Bệnh đầu vàng dovirus (Yellow Head Virus Disease-YHVD)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác nhân gây hội chứng chết đỏ trên tôm chân trắng (litopenaeus vannamei boon, 1931) nuôi thương phẩm tại khánh hòa (Trang 29 - 30)

Bệnh do virus đầu vàng (YHV) lần đầu tiên được ghi nhận xảy ra trên tôm sú P. monodon nuôi ở miền Trung Thái Lan vào năm 1990 (Limsuwan, 1991) và nó được xem là một trong những tác nhân gây bệnh nguy hiểm chỉ sau WSSV ở Thái Lan [25, 44]. Chỉ trong vài năm xuất hiện, YHV đã lan rộng sang một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Việc nhập khẩu tôm sống và đông lạnh từ Thái Lan vào Mỹ đã mở rộng sự phân bố WSSV, YHV vào khu vực châu Mỹ, điển hình năm 1995 WSSV, YHV đã làm giảm đáng kể sản lượng tôm P. setiferus nuôi ở Texax [25, 44, 68].

Nghiên cứu của Nadala & ctv (1997), đã cho rằng YHV gây bệnh ở tôm he là Rhabdovirus thuộc họ Rhabdoviridae, có nucleic acid là ssRNA, vi thể có dạng hình que, kích thước khoảng 44±6 x 173±13 nm, sao chép trong nguyên sinh chất của tế bào vật chủ [50]. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Walker & ctv (2001), lại cho rằng YHV thuộc họ Coronaviridae [81]. Theo OIE (2009), ICTV (International Committee on Taxonomy of Viruses) đã phân loại virus này thuộc họ Roniviridae, giống Okavirus [56].

Đây là một virus nguy hiểm được xem là nguyên nhân làm giảm sản lượng tôm nuôi ở Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ,… Ở Việt Nam, đã xuất hiện những đàn tôm sú nuôi thâm canh chết với dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhưng chưa có những nghiên cứu cụ thể [7].

YHV có thể gây bệnh trên hầu hết các loài tôm he, tuy nhiên ở ngoài tự nhiên YHV chỉ được ghi nhận là tác nhân gây ra các trận dịch ở tôm sú (P. monodon ) và tôm chân trắng (L. vannamei), nhưng một số loài tôm khác cũng được thông báo là đã bị cảm nhiễm YHV trong điều kiện tự nhiên như: Penaeus japonicus, P. merguiensis,

P. stylirostris, P. setiferus, Metapenaeus ensis, Palaemon styliferus và Euphasia superba. Ngoài ra, từ các cảm nhiễm nhân tạo người ta đã phát hiện ra các loài tôm P. esculentus, P. sztecus, P. duorarum, Macrobrachium sintangense và Acetes sp cũng mẫn cảm với virus này[7, 25, 42, 56].

Để chẩn đoán bệnh YHV ở tôm, có nhiều phương pháp khác nhau đã được sử dụng. Các dấu hiệu chính của bệnh là một trong những công cụ đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác chẩn đoán. Ngoài ra, một số test chẩn đoán nhanh như kiểm tra các tế bào máu, các tiêu bản nhuộm mang tôm bệnh cũng được sử dụng để chẩn đoán sơ bộ. Phương pháp mô bệnh học và kỹ thuật RT-PCR đã được dùng để chẩn đoán bệnh đầu vàng ở tôm tại nhiều phòng thí nghiệm [3, 25, 42, 56].

Một số cơ quan đích của YHV ở tôm đã được xác định: mang, gan tụy, các tế bào máu, cơ quan Lympho (LO). Các biến đổi mô bệnh học ở tôm chân trắng khi bộc phát bệnh đầu vàng do cảm nhiễm YHV đã được xác định: các thể vùi (inclusion bodies) nhỏ tồn tại trong nguyên sinh chất của tế bào cơ quan đích, bắt mầu tím (khi nhuộm với H & E), nhân tế bào có thể bị phân tán hoặc thoái hóa [3, 7, 25, 42, 56, 65].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác nhân gây hội chứng chết đỏ trên tôm chân trắng (litopenaeus vannamei boon, 1931) nuôi thương phẩm tại khánh hòa (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)