Bệnh đục cơ do IMNV (Infectious myonecrosis virus) ở tôm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác nhân gây hội chứng chết đỏ trên tôm chân trắng (litopenaeus vannamei boon, 1931) nuôi thương phẩm tại khánh hòa (Trang 25 - 26)

IMNV được phát hiện lần đầu tiên gây bệnh trên tôm he chân trắng L. vannamei

nuôi ở Brazil năm 2003 [44]. Virus cảm nhiễm và gây ra các vết hoại tử trắng đục ở vùng cơ vân ở phần bụng của tôm bệnh. Khi tôm bị bệnh do IMNV, tỷ lệ chết có thể lên tới 40-60%, do đó đã gây thiệt hại đáng kể cho tôm chân trắng nuôi ở Brazil và ước tính thiệt hại này khoảng 20 triệu USD vào năm 2003 [74]. Đến giữa năm 2006, bệnh do IMNV bắt đầu bùng phát ở tôm chân trắng nuôi ở một số vùng nuôi tôm và một số đảo thuộc Indonesia như: đảo Java, đảo Sumatra [67]. Đến cuối 2006, đầu 2007, IMNV cũng được thông báo đã gây bệnh ở tôm chân trắng nuôi tại đảo Hải Nam-Trung Quốc và Thái Lan[OIE (2007), 87].

IMNV là virus thuộc giống Totivirus, họ Totiviridae, có vật chất di truyền là dsRNA, vi thể có hình cầu nhiều mặt, không có lớp vỏ bao, đường kính khoảng 40 nm [53, 62].

Cho đến năm 2007, mọi phát hiện đều cho rằng ký chủ chính bị cảm nhiễm tự nhiên của IMNV là loài tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) [12, 40], đây là loài tôm có sản lượng chiếm tới 65% sản lượng tôm nuôi toàn thế giới [22]. Trong cảm nhiễm nhân tạo, loài tôm chân trắng (L. vannamei) đã nhanh chóng bộc lộ các dấu hiệu đặc thù của bệnh đục cơ ở ngày thứ 6 sau cảm nhiễm và gây ra tỷ lệ chết 20%. Trong khi đó, kỹ thuật lai DNA (in situ hybridization-ISH) đã cho thấy tôm sú (P. monodon) và tôm xanh (L. stylirostris) đều dương tính với IMNV sau cảm nhiễm, nhưng bệnh lý đã không bộc lộ ở tôm sú và chỉ bộc lộ ở tôm xanh vào ngày thứ 13 sau cảm nhiễm. Kết thúc thí nghiệm cả 2 loài tôm này đều không bị chết [74]. Giai đoạn ấu niên và gần trưởng thành ở tôm chân trắng đã được thông báo là nhạy cảm với IMNV. Sự bùng phát của bệnh do IMNV thường có liên quan tới một số vấn đề như: trong vùng có nuôi tôm chân trắng, sự biến đổi đột ngột của các yếu tố môi trường (nhiệt độ và độ mặn) được xem như là các nhân tố ảnh hưởng đến sự bùng phát bệnh [40, 53, 62].

Bệnh do IMNV có thể phát ra ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh ở dạng cấp tính thể hiện một số dấu hiệu đặc thù của bệnh kèm theo tỷ lệ chết khá cao, từ 40-70%, nhưng khi chuyển sang dạng mãn tính thì tỷ lệ chết thấp. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: sự xuất hiện các vùng hoại tử màu trắng đục ở cơ của phần bụng, đặc biệt nơi nối tiếp giữa các đốt hoặc ở gần quạt đuôi. Telson của tôm bệnh có thể bị hoại tử hoặc

chuyển màu đỏ. Cơ quan lympho (LO) thường có hiện tượng phì đại, to gấp 3-4 lần so với bình thường [53, 75].

Để xác định sự cảm nhiễm của IMNV ở tôm biển cần kết hợp các phương pháp đơn giản và hiện đại như: dựa vào các dấu hiệu bệnh đặc thù, phương pháp mô bệnh học, kỹ thuật RT-PCR (reverse trancription-polymerase chain reaction) và kỹ thuật lai DNA [53, 61, 74].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác nhân gây hội chứng chết đỏ trên tôm chân trắng (litopenaeus vannamei boon, 1931) nuôi thương phẩm tại khánh hòa (Trang 25 - 26)