B. NỘI DUNG
2.1.1.1 Khẳng định và ngợi ca những con người trong thời kì mới
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 được hình thành và phát triển khá mạnh mẽ, có nhiều thành tựu rực rỡ làm nên tên tuổi của không ít các nhà văn trong đó có Nguyễn Khải. Thời điểm Cách mạng tháng 8 thành công, đất nước ta đã phải trải qua một thời kì thực sự khó khăn và thử thách. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào trên nhiều lĩnh vực trong đó có văn học nghệ thuật. Đường lối sáng tác đó đã được chủ tịch Hồ Chí
mặt trận. Anh chị em nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Cũng như các
chiến sỹ khác, chiến sỹ nghệ thuật cũng có nhiệm vụ nhất định: phụng sự
kháng chiến, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công-nông-
binh” [11]. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy cây bút
làm súng, trang giấy là mặt trận để trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến
trường kì, gian khổ. Hiện thực lịch sử có nhiều biến động, lý tưởng của Đảng
đã được chiếu sáng tới đông đảo quần chúng nhân dân, đường lối sáng tác đã
rõ ràng. Thời kì này nhiều sáng tác của nhiều nhà văn đã trở thành bất tử.
Hoà chung vào dòng người trong thời điểm lịch sử hào hùng ấy, Nguyễn Khải cũng hăng hái tham gia. Có thể nói trước Cách mạng tháng 8,
cuộc đời của Nguyễn Khải gặp khá nhiều bất hạnh và nỗi buồn “Những năm
còn nhỏ tôi sống rất buồn. Những người thân nhất của tôi đều có một số phận rất buồn. Họ gánh vác mọi nỗi buồn một cách nhẫn nhục, cam chịu vì đã xem
đó là định mệnh” [6, tr.398]. Nhà văn không nghĩ có ngày cuộc đời mình lại
có thể có bước ngoặt lớn tới mức thay đổi số phận của mình đến vậy. Ông
tâm sự: “Suốt 8 năm kháng chiến tôi đã lớn lên về tuổi đời, lại thêm tuổi
Đảng, có thêm chút ít học vấn...” [6, tr.394], cũng đã không ít lần nhà văn tự
hỏi: “Nếu không có Cách mạng tháng 8 thì đời mình ra sao nhỉ?” [6, tr.398].
Luôn tự ti và cảm thấy thua kém vì mình có xuất thân kém hơn những người khác, lại không có tài nên chuyện được đi đây đó , được tập tành viết báo, viết văn là điều không tưởng. Và cho tới mãi sau này nhà văn vẫn khẳng định:
“Trong khoảng 20 năm ngồi trước trang giấy tôi không bao giờ phân vân về
các chức danh của mình; là người lính, là Đảng viên, là nhà văn, với tôi tất
cả chỉ là một...” [6, tr.395].
Nhận thức được lịch sử đang diễn ra, giác ngộ được vai trò, vị trí, nhiệm vụ của người cầm bút trước lịch sử, Nguyễn Khải đã dùng ngòi bút làm công tác tuyên truyền, phản ánh hiện thực một cách chân thực nhất, nhưng cũng giàu tính nhân văn, thẩm mĩ.
Xuất phát từ định hướng của Đảng, dùng văn nghệ làm vũ khí tư tưởng trong sự nghiệp Cách mạng chung, con người được tái hiện là con người công dân, con người xã hội, mang trong mình trách nhiệm và sứ mạng của lịch sử, của tổ quốc, của nhân dân. Mục đích của văn học lúc bấy giờ là tạo nên những nhân vật tích cực, phản ánh những con người tiêu biểu của xã hội, những anh hùng của thời đại để thúc đẩy tinh thần của mọi tầng lớp. Dựa trên đường lối văn nghệ đó của Đảng, Nguyễn Khải đã lấy làm định hướng và tìm ra con đường sáng tác có những tìm tòi, phát hiện riêng cho mình. Và con đường riêng đó đã nhanh chóng đưa nhà văn tới đông đảo công chúng bạn đọc. Dù nhiều tác phẩm đầu tay bị đánh giá là ít có giá trị nghệ thuật và không được
mọi người chú ý như: Ra ngoài(1951), Xây dựng(1951), Người con gái
quang vinh(1955)... Mặc dù thế nhà văn vẫn không hề nản chí, ông tiếp tục đi khai thác nhiều mảng đề tài hơn nữa. Có thể nói, bị chi phối phần nhiều bởi đường lối sáng tác của Đảng lúc bấy giờ mà các sáng tác của Nguyễn Khải trước 1975 hầu hết đều xuất phát từ cảm hứng khẳng định, ca ngợi và mang tính chính luận rõ nét. Mặc dù vậy, ông vẫn không chạy theo các biến cố, sự kiện để làm kẻ phát ngôn, là cái loa phóng thanh, mà ông đã đi thâm nhập vào thực tế cuộc sống và không khí lao động khẩn trương, sôi nổi, vào công cuộc xây dựng lại bộ máy nhà nước đang diễn ra trên Đất nước ta lúc bấy giờ. Và kết quả của chuyến thâm nhập thực tế tại nông trường Điện Biên, một vùng rừng núi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm:
Mùa lạc(1960), Đứa con nuôi(1960), Chuyện người tổ trưởng máy
kéo(1959), Anh đội phó và người thợ mộc(1961), Nguồn vui(1960)... Và ở
nơi đã từng là bãi chiến trường đẫm máu này, tác giả đã nhìn ra sự hồi sinh của sự sống, của những nét đẹp trong tâm hồn con người. Những nhân vật của Nguyễn Khải như: Tấm, Đào, Thi, Thoa... ta đã thấy xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm trước đó của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Thạch
Lam... Nhưng tất cả họ đều đi vào ngõ cụt, có kết thúc đen tối. Có ai trong số
họ để ý đến “khuôn mặt mĩ miều đầy sức quyến rũ của thiên nhiên” (Đứa con
nuôi), hay “màu xanh thẫm của ngô, của đỗ, của lạc, màu xanh non của lá
mạ, màu đỏ tươi của ớt chín” (Mùa lạc) như các nhân vật của Nguyễn Khải?
Tấm (Đứa con nuôi) trước khi lên ở với vợ chồng Cừ, cô bé đã phải
trải qua một cuộc sống vất vả, tủi cực. Nó phải đi ở cho hết nhà này đến nhà khác, cuộc sống mồ côi từ lúc bé, chịu sự ghẻ lạnh của người đời và sự bạc bẽo của những người mà nó ở đã khiến cho đôi mắt của nó không còn ngây thơ trong cái tuổi 14, 15 của nó nữa. Nó luôn nhìn sự vật xung quanh với óc xét đoán già trước tuổi và luôn nghi ngờ. Nó nhìn vợ chồng anh Cừ với con mắt dò xét, tò mò xem họ có thật sự là người đối xử tốt với mình hay không. Đầu óc già trước tuổi của nó khiến vợ chồng anh Cừ xót xa, thương cảm. Rồi dần dần, cuộc sống trên nông trường đã khiến Tấm thay đổi, nó đã biết điệu như các cô thiếu nữ mới lớn, góc giường của nó đã xuất hiện lọ hoa xinh xinh để đầu giường. Và hơn hết nó cảm thấy đây chính là nhà của mình, những người ở đây đúng là những người thân của mình. Nó nhìn cảnh vật xung
quanh không với con mắt dò xét như trước nữa mà đầy màu sắc: “Những bụi
ké đồng tiền ở dọc đường đã rụng hết lá, chỉ còn để lại trên nhánh cây mảnh
dẻ những nụ hoa vàng như cúc áo. Một cây vông vang mọc xen vào giữa bụi
me dại, hoa nở ra mướt vàng, nhị đỏ tím màu mận chín... Khung cảnh lặng lẽ
và thơ mộng. Và lần đầu tiên bộ mặt mĩ miều đầy sức quyến rũ của thiên
nhiên đã rung động được tâm hồn con bé Tấm...” [17, tr.97].
Còn Đào (Mùa lạc) có số phận bi đát không kém, tưởng chừng như
cuộc đời đã đóng cửa trước mắt chị, toàn bộ con người chị chỉ còn là cái xác
không hồn. Chồng chết, con chết, người phụ nữ giàu sức sống và hoạt bát, lanh lợi, yêu đời trước kia giờ chỉ còn cái bóng. Thậm chí đứng trước hạnh phúc chị còn không dám nhận đó là của mình, mình không bao giờ được
hưởng hạnh phúc nữa. Cuộc sống nơi nông trường Điện Biên quả có sức lôi kéo con người. Đào đã không còn cay nghiệt với cuộc đời nữa, mà chị nhận ra giá trị tiềm ẩn nằm bên trong con người mình, chị đã biết đón nhận và vui vẻ
với hạnh phúc mới và rộng lượng với tất cả mọi người. “Chị nhìn mọi người
với con mắt biết ơn vì mặc dù họ đùa bỡn, họ chế giễu nhưng tất cả đều hoan
hỷ vun đắp hạnh phúc cho hai người” [17, tr.54].
Những trang viết về Điện Biên có thể nói là những trang viết đầy xúc động, sôi nổi mà ấm áp về một cuộc sống mới đang được dựng xây, về tình yêu và sự đổi thay của số phận con người, về những quan hệ đạo đức mới xã hội chủ nghĩa đầy tình thương và trách nhiệm giữa con người với con người. Những trang viết về lao động đầy cảm hứng trong sáng tác của Nguyễn Khải giai đoạn này đã để lại những hình ảnh đẹp đẽ của những con người đang hăng say lao động, cùng những vẻ đẹp diệu kì của cuộc sống mới. Đó là điều mà văn học trước Cách mạng không thể có. Trước đó ai có thể khẳng định:
“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ hy sinh.
Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là
phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy” [17, tr.46], lại càng không thể tin
vào hiện thực trước mắt “cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi”. Và để làm sáng
thêm trên cái nền cuộc sống mới ấy, Nguyễn Khải đã xây dựng chân dung
những con người mới, những con người đó mang vẻ đẹp cộng đồng, vì lợi ích
chung của tập thể như Cừ, Lâm, Quang, Doãn, Hào... Họ là cả một thế hệ, cả
một đời đã đổi máu, đã cống hiến, đã dằn vặt vì sự nghiệp Cách mạng, cho sự
nghiệp Cách mạng, giờ đây họ đều ở đây, chung tay góp sức, quên lợi ích cá nhân, vì lợi ích tập thể, lợi ích Cách mạng.
Chủ nhiệm Biền (Tầm nhìn xa) là một điển hình mẫu mực về người
Đảng viên luôn có tầm nhìn xa, không để mối lợi vặt vãnh ràng buộc mình và luôn nhìn ra sự thống nhất quyền lợi Nhà nước và tập thể trong lãnh đạo hợp tác xã.
Cừ (Đứa con nuôi) trở về từ cuộc chiến tranh sinh tử, giờ đây anh lại cùng vợ và các đồng chí của mình chung tay xây dựng lại cuộc sống mới trên mảnh đất Điện Biên khô cằn. Tấm lòng nhân đạo được tôi luyện trong cuộc chiến tranh gian khổ khiến anh không thể làm ngơ trước những số phận bất hạnh. Cưu mang bé Tấm, đưa lại cho cô bé một cuộc sống gia đình thật ấm áp, bồi đắp những tình cảm mà em đã sớm bị chai sạn. Gia đình người đồng đội cũ gặp nạn, anh hết lòng giúp đỡ dù trong nhà vợ anh cũng đang ốm và kinh tế gia đình còn có nhiều khó khăn.
Doãn (Chuyện người tổ trưởng máy kéo), người tổ trưởng máy kéo tận
tâm với công việc của mình, nhiệt tình khi giúp đỡ người khác. Anh lãnh đạo anh em trong tổ lao động hăng say không kể thời gian. Con người có trách nhiệm ấy luôn vui vẻ, hoạt bát và lanh lợi trước những khó khăn tưởng chừng không lối thoát.
Tất cả những con người ấy hiện lên trước mắt người đọc thật sống động, giàu ý nghĩa và có giá trị nhân văn sâu sắc. Nguyễn Khải đã đi được vào tận sâu thế giới tâm hồn của những con người cao cả ấy, khám phá ra những suy nghĩ, những tình cảm nơi trái tim họ. Những mẫu nhân vật của Nguyễn Khải thời kì này quả có sức cổ vũ, động viên con người lớn lao, giúp họ có đủ tự tin để vươn lên giành thế chủ động, giành lấy hạnh phúc riêng qua bàn tay lao động của chính bản thân họ.
Tháng 8-1964, đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc,
sự đối đầu lịch sử này đã khiến Đảng phải chủ trương “tất cả cho tiền tuyến,
tất cả cho chiến thắng”, huy động mọi tài lực, trí lực cho cuộc chiến tranh.
Giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ lại sôi nổi chuẩn bị cho một công cuộc mới, phục vụ cho cuộc chiến. Nguyễn Khải tạm gác mảng đề tài ông đang say mê và gặt hái thành công là viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để tham gia vào cuộc chiến. Ông đã nhanh chóng kịp thời có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến đấu.
“Họ sống và chiến đấu” là tập kí sự tác giả viết về những chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ. Qua ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Khải, hình ảnh các chiến sĩ hiện lên khá rõ với những nét bản chất trong tâm hồn và trong cả mối quan hệ đời thường: dũng cảm, mưu trí, hồn nhiên, chân tình... Họ còn rất trẻ nhưng đã sớm mang trong mình một lý tưởng cao đẹp, sống tách biệt với đất liền, quanh năm ở đảo nhưng họ vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và không từ nan.
Thái Văn A, người chiến sĩ trẻ, dũng cảm trong chiến đấu, dù bom rơi đạn nổ ác liệt nhưng vẫn trụ vững trên chòi quan sát. Một con người kiên gan bền chí và dũng cảm nhưng đời thường lại rất rụt rè, nhút nhát. Trong câu chuyện với Minh Cảnh, nữ văn công, anh đã rất thật bộc lộ sự tiếc nuối của mình khi được kết nạp vào Đảng mà không được nói một câu thật hay mình
đã chuẩn bị từ trước: “Bây giờ thì cũng không nên nói lại nữa. Làm thôi, bằng
việc làm của mình, phải không đồng chí?” [6, tr.353]. Rồi Trần Đăng Khoa,
người cán bộ trẻ tuổi nhưng giàu kinh nghiệm. Đinh Kinh, chiến sĩ nuôi quân còn trẻ nhưng lại có một tâm hồn chất phác, trong trẻo. Bác sĩ Lê tài năng, luôn mang hết tâm và trí của mình để phục vụ các anh em.
Có thể nói, tham gia vào cuộc kháng chiến thần thánh của toàn dân tộc thời ấy, viết về những người chiến sĩ trẻ nhưng không tiếc sức mình cho cuộc chiến, ngòi bút của Nguyễn Khải trở nên linh hoạt, sắc sảo và có hồn hơn bao giờ hết. Ông đặc biệt đi sâu vào vẻ đẹp tâm hồn của các chiến sĩ, những con người với tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, vô tư, trước cái chết mà vẫn thanh thản đến lạ kì. Có thể nói ngòi bút Nguyễn Khải đã tìm ra con đường riêng,
khám phá vào bên trong con người. Nói như TS. Đào Thuỷ Nguyên thì: “Nếu
Hữu Mai bị cuốn hút bởi tình đồng chí đồng đội mặn nồng, của tinh thần cách mạng tiến công; nếu Nguyễn Minh Châu chăm chú đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong đời sống tâm hồn của họ thì hứng thú lớn nhất của Nguyễn Khải là
từ những cái quen thuộc hàng ngày, tìm đến những ngõ ngách thú vị và bất ngờ của cuộc sống bên trong, đến cái sức mạnh ẩn dấu tiềm tàng dưới lớp vỏ
vô tư của những người chiến sĩ để lý giải phẩm chất anh hùng của họ”[2, tr.].
Để xây dựng nên những nhân vật mang trong mình nhiều phẩm chất như vậy ngoài sự thâm nhập thực tế, tái hiện chân thực, Nguyễn Khải còn phải có một thái độ trân trọng đối với những người mà ông đã gặp, đã tiếp xúc, chuyện trò. Bằng những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh Cách mạng của đất nước ta, Nguyễn Khải đã tái hiện lại một cách đặc sắc hiện thực sôi động của cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta. Từ đó làm ngời sáng những phẩm chất cao đẹp của những vị anh hùng làm nên lịch sử dân tộc.
Có thể nói các sáng tác của Nguyễn Khải trước 1975 mang âm hưởng ngợi ca, khẳng định rõ nét. Một phần do yêu cầu của đường lối sáng tác mà Đảng đã đề ra, nhưng mặt khác quan trọng hơn là qua hiện thực diễn ra trước mắt, ông đã nhìn thấy, nhận ra vẻ ngời sáng trong mỗi hành động, mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ của những con người ấy. Và đôi khi, nhân vật của ông mang đậm tính sử thi.