Hiện nay nhu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng cao đặc biệt với sản phẩm rau xanh. Phát triển sản xuất rau sạch là định hướng chính trong sản xuất nông nghiệp, đã và đang được đẩy mạnh ở nước ta. Có hai loại
Thứ nhất là, mô hình rau sạch trên diện tích hẹp với đầu tư cao, chủ yếu là đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật. Ðó là trồng rau sạch trong nhà kính, nhà lưới, trồng rau sạch thủy canh... Ưu điểm của mô hình này là có thể trồng rau sạch trái vụ, cho năng suất cao, tránh được những bất lợi do thời tiết (mưa, gió lớn) phù hợp chủ yếu với rau ăn lá và rau cao cấp phục vụ một số yêu cầu khắt khe, cao cấp của người tiêu dùng. Khiếm khuyết lớn nhất của mô hình này là quy mô thường nhỏ do vậy số người tham gia sản xuất ít sản lượng rau sạch nhỏ, không đáp ứng được đông đảo cộng đồng người tiêu dùng, tác động bảo vệ môi trường hạn chế, giá thành cao, hơn nữa đầu tư khá cao (cho 1 ha nhà lưới từ 250 đến 300 triệu đồng, cho nhà kính hàng tỷ đồng) nên khó mở rộng.
Do vậy mô hình này chỉ nên phát triển có chọn lọc trước hết là làm rau sạch hữu cơ rau trái vụ, rau giống, rau cao cấp cho những nhu cầu đã được đặt. Mô hình này cũng không phù hợp khí hậu, thời tiết nước ta, sự không thành công của mô hình nhà lưới ở một số thành phố, tỉnh thời gian qua cũng cho thấy điều đó.
Thứ hai là, mô hình phát triển rau sạch đại trà ngoài đồng trên diện rộng, đầu tư không cao chủ yếu là đầu tư kỹ thuật, huấn luyện nông dân, nhược điểm chủ yếu là không trồng được rau trái vụ, hay bị tác động bất lợi của thời tiết nhưng ưu điểm lớn là nhiều nông dân biết cách và tham gia trồng rau sạch, diện tích và sản lượng lớn nên đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng tiêu dùng, khai thác được các ưu thế của thời tiết nhiệt đới, giá thành thấp (thường gần bằng giá rau thông thường hoặc tăng không quá 10%) tác động tích cực nhanh và rộng đến nông nghiệp, môi trường và cộng đồng xã hội, dễ mở rộng quy mô sản xuất.
Ðây được gọi là mô hình "sản xuất rau sạch cộng đồng" đã được nghiên cứu ứng dụng và khởi xướng, từ tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2000 -
2003, từ đó lan ra khá nhiều địa phương (Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Khánh Hòa...) và tỏ ra thích hợp, có hiệu quả. Trong điều kiện sản xuất, tiêu dùng khả năng đầu tư, trình độ nông dân của chúng ta hiện nay, cần tập trung nhanh chóng phát triển mô hình "rau sạch cộng đồng". Mô hình phát triển rau sạch cộng đồng "RSCÐ" có một số đặc điểm đó là:
Ba tính chất cộng đồng: cộng đồng về sản xuất, cộng đồng về tiêu dùng, cộng đồng về lợi ích. Năm đặc điểm của RSCÐ: sản xuất rau sạch (RS) đại trà ngoài đồng trên diện tích lớn; đầu tư kỹ thuật là chủ yếu; bảo đảm lợi ích cả của người trồng rau lẫn người tiêu dùng rau và xã hội; phương thức chuyên gia kỹ thuật phải đơn giản dễ tiếp thụ, dễ áp dụng; quản lý chất lượng ở khâu sản xuất là chủ yếu. Năm nội dung kỹ thuật chủ yếu của RSCÐ: Áp dụng các biện pháp canh tác truyền thống và thâm canh phù hợp yêu cầu RSCÐ; áp dụng công nghệ IPM rau; ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM và các chế phẩm sinh học BVTV thay thế dần hóa chất nông nghiệp; sử dụng nông dược hợp lý và an toàn; thực hiện "5 điều cấm trong sản xuất rau sạch" (cấm sử dụng phân tưới, nước giải tưới; cấm sử dụng nước bẩn, cấm bón quá 200 kg N/ha; cấm dùng thuốc BVTV độc hại cao; cấm sử dụng hóa chất nông nghiệp trong vòng 10 ngày trước thu hoạch). Bốn nội dung quản lý chủ yếu trong sản xuất RSCÐ: Quy hoạch vùng sản xuất RSCÐ, mỗi xã trong vùng có một cán bộ kỹ thuật rau sạch, cứ 10 ha RS có một kỹ thuật viên RS; tăng cường việc quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV và vật tư nông nghiệp trong vùng; xây dựng một cơ chế quản lý giám sát chất lượng sản xuất RS; gắn kết các đơn vị sản xuất RS với các đơn vị kinh doanh, tiêu thụ RS cũng như cơ quan quản lý nhà nước và chỉ đạo sản xuất.
Phát triển rau sạch là định hướng đúng trong sản xuất nông nghiệp, cần được đẩy mạnh ở nước ta. Vấn đề là lựa chọn mô hình nào vừa bảo đảm lợi ích lâu dài của người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường và xã hội.