn tại cái thấp hèn, bên cạnh sự khoáng đạt luôn tồn tại cái vị kỉ.

Trong dạy đọc - hiểu “Một người Hà Nội”, dù rằng cảm hứng ngợi ca

là cảm hứng chính nhưng không phải là duy nhất. Ngợi ca ở đây ta chỉ nên dừng lại ở phương diện văn hóa Hà Nội - một phương diện quan trọng làm nên sức sống của Hà Nội, quyết định vận mệnh và vị thế của Hà Nội. Suy nghĩ xa xôi của bà Hiền về sự vận động của tạo hóa, vạn vật đó chính là sự mở rộng của nền văn hóa đất kinh kì, nó đã giúp Hà Nội vượt qua bao phong ba, bão táp của đời sống chính trị. Dù cho thời thế, xã hội đổi thay nhưng trong con người ấy - một đại diện của Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa cơ bản của đất ngàn năm văn hiến. Cho dù trong đời sống thường ngày nhân vật bà Hiền có những tính toán riêng, phần vị kỉ cho bản thân mình nhưng nhìn

chung bà vẫn là “một người Hà Nội” mang cốt cách sang trọng, quý phái. Và

nhan đề “Một người Hà Nội” ở đây không phải là chỉ một đại diện của cả một

thế hệ, một dân tộc, một đất nước mà đó chỉ là một người mà tác giả biết, nắm rõ. Cụ thể bà Hiền là người cô họ của tác giả, chính vì thế anh ta nhìn nhận nhân vật này ở mọi góc cạnh. Nếu là đại diện cho cả một lớp người, một thế

hệ thì có lẽ tác phẩm được đặt tên là “Người Hà Nội” thì hợp lý hơn.

Việc kết hợp hai cảm hứng trong dạy đọc - hiểu tác phẩm này có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với đối tượng học sinh trong

thời đại mới. Ở lứa tuổi THPT, các em đã có những suy nghĩ khá độc lập, dù chưa được hoàn thiện tới mức ổn định, chính vì thế đối với mọi vấn đề các em đều có chính kiến riêng của mình, nếu không được giải đáp một cách hợp lý sẽ dẫn đến sự phản kháng và sự lựa chọn sai lầm ở các em. Qua thực tế khảo sát tại hai trường THPT, người viết nhận thấy cái nhìn bước đầu của các em về thế giới và con người không còn đơn giản như các thế hệ trước, đối với nhân vật bà Hiền các em có những đánh giá rất khác nhau, người viết sẽ thống kê trong bảng khảo sát ở phần sau. Nếu như theo phương hướng đổi mới trong dạy học văn những năm gần đây là làm sao để phát huy cao nhất tính tích cực học tập ở HS, và nhà trường là nơi đào tạo, cũng là nơi đặt nền móng cho các em bước vào đời thì ta không nên và không thể đơn giản một chiều trong dạy học tác phẩm này. Mặt khác, với một nhân vật văn học của thời đại mới người GV phải giúp các em nhận thức được con người sâu sắc hơn, để khi bước chân ra ngoài cuộc sống các em biết đánh giá con người một cách toàn vẹn hơn.

Bên cạnh đó, việc kết hợp hai cảm hứng trên trong dạy đọc - hiểu sẽ nâng tầm giá trị của tác phẩm lên cao hơn nữa, đặc biệt là với nhân vật bà Hiền. Một nhân vật mang tính chất luận đề, mang trong mình ý tưởng của người nghệ sĩ như vậy nếu hiểu theo một chiều, một khía cạnh sẽ làm cho tác phẩm mất đi giá trị vốn có và nhân vật trở nên “thiếu máu” (chữ dùng của Đặng Lưu). Trong dòng chảy của lịch sử văn học dân tộc, bên cạnh hàng nghìn hàng vạn nhân vật các thể loại thì một nhân vật mang trong mình giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc, mang tính thực tiễn như trên sẽ luôn có đất sống và sức sống trường tồn trong lòng người đọc.

Sự nghiệp giáo dục hiện nay trong thời kì Đất nước hội nhập quả là khó khăn, những nhà nghiên cứu, soạn SGK đã thật cố gắng đưa và chương trình nhiều tác phẩm, nhiều bài học mang tính thực tiễn.Và dạy học văn trong thời

đại mới không chỉ dạy các em trong sách vở, trong trường học, mà còn phải dạy các em cách nhìn nhận về thế giới, về con người sao cho toàn diện và đa chiều nhất. Đặc biệt với các nhà văn trải đời như Nguyễn Khải thì liệu ông có bao giờ nhìn nhận vấn đề theo hướng đơn giản, một chiều? Con người với ông chỉ có một mặt? Đó là điều mà chúng ta cần phải đào sâu suy nghĩ và giải đáp một cách thấu đáo trong việc tìm hiểu bất cứ một tác phẩm nào nói chung và “Một người Hà Nội” nói riêng.

Một phần của tài liệu dạy đọc - hiểu truyện ngắn một người hà nội của nguyễn khải (sgk ngữ văn 12, tập 2) theo hướng kết hợp cảm hứng ngợi ca và cảm hứng phê phán (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)