Không gian hội thoại trong chiến tranh

Một phần của tài liệu hội thoại trong tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh (Trang 69 - 73)

VAI TRÒ CỦA HỘI THOẠI VỚI VIỆC THỂ HIỆN TƢ TƢỞNG CHỦ ĐỀ TÁC PHẨM

3.1.2.Không gian hội thoại trong chiến tranh

Như đã nói ở chương 2, phần lớn các cuộc thoại trong tác phẩm diễn ra trong hoàn cảnh giao tiếp mang tính công cộng, với những không gian hội thoại thường gặp là chiến trường, ga tàu, sân bay, đường ra chiến trận... Thông qua những không gian ấy, Bảo Ninh đã tái hiện lại một cuộc sống bị tàn phá, bị huỷ diệt bởi chiến tranh tàn bạo, khốc liệt.

Trong các cuộc thoại 53, 54, 55 ngay từ khi “mới chạm mặt chiến tranh” trên chuyến tàu vào ga Thanh Hoá, hội thoại của nhân vật đã diễn ra

trong khung cảnh đầy sự chết chóc và nỗi khiếp sợ: “Một cái gì đó kinh khủng, rùng rợn rống lên làm cho không gian méo lệch, đổ giạt xuống. (...) Máy bay lượn vòng. tiếng động cơ phản lực khoan thủng thinh không.(...) Nỗi khiếp sợ lan đi rùng rùng. Bấn loạn, rối bời, hung dữ. Cửa toa rầm rầm mở rộng ra. Các guốc hãm rít lên nhưng tàu vẫn chưa dừng. Phát điên lên, người ta xô vào nhau, tuồn tuồn lao vào vực thẳm tối om ngoài tàu, gieo những tiếng hừ hự, huỳnh huỵch rất nặng xuống nền đường (...) . Ở lưng chừng trời bỗng bục ra những tiếng như tiếng mở nút chai. Một luồng thác trắng rợn người ào qua Kiên mở vào cửa toa. Máy bay hú chói óc. Dưới ánh pháo sáng, lòng toa như cái nhà kho bị đảo tung. Mọi vật hiện lên rõ mồn một nhưng tái nhợt, ma quỷ như hình thù trong phim âm bản.”

[tr.228, 229]. Và nhà ga Thanh Hoá, nơi chứng kiến cuộc hội ngộ giữa Kiên và Phương thì hiện lên trong cảnh “tanh bành, trụi nát” : “Khói đặc trôi là là trong không gian tuồng như hoang vắng, rời rạc tiếng kêu cứu và rải rác những thân hình nằm sõng sượt..., những tư thế khác nhau của các xác chết bên đường...” [tr.275]. Không gian đó là một thế giới khác, hoàn toàn lạ lẫm và ngoài sức tưởng tượng. Trong thế giới ấy, Kiên từ một chàng trai đầy lý tưởng, khát khao được cống hiến, được thể hiện bản lĩnh của mình trong

chiến tranh bỗng rơi vào đớn đau, tuyệt vọng vì lần đầu “thấy người bị giết,

thấy máu trào lênh láng”, vì bị chiến tranh giằng bật ra khỏi Phương. Cũng trong thế giới ấy, Phương trải qua mọi sợ hãi, đớn đau khi từ một cô gái thanh tân trong trắng vô ngần đã bị ép buộc để trở thành đàn bà. Cả Kiên, cả Phương đã bị chiến tranh cướp đi cuộc sống yên lành, tình yêu tươi đẹp và tất cả những hoài bão, ước mơ trong không gian ấy.

Không gian ga tàu, trên đoàn tàu còn lặp lại vài lần trong tác phẩm. Đó như là một biểu tượng về sự mất mát, sự ra đi vĩnh viễn của tất cả những

gì tốt đẹp mà con người đã có trước chiến tranh: tình yêu, cuộc sống thanh bình và hi vọng vào một tương lai tươi sáng.

Rất nhiều các cuộc thoại trong tác phẩm có bối cảnh chiến trường như 1, 4, 8, 9, 23, ... Ở cuộc thoại nào, không gian hội thoại cũng vô cùng khủng khiếp. Ví dụ như bối cảnh một trận đánh “ghê rợn, độc ác, bạo tàn” trong

cuộc thoại 1: “Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn

cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị napan tróc khỏi công sự, hoá cuồng, không lính không quan gì nữa, rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi lao vào biển lửa. Trên đầu, trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy toé, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể giạp vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng.(...) Tiểu đoàn trưởng gào to, như điên. mặt tái dại, hốt hoảng hoa súng ngắn lên, và ngay trước mặt Kiên, anh ta tự đọp vào đầu, óc phọt ra khỏi tai”

[ tr.77]

Tại cuộc thoại 8, 9, Bảo Ninh đã dựng lên một không gian hội thoại “lạ” trong chiến trường khốc liệt: “...căn nhà nhỏ ba gian xinh xắn, mái lồ ô, thơm ngát hương huê rừng, đồ đạc vẫn nguyên vẹn, ngăn nắp. Bộ bàn ghế mây. Lọ hoa, ấm tách. Một cuốn sách đọc giở... Giường chiếu. Gối chăn, Gương lược... Ngoài chái, quần áo chăng trên dây phơi cái đã gần khô, cái vẫn ướt nguyên... Trong dãy sạp kho chạy dài bên kia sân, thóc, gạo, ngô, sắn ăm ắp. Và mùi măng sấy, mùi mộc nhĩ, nấm hương, mùi mật ong nữa vấn vít vào nhau, ngầy ngậy. Dưới bếp, mâm cơm bày trên chõng như vừa được bưng ra, còn đậy lồng bàn. (...) Tro bếp còn ấm...” [tr. 38] Một ngôi nhà xinh xắn và ấm cúng biết bao nhiêu. Ngôi nhà ấy như biểu tượng của

mái ấm gia đình, nó đối chọi lại với cảnh chiến trường khốc liệt. Điều trớ trêu là căn nhà ấy đã mất đi chủ nhân – ba cô gái trẻ trung đã bị bọn thám báo tàn bạo giết chết. Và giờ đây, trong căn nhà chỉ còn những lời thoại bị ngát quãng bởi tiếng nấc lên “kì quặc, rền rĩ, van vỉ, cầu khẩn vô nghĩa bằng cái giọng thều thào nghẹt thở”. Rõ ràng, tình yêu và mái ấm gia đình đâu có thể song hành cùng chiến tranh.

Có thể nói rằng, qua không gian hội thoại, nhà văn đã phơi bày ra bộ mặt khủng khiếp, bạo tàn, bộ mặt gớm ghiếc đầy ám ảnh của chiến tranh. Vì chiến tranh mà con người phải sống và giao tiếp với nhau ở những nơi chỉ mới nghe tên thôi cũng đã đủ rợn người. Đó là truông Gọi Hồn, đồi Xáo Thịt, hồ Cá Sấu, đèo Thăng Thiên... Ở những nơi ấy, người ta chỉ thấy máu chảy đầu rơi, thấy ngập ngụa những xác chết... Trong không gian ấy, vang lên tiếng kêu khóc, tiếng rên la và cả những “lời ca khốc liệt làm ớn lạnh những đêm trường” : “Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn...”

[tr. 17] Bằng sự sắp đặt không gian hội thoại trong chiến trận đầy khốc liệt, bạo tàn cho nhân vật của mình, Bảo Ninh đã dựng lại những thước phim chân thực, sống động nhất về chiến tranh. Trên những thước phim ấy, đạo

diễn đã cắt đi những cảnh “đường ra trận mùa này đẹp lắm” để nhường chỗ

cho chiến trường “đầy rẫy tử thi”“ngập ngụa máu”, với những cảnh quay khiến độc giả phải sửng sốt, bàng hoàng, khiếp sợ. Và bằng những thước phim ấy, Bảo Ninh đã phản ánh một hiện thực rằng “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế gới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.

Một phần của tài liệu hội thoại trong tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh (Trang 69 - 73)