B. NỘI DUNG
2.1.2.1 Sự phát hiện những vấn đề nhân sinh mang nội dung triết lý
sâu sắc trong các tác phẩm của Nguyễn Khải.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đất nước thống nhất, hòa bình. Lúc này con người mới thực sự được sống trong niềm vui chiến thắng, được tự do đi lại, tự do hoan hỷ với thắng lợi. Thế nhưng, một thực tế lại đặt ra, con người sống trong đời sống chiến tranh đã quá lâu, con người ta quen với chiến tranh, giờ đây đứng trước ngưỡng cửa cuộc sống mới đã làm nảy sinh những nhận thức, những quan niệm, cách nghĩ khác nhau. Mấy chục năm chiến tranh liên tục và sự chuyển rời từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đã tác động đến tư tưởng con người. Nó trở thành một cơn lốc xoáy dữ dội làm cho con người ta bị cuốn theo nó, điên cuồng vì nó. Mọi giá trị chỉ là tương đối: phải – trái; trắng – đen; tốt - xấu; hay - dở… Con người trước 1975 là con người công dân, con người tồn tại trong cái ta chung, còn giờ đây mỗi cá nhân tồn tại như một nhân cách độc lập, họ tự tìm lấy lối đi cho chính bản thân mình và có trách nhiệm với sự lựa chọn đó.
Là người rất nhạy cảm với các vấn đề của đất nước, Nguyễn Khải không thể không đón trước sự kiện này, và ông đã có những động thái tích cực khiến người đọc phải khâm phục tài năng của ông. Nói như GS. Nguyễn
Đăng Mạnh thì: “Nguyễn Khải giỏi phát hiện vấn đề, khai thác sâu tâm trạng
nhân vật, nhạy cảm với nhiều mối quan hệ giữa nhân vật và thời cuộc, môi trường hoạt động, hoàn cảnh gia đình và thân phận riêng. Văn mạch tiềm ẩn
nhiều câu hỏi, nhiều triết lý” [ 7]. Chính vì thế, ông đến với mảnh đất hiện
thực hoàn toàn mới mẻ - hiện thực cuộc sống ở miền Nam sau ngày giải phóng. Bởi ông biết, đất nước được thống nhất, miền Nam được giải phóng không phải ai ai cũng bày tỏ thái độ vui mừng và thấy được ý nghĩa của đại thắng này. Các tầng lớp nhân dân miền Nam sẽ là một cuộc thay đổi lớn trong
suy nghĩ của mỗi người. Ông đã đi sâu nghiên cứu và phân tích tâm tư của mỗi người, qua đó thể hiện rõ sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy nghệ thuật. Đây cũng là thời kì đất nước tiến hành đổi mới, nghị quyết Đại hội Đảng lần
thứ VI cuối 1986 với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật và nói sự thật” đã
khơi vào đúng mạch văn của Nguyễn Khải. Từ những câu chuyện mang tính chính luận gắn với những sự kiện chính trị xã hội chung của cộng đồng, Nguyễn Khải chuyển sang những câu chuyện về đạo đức thế sự, đời tư. Ông có dịp đi đến những miền đất lạ, trở lại những nơi ông đã đi qua và viết về suốt một thời tuổi trẻ. Thời thế đã cho ông một cách nhìn khác, thời gian cũng cho ông một cách nhìn khác nên sáng tác của ông thời kì này sâu sắc và tinh tế hơn. Nếu như trước đây, lý tưởng và chính kiến của những người như Nam, Hòe, Doãn, Vui, Hào…làm cho ông xúc động đến trào nước mắt, bịn rịn không muốn rời xa và cảm thấy họ là một nguồn đề tài vô tận có thể viết thành sách được. Thế nhưng, giờ đây trong bối cảnh mới ông lại phát hiện ra nhiều vấn đề nhân sinh ẩn dấu sau những cuộc đời, những quan niệm về đạo đức truyền thống, danh dự, lợi ích kinh tế, tình cảm giữa con người với con người…
Quang (Danh dự), xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở
Huế, tham gia Cách mạng từ rất sớm, làm trong ngành quân báo. Dù bị nghi ngờ, đi tù nhưng anh vẫn không hề oán trách ai mà trái lại luôn tỏ ra thanh thản và nhẹ nhàng đến lạ lùng. Anh suy nghĩ rất đơn giản là mình đã giữ trọn được danh dự với chính bản thân anh, anh không làm gì để thấy hổ thẹn và
mất danh dự. “Người ta sống không chỉ vì sự an toàn mà còn phải sống trong
danh dự. Không nói đến danh dự thật tình chả có gì để nói, để viết về con
người cả”. Anh coi danh dự trọng hơn tất thảy: “Danh dự nặng hơn tính
mạng, gia đình, tài sản, mất tất cả vẫn sống được, nhưng đã mất danh dự thì
luôn tự hào là dù con đường hoạt động cách mạng của mình có nhiều vất vả
và gian truân “nhưng trước sau anh vẫn giữ được một tâm hồn nồng nhiệt,
luôn luôn là chính mình, chưa bao giờ tự tách làm hai”. Qua Quang, tác giả
muốn khẳng định giá trị của con người, dù rơi vào hoàn cảnh nào, dù bị mọi người coi khinh rẻ rúm và nghi ngờ nhưng vẫn gữ được phẩm chất, danh dự và vẻ đẹp nhân cách. Tác phẩm ra đời năm 1999, nghĩa là tác giả đã ở vào cái tuổi có sự từng trải nhất định để nhìn nhận sự đời. Nhân vật Quang như gửi gắm nỗi niềm sâu kín của tác giả về giá trị trường tồn của con người, ông tin tưởng ở vẻ đẹp (dù bị che lấp) của con người sẽ luôn tỏa sáng dù chỉ là trong chính tâm hồn họ. Quả thật, để có thể chiêm nghiệm được điều này, tác giả phải là người tinh tế, hiểu người, hiểu đời rất mực.
Quân (Thời gian của người) là một chiến sĩ tình báo hoạt động suốt 30
năm, trải qua hai cuộc chiến tranh “anh chỉ biết rõ quân địch mà chưa được
biết rõ mặt quân ta”. Anh trung thành và tận tâm với cách mạng tới mức “có
thể tước bỏ máu thịt, cả vợ con trừ lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng mà
anh đã lựa chọn…”. Những ngày đầu được tự do anh cảm thấy tất cả đều “ào
ạt, mênh mông đến ngộp thở”. Và trước thực tế cuộc sống anh luôn tự hỏi:
“Mình sẽ phải sống ra sao nhỉ? Sống theo cách nào nhỉ?”. Nếu nhân vật
Quang là sự khẳng định niềm tin của tác giả về phẩm chất tốt đẹp được ẩn giấu trong tâm hồn con người, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ vẹn nguyên. Thì Quân lại là nhân vật thể hiện sự chiêm nghiệm, triết lý của tác giả về cuộc sống, về thời gian của đời người. Quá khứ, hiện tại và tương lai có quá nhiều sự đổi thay, và con người trong sự vận động của thời gian ấy, luôn tìm câu trả lời cho những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Nếu là con người của thời chiến tranh anh sẽ chỉ có một câu trả lời cho mọi vấn đề, đó là lòng yêu nước. Nhưng vào thời buổi nền kinh tế thị trường lên ngôi, xã hội có nhiều cái phức tạp đòi hỏi con người không ngừng tìm hiểu và cần có nhiều câu trả lời cho
mọi vấn đề. Con người trong dòng chảy của thời gian không ngừng nhìn lại mình, đặt mình vào thời điểm hiện tại để trả lời và điều chỉnh, nếu không sẽ
trở thành người “lạc thời”.
Ông Trắc (Lạc thời) lại là người rơi vào bi kịch của thời buổi kinh tế
thị trường. Ở thời buổi những mối quan hệ, đồng tiền lên ngôi ông trở thành
kẻ “lạc thời”, bị “thất sủng”, nhưng không hẳn vì thế mà ông bi lụy và triền
miên trong những giấc mộng ảo hư vô. Trái lại ông vẫn rất tỉnh táo nhận ra
những hay dở, đúng sai trong suy nghĩ và hành động của mình: “Nếu ông nói
ra những điều một đời không dám nói thì tệ hại quá, đáng xấu hổ quá, đã già
rồi lại đi kể với bọn trẻ sao?”. Ông nhận thức rõ, những người như mình
trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta nói đến tiền nhiều hơn tất thảy rõ ràng là không phù hợp. Ông thấy sợ, sợ sự lạnh nhạt, trống vắng của những người xung quanh mình, vì nó sẽ giết chết ông. Ông tự cười vì hôm nay
“người ta chỉ nhắm rượu với cái lợi cái danh, với người sang hoặc người có
tiền thôi”. Nguyễn Khải nhận ra số phận con người cũng như thực tài của họ
trong xã hội hiện nay chỉ là thứ bị coi nhẹ và bị rẻ rúm. Lời than thở của ông
Trắc: “Tôi buồn quá các người ơi!” phải chăng cũng là lời than thở đến não
lòng của chính bản thân tác giả. Ở đây người đọc nhận ra, ngoài giọng điệu hóm hỉnh, tự trào, triết lý về những vấn đề xung quanh, Nguyễn Khải còn thể hiện sự xót xa, cảm thông, chia sẻ với những con người có số phận và cảnh ngộ trớ trêu.
Hay số phận của người ông (Ông cháu) cũng thể hiện niềm cảm
thương và nỗi xót xa của tác giả đối với số phận con người. Đọc xong tác phẩm người đọc dường như cảm thấy vị mặn nơi đầu lưỡi và nhói lòng trước cảnh ngộ của một người đàn ông suốt cuộc đời chỉ biết sống vì con vì cháu, chỉ vì số phận trớ trêu mà phải chịu bao khổ cực.
Với Nguyễn Khải, bàn bạc, triết lý để đưa ra được một vấn đề có ý nghĩa nhân sinh mới là quan trọng. Vì thế không phải tự nhiên mà tác giả lại
kể lại cuộc hôn thú muộn mằn của bà chị họ và ông anh rể đã ngoài 70. Đó không phải là sự soi mói, vạch chuyện muốn giấu của gia đình ra trang giấy, mà đó là sự cảm phục, niềm vui và hạnh phúc của chính nhà văn. Hạnh phúc muộn mằn đến với bà Bơ và ông Phúc giống như vệt nắng chiều, không bức bối, chói loà hay gay gắt mà rất nhẹ nhàng, mát mẻ và dịu êm. Tác giả đã triết
lý: “chỉ có cái tâm tốt của con người mới làm nảy nở được cái mầm yêu
thương đang bị thui héo ở đâu đó”. Đây mới chính là thông điệp mà tác giả
muốn gửi gắm. Cái tình lúc tuổi già không phải là cái đáng để chế giễu, cười cợt, mà đó là cái đáng trân trọng vì đó chính là tình người. Người đàn bà con nhà danh giá nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi, cả đời giúp đỡ các em, để rồi đến cuối đời mới tìm được hạnh phúc riêng cho mình. Qua cuộc đời, số phận và niềm hạnh phúc của người chị họ, tác giả đã khái quát lên thành vấn đề có ý nghĩa triết lý nhân sinh về hạnh phúc, tình yêu, sự bất tử của nó cũng như mối quan hệ của nó với chữ tâm trong mỗi con người.
Có thể nói các sáng tác của Nguyễn Khải sau 1975 đã thể hiện quan niệm nghệ thuật mới mẻ của tác giả về con người. Điều đó khẳng định chính sự từng trải của một người trải qua quỹ đạo của hai cuộc chiến tranh đã tạo nên chuyển biến trong tầm nghĩ, tầm nhìn về con người, đồng thời người đọc còn nhận thấy con người trong quan niệm của Nguyễn Khải giờ đây không có tính một mặt, là những mẫu người điển hình và luôn là một tấm gương để người khác soi chiếu như trước nữa. Con người giờ đây luôn sống trong những suy nghĩ, chiêm nghiệm về bản thân và thời thế. Con người đa sự là cái có thể nói về nhân vật của Nguyễn Khải thời kì này. Đây chính là nét đặc sắc trong sáng tác của Nguyễn Khải giai đoạn sau giải phóng.