Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô dưới vỏ (IHHN-

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác nhân gây hội chứng chết đỏ trên tôm chân trắng (litopenaeus vannamei boon, 1931) nuôi thương phẩm tại khánh hòa (Trang 26 - 28)

hypodermal and hematopoeitic)

Bệnh được thông báo đầu tiên bởi Lightner trên loài tôm xanh Thái Bình Dương (P. stylirostris) nuôi siêu thâm canh trong hệ thống mương nổi ở Hawaii vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20 và gây tổn thất khoảng 0,5-1 tỷ USD trong năm 1981 [44]. Khi bệnh này mới xuất hiện ở các vùng nuôi tôm ở châu Mỹ, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng bệnh có nguồn gốc từ tôm sú đông lạnh được nhập khẩu từ châu Á [43]. Đến nay, IHHNV đã được biết đến như là tác nhân gây bệnh phổ biến trên nhiều loài tôm biển và được nuôi ở các khu vực khác nhau trên thế giới, xuất hiện phổ biến ở các vùng nuôi tôm chủ yếu trên thế giới: châu Á và Nam Mỹ. Virus này đã được thông báo có thể cảm nhiễm tự nhiên ở các loài tôm như: P. stylirostris, L. vannamei, P. monodon, P. semisulcatus, P. japonicus, P. californiensis. Một số loài tôm he khác cũng đã bị cảm nhiễm virus này trong điều kiện thí nghiệm: P. setiferus, P. duorarum, P. aztecus, tuy nhiên cũng đã có thông báo về khả năng kháng với IHHNV của tôm he Ấn độ (P. indicus) và tôm thẻ ( P. merguiensis) [3, 43, 52].

IHHNV là một parvovirus có kích thước rất nhỏ, đường kính trung bình 20- 22nm, có vật chất di truyền là ssDNA [3, 7, 42, 52]. Cho tới thời điểm này có ít nhất 4 chủng IHHNV đã phân lập được từ tôm nuôi bị bệnh ở các khu vực địa lý khác nhau, bao gồm: chủng 1 có nguồn gốc ở châu Mỹ, chủng 2 từ Đông Nam Á, chủng 3A từ Đông Phi, Ấn Độ và Australia và chủng 3B từ phía tây Ấn Độ-Thái Bình Dương (Madagasca, Mauritius và Tanzania). Lúc đầu, chủng 1 và 2 có thể cảm nhiễm trên các loài tôm he quan trọng như P. monodonL. vannamei, nhưng một thời gian sau đó lại phát hiện thấy 2 chủng này không còn cảm nhiễm trên những loài tôm này nữa. Chủng IHHNV 3A và 3B, khi giải trình tự genome của chúng đã phát hiện thấy 2 chủng này có “quan hệ họ hàng” và 2 chủng virus này cũng đã được tìm thấy cảm

nhiễm trên tôm sú (P. monodon) nuôi tại Đông Phi, Australia và khu vực đông Ấn Độ- Thái Bình Dương [25, 42, 52].

Tác hại của IHHNV gây ra cho tôm phụ thuộc vào giống loài tôm, giai đoạn phát triển cũng như độc lực của các chủng IHHNV. Bệnh IHHN được biết gây tác hại lớn nhất trên tôm xanh Thái Bình Dương-P. stylirostris, ở giai đoạn ấu niên (> PL 30) và thường xảy ra ở dạng cấp tính với biểu hiện bệnh lý rõ ràng và gây tỷ lệ chết cao (> 90%). Tuy nhiên, bệnh này lại không xảy ra ở giai đoạn ấu trùng và nhỏ hơn post larvae (PL) 30. IHHN thường thể hiện ở dạng mãn tính khi tôm ở giai đoạn trưởng thành nhưng không thể bệnh lý rõ ràng và không gây chết, tuy nhiên chúng có thể lây truyền virus cho các đàn ấu trùng nếu những con tôm này được tham gia sinh sản [25, 42, 44, 52].

IHHNV cảm nhiễm trên tôm chân trắng (L. vannamei) thườngở dạng mãn tính, không gây chết, nên IHHN còn được gọi bằng tên khác là hội chứng còi cọc dị hình (Runt-Deformity Syndrome-RDS). Các biểu hiện của tôm chân trắng bị bệnh IHHN: tôm kém ăn, còi cọc, chậm lớn, cong vẹo chủy đầu, râu nhăn nhúm, vỏ kitin xù xì thô ráp, phân đàn cao (CV=30-50%) [3, 7, 25, 42, 44, 52, 85].

Singhapan & ctv (2004), đã thông báo về ảnh hưởng của IHHNV đối với tôm chân trắng nuôi trong ao đất. Sau 120 ngày nuôi bằng thức ăn tổng hợp, tôm ở ao nuôi đã (+) với IHHNV cho năng suất thấp hơn 4 lần, tỷ lệ sống thấp hơn 1,7 lần và FCR cao hơn 1,3 lần so với ao nuôi có đàn tôm (-) với IHHNV [71].

Dấu hiệu mô bệnh học đặc trưng của IHNN là sự tồn tại của các thể vùi dạng Cowdry type-A bắt mầu hồng của Eosin, nằm trong nhân của tế bào đã bị phình, tạo ra một vùng sáng. Có thể tìm thấy thể vùi này ở các cơ quan có nguồn gốc từ lá phôi ngoài (mang, biểu mô dưới vỏ, các tế bào biểu mô ruột trước và ruột sau, hạch và dây thần kinh), các cơ quan có nguồn gốc từ lá phôi giữa (cơ quan tạo máu, tuyến anten, tuyến sinh dục, cơ quan lympho và các sợi cơ). Thể vùi dạng này dễ nhầm lẫn với thể vùi ở giai đoạn sớm của tôm bị cảm nhiễm WSSV. Tuy nhiên, thể vùi của WSSV sẽ nhanh chóng phì đại chiếm hết thể tích của nhân và chuyển sang mầu tím khi nhuộm H & E. IHHN và RDS ở dạng mãn tính rất khó chẩn đoán bằng phương pháp mô bệnh học truyền thống, do đó nên sử dụng các phương pháp khác như: PCR, dot-blot hoặc lai DNA (insitu hybridization-ISH) để có thể có kết quả chẩn đoán chính xác nhất [3, 7, 42, 52, 85].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác nhân gây hội chứng chết đỏ trên tôm chân trắng (litopenaeus vannamei boon, 1931) nuôi thương phẩm tại khánh hòa (Trang 26 - 28)