Kết quả thể hiện ở hình 3.16 đã cho ta thấy, tôm đã chết sớm và nhanh ở nghiệm thức (NT) tiêm dịch lọc virus và nghiệm thức cho tôm thí nghiệm ăn xác tôm bệnh trong 48h. Ở các nghiệm thức tiêm dịch dưới lọc, hiện tượng chết đã bắt đầu xảy ra ở ngày thứ 2 sau cảm nhiễm và chết 100% vào ngày 4 (ở NT tiêm 0,1 ml/tôm) và ngày thứ 5 (ở NT tiêm 0,02 ml/tôm). Với thí nghiệm cho ăn xác tôm bệnh, tôm thí nghiệm đã bắt đầu chết muộn hơn so với 2 NT tiêm dịch lọc, tôm bắt đầu chết vào ngày thứ 4 và chết 100% vào ngày thứ 8 kể từ khi cảm nhiễm.
Ở các NT tiêm hỗn hợp dịch dưới lọc 0,2 µm kết hợp với lần lượt 3 loài vi khuẩn, tôm cũng có hiện tượng chết sớm và nhanh, đã bắt đầu chết vào ngày thứ 2 và cũng chết 100% vào các ngày thứ 5 (với NT cảm nhiễm hỗn hợp dịch dưới lọc với V. vulnificus và NT cảm nhiễm dịch dưới lọc vớiStaphylococcus sp1), và ngàythứ 7 sau cảm nhiễm (với NT cảm nhiễm dịch dưới lọc với V. alginolyticus).
Ở nghiệm thức tiêm các huyền dịch của từng loại vi khuẩn (Staphylococcus sp1, V. alginolyticus và V. vulnificus), tôm thí nghiệm cũng xảy ra hiện tượng chết ở các ngày thứ 2-4 sau khi tiêm với tỷ lệ thấp và tỷ lệ chết tích lũy của các lô này sau 14 ngày thí nghiệm lần lượt là 25%, 35% và 40%.
Ở 2 NT đối chứng 1 và 2, tôm thí nghiệm chỉ bị chết 1-2 con trong những ngày đầu sau khi tiêm tiêm PBS (đối chứng 1) và tiêm nước muối sinh lý (đối chứng 2), tỷ lệ chết của 2 NT này trong thời gian 14 ngày thí nghiệm là không đáng kể, lần lượt là: 5% và 10%.
Từ tỷ lệ chết tích lũy của tôm thí nghiệm sau 14 ngày cảm nhiễm, khả năng gây chết tôm sớm và nhanh của huyền dịch dưới lọc (0,2 µm) được làm từ tôm chân trắng bị hội chứng chết đỏ trong PBS đã được xác định. Các NT tiêm dịch lọc này hay hỗn hợp của dịch lọc với vi khuẩn đều có tỷ lệ chết cao, đạt 100% từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8 tùy theo liều lượng tiêm và loại vi khuẩn phối trộn, trong khi đó ở 2 NT đối chứng, tỷ lệ chết của tôm rất thấp (5-10%). Cũng từ thí nghiệm này, chúng tôi nhận thấy các loài vi khuẩn V. vulnificus, V. alginolyticus và Staphylococcus sp1 với liều tiêm là 0,02 ml/con ở huyền dịch có mật độ vi khuẩn là 103cfu/ml đã gây chết thấp ở tôm thí nghiệm với tỷ lệ lần lượt là 40%, 35% và 25%. Tuy nhiên, khi kết hợp các loài vi khuẩn V. vulnificus, Staphylococcus sp1 với dịch dưới lọc 0,2 µm đã làm tôm chết
với tỷ lệ cao và nhanh tương đương với liều tiêm dịch lọc ở liều cao (0,1 ml/con tôm), mặc dù trong hỗn hợp giữa dịch lọc và vi khuẩn, liều của dịch lọc đã giảm đi gấp 10 lần. Kết quả này cho thấy, virus có trong dịch dưới lọc chính là nguyên nhân gây chết tôm trong thí nghiệm này và vi khuẩn không phải là tác nhân chính, nhưng khi chúng bội nhiễm vào tôm đã làm cho tính dữ dội của bệnh tăng lên.