Kỹ thuật trồng rau trên giá thể

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kĩ thuật trồng rau cải xanh trái vụ bằng khay bầu tại Thái Nguyên (Trang 55 - 59)

1.5.1.1. Kỹ thuật gieo ươm cây rau giống trên khay bầu nhỏ :

- Chuẩn bị khay, giá thể và gieo hạt : Chọn loại khay nhỏ làm bằng nhựa hoặc bằng xốp để gieo ươm giống rau. Giá thể được chế biến bằng cách trộn đều 1/3 phân chuồng đã ủ hoại mục + 1/3 đất thịt nhẹ + 1/3 các chất như trấu, mùn cưa, xơ dừa, xỉ than rồi cho vào các lỗ của khay bầu, nén nhẹ cho chặt rồi gieo vào mỗi lỗ một hạt giống.

- Chăm sóc cây rau giống : Xếp các khay thành hàng, thành luống rồi hàng ngày tưới nước đủ ẩm cho hạt mọc và phát triển trong khoảng 10 đến 15 ngày là có thể đem trồng được. trong thới gian này, không cần bón phân thêm vì lượng phân bón lót trong lỗ khay đã đủ cho cây sinh trưởng, phát triển bình thường.

1.5.1.2. Kỹ thuật trồng chuyển sang khay bầu to :

- Chuẩn bị giá thể : Giá thể bao gồm 1/3 phân chuồng + 1/3 đất cát, đất thịt nhẹ + 1/3 các chất như trấu, mùn cưa, xơ dừa, xỉ than. Trộn đều hỗn

hợp và đóng vào các khay bầu to có kích thức lỗ to hơn để chuyển bầu cho cây rau giống.

- Trồng cây: Dùng ngón tay ấn nẹ vào đáy bầu trên khay nhỏ để lấy ra bầu cây nguyên vẹn không bị vỡ bầu, đứt rễ rồi đem trồng vào khay bầu lớn. Bằng cách này, có thể rút ngắn được thời gian chăm sóc từ 5 đến 7 ngày do không mất thời gian cây bén rễ như phương pháp gieo hạt, nhổ cây và trồng lại.

- Chăm sóc: Dùng phân vi sinh để bón cho cây, sử dụng các hệ thống lưới xoay hoặc tưới bằng bình bơm để giữ ẩm cho cây. Nếu có sâu bệnh nên dùng các chế phẩm sinh học và phi hóa học để phòng trừ. Nếu có sử dụng nhà lưới thì hầu như không cần dùng đến các loại thuốc hóa học. Trường hợp có nhiều rệp và bọ nhảy gây hại trên lá thì có thể dùng các bẩy dính màu để thu hút và tiêu diệt chúng rất có hiệu quả.

1.5.1.3.Sâu hại và cách phòng trừ:

Một số sâu hại chính trên cải như: a, Sâu tơ (Plutella xylostella)

Đây là một trong những loại sâu hại rau học thập tự được nhiều nhà khoa học ở các quốc gia trên thế giới quan tâm nghiên cứu, do tính chất gây hại đối với sản xuất và tính kháng thuốc của nó nên rất nhiều nhà khoa học đi sâu nghiên cứu.

Đặc điểm gây hại: Sâu non tuổi 1-2 đục thành lỗ nhỏ và ăn phần nhu mô lá để lại phần biểu bì. Từ cuối tuổi hai trở đi sâu ăn dưới mặt lá tạo thành các đốm trắng mờ. Khi bị nặng cây rau xơ xác, còi cọc, gió mạnh làm rách màng lá tạo thành lỗ thủng [2].

Đặc điểm sinh học, sinh thái: Sâu non có 4 tuổi, cứ mỗi tuổi là một lần lột xác. Giai đọan sâu non kéo dài từ 8-10 ngày, nhộng 7 ngày, các lứa sâu tơ nở gối nhau liên tiếp trong suốt vụ sau. Ngưỡng nhiệt độ phát dục của sâu tơ tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của sâu, nhìn chung vào khoảng từ 6,7-9,80c. Ở nhiệt độ từ 300c, một ngài cái đẻ từ 23,8-107,3 trứng. Độ ẩm không khí trong phạm vi 30-98% không ảnh hưởng đến tốc độ phát dục các giai đoạn của sâu tơ [2].

b, Sâu xanh bướm trắng (Piesis rapae)

Sâu xanh bướm trắng thuộc họ Pieridae, bộ cánh vẩy Lepidoptera cũng gây hại mạnh đến hầu hết các nước trên thế giới, có phạm vi ký chủ rộng hơn sâu tơ gồm 9 họ và 35 loài thực vật khác nhau nhưng chúng phá hoại nặng trên rau họ thập tự trong đó chủ yếu trên rau cải, cải bắp [2].

Đặc điểm gây hại: Bướm hoạt động về đêm, đẻ trứng rải rác từng quả trên lá rau, một bướm cái đẻ khoảng 150 trứng, trứng nở thành sâu non, sau khi nở sâu non gặm chất xanh lá chừa lại màng và gân lá. Từ tuổi hai trở đi, sâu cắn thủng lá, làm khuyết lá và rau bị xơ xác ảnh hưởng đến diện tích quang hợp của cây. Khi ruộng rau mới trồng sâu thường chui vào phần ngọn cây để phá hại làm các lá lớn bị cong queo, thủng lỗ chỗ.

Đặc điểm hình thái: Bướm dài 15-20mm, cánh trước có màu trắng xoè rộng 40-50mm, đầu cánh có vết đen hình tam giác và có hai chấm đen nhỏ, cánh sau màu trắng, ở góc cánh màu xám tro, trứng hình vỏ phích, có nhiều khía dọc. Sâu non màu xanh lục, trên thân có nhiều chấm đen, dài 28-35mm. Nhộng dài 18-20mm dính một đầu trên lá sau, hai bên sườn có những chấm đen thưa, giữa lưng nổi hẳn lên một đường như hình xương sống, ngực cao tạo thành góc nổi hẳn lên hai bên thành bụng tạo thành nếp gờ [2].

Đặc điểm sinh học, sinh thái: Thời gian trứng kéo dài từ 2-4 ngày, sâu non từ 10-15 ngày, trưởng thành từ 4-6 ngày và thời gian tiền đẻ trứng từ 2-3 ngày. Vòng đời của sâu biến động từ 19-30 ngày tuỳ theo điều kiện nhiệt độ [2]. Sâu non có 5 tuổi và thời gian từ tuổi 1 đến tuổi 3 sức ăn của sâu ít nên gây hại nhẹ cho cây, nhưng ở tuổi 4 và tuổi 5 sâu phá hoại mạnh ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng phát triển của rau. Các kết quả nghiên cứu về sâu xanh bướm trắng của tác giả Lê Văn Trịnh năm 1998 cho biết, mỗi năm có 15 lứa sâu phát sinh với khoảng cách giữa 2 lứa là 20-60 ngày. Trên đồng ruộng rau xuất hiện mật độ sâu xanh bướm trắng cao từ tháng 1 đến tháng 5 [32].

c. Sâu khoang

Sâu khoang thuộc họ ngài đệm Noctuidae, bộ cánh vẩy Lepidoptera. Đây là loài ăn tạp có thể sống gây hại trên 290 loại cây thuộc 90 họ thực vật khác nhau. Chúng thường gây hại nặng trên cây thầu dầu, điền thanh, thuốc lá, bông, đậu tương, lạc, rau muống, khoai tây, khoai sọ và các loại rau họ thập tự [2].

Đặc điểm gây hại: Sâu khoang tuổi nhỏ thường sống tập trung và gây hại cho cây bằng cách gặm nhấm phần biểu bì và thịt lá ở mặt dưới lá. Khi sâu lớn từ cuối tuổi 2 trở đi sâu phân tán, chúng có thể ăn khuyết lá, thậm chí chỉ còn lại gân lá hoặc ăn trụi cả lá, chúng có thể cắn trụi cả nụ và hoa, đục vào quả.

Đặc điểm hình thái: Trứng có hình bán cầu, đường kính 0,4-0,5 mm, màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng tro, khi sắp nở có màu tro tối. Trứng xếp thành ổ có lông màu nâu vàng phủ ngoài. Sâu non hình ống tròn, đẫy sức dài 38-51 mm, màu nâu đen hoặc màu nâu tối. Vạch lưng và vạch phụ lưng màu vàng. Nhộng dài 18-21 mm, màu nâu tười hoặc nâu đậm. Tại

mép trước của đốt bụng thứ 4 và quanh mép trước của đốt thứ năm đến đốt thứ bẩy có nhiều chấm lõm, cuối bụng có một đôi gai ngắn. Trưởng thành thân dài 16-21mm, sải cánh từ 37-42 mm, cánh trước mầu nâu vàng tối, cánh sau màu trắng óng ánh phản quang màu tím [2].

Đặc điểm sinh học, sinh thái: Sâu thường vũ hoá vào buổi chiều, hoạt động mạnh từ chiều tối đến nửa đêm. Trưởng thành thích mùi vị chua ngọt và ánh sáng có bước sóng ngắn. Thời gian trứng từ 2-5 ngày, sâu non có sáu tuổi và thời gian sống từ 12-37, tiền nhộng 1-4 ngày, nhộng từ 4-14 ngày, trưởng thành từ 5-8 ngày. Vòng đờn của sâu từ 20-64 ngày. Thời gian gây hại nặng cho rau từ tháng 8 cho đến tháng 10. Nhiệt độ không khí thấp dưới 250C, mưa xuân ẩm ướt hoặc mưa lớn làm hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu khoang trên đồng ruộng [2].

*Cách phòng trừ sâu hại:

Trong quá trình trồng rau bằng giá thể trong nhà lưới nếu có xuất hiện sâu hại thì sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ. Đảm bảo đúng liều lượng hướng dẫn và thời gian cách ly (thời gian cách ly an toàn trước thu hoạch là 3 ngày).

1.5.1.4. Thu hoạch :

Sau khi chuyển sang trồng ở khay bầu to thì khoảng 15 đến 20 ngày là có thể thu hoạch được.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kĩ thuật trồng rau cải xanh trái vụ bằng khay bầu tại Thái Nguyên (Trang 55 - 59)