Chính sách tín dụng ngắn hạn
Chính sách tín dụng ngắn hạn là định hướng cơ bản cho hoạt động tín dụng ngắn hạn của ngân hàng. Thông thường chính sách tín dụng ngắn hạn có các khoản mục sau: các loại cho vay được thực hiện, giới hạn tín dụng, kỳ hạn cho vay, hướng giải quyết tín dụng vượt giới hạn, thanh toán nợ…đặc biệt là các chính sách liên quan đến nợ quá hạn ngắn hạn như: cách xử lý nợ quá hạn ngắn hạn, chính sách về xoá nợ và lập quỹ dự phòng rủi ro. Một ngân hàng có một chính sách tín dụng ngắn hạn đúng đắn là một ngân hàng lường trước được mọi rủi ro có thể gặp phải của một khoản vay để từ đó đề ra những biện pháp xử lý thích hợp nhằm đảm bảo an toàn nợ vay và nâng cao chất lượng các khoản cho vay của mình. Bất cứ một ngân hàng nào muốn có tín dụng ngắn hạn tốt đều phải có một chính sách tín dụng ngắn hạn rõ ràng phù hợp với ngân hàng của mình.
Chất lượng công tác thẩm định
Thẩm định là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ thuật tính toán phức tạp. Do công việc này là cơ sở để quyết định có cấp tín dụng hay không cho nên chất lượng của công tác này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng hoạt động tín dụng. Nếu chất lượng của công tác thẩm định không cao tức là nhân viên tín dụng không xác định thực chất dự án có hiệu quả hay không thì những khoản tín dụng mà ngân hàng đã cấp sẽ gặp những rắc rối trong việc thu hồi các món nợ của mình. Chính vì
vậy công tác thẩm định đòi hỏi các chuyên viên thẩm định có trình độ cao và sự kết hợp một cách có hiệu quả giữa các phòng ban trong ngân hàng
Công tác tổ chức hoạt động tín dụng của ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô của ngân hàng, chính sách tín dụng của ngân hàng, quy mô và loại hình tín dụng, quy trình tín dụng tại ngân hàng đó. Trong quy trình hoạt động tín dụng, các cán bộ tín dụng sẽ tiếp xúc trực tiếp với người vay, nhận đơn xin vay, phỏng vấn khách hàng, thu nhập thông tin về khách hàng và dự án trước khi có quyết định chính thức trình cán bộ cấp cao hơn. Những thông tin về khách hàng và dự án sau khi được các phòng ban chức năng của ngân hàng xem xét nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ quyết định cụ thể giải ngân và thu nợ sau này. Trong quá trình này nếu các khâu được thực hiện tốt nó sẽ giúp cho ngân hàng lựa chọn được các dự án tốt để cấp tín dụng, cũng như tạo uy tín trong lòng khách hàng.
Như vậy, công tác tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng có thể hỗ trợ đắc lực cho nhân viên tín dụng thực hiện công việc của mình và nó có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại.
Chất lượng đội ngũ nhân sự
Để đảm bảo chất lượng tín dụng được nâng cao thì đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người là yếu tố trung tâm và là yếu tố quyết định, vì suy cho cùng quyết định cung cấp tín dụng của ngân hàng là những quyết định mang tính chất chủ quan. Một ngân hàng với một đội ngũ lãnh đạo tốt sẽ đưa ra được những chính sách hợp lý và phương thức phát triển phù hợp với khuynh hướng phát triển của nền kinh tế. Một đội ngũ cán bộ tín dụng giỏi sẽ giúp chất lượng công tác thẩm định được tăng cường, từ đó ngân hàng có được những khoản cho vay với chất lượng cao nhất. Với sự phát triển ngày càng tăng của nền kinh tế, đội ngũ cán bộ tín dụng phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn để có thể đánh giá đúng đắn một khoản vay đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng.
b. Các nhân tố thuộc về khách hàng
Năng lực, kinh nghiệm quản lý kinh doanh của doanh nghiệp:
Trong sản xuất kinh doanh phải có mọi phương án và tính đến mọi yếu tố có liên quan như vật liệu được cung cấp từ đâu, điều kiện giao thông vận tải có thuận
lợi không, cơ sở hạ tầng như thế nào, hàng làm ra có tiêu thụ và cạnh tranh được không ... Những điều đó nếu người kinh doanh không hiểu biết sẽ dẫn tới làm ăn thua lỗ. Như vậy khi năng lực quản lý kinh doanh bị hạn chế thì các phương án sản xuất kinh doanh là không phù hợp với thực tế do đó khả năng trả nợ của doanh nghiệp kém ảnh hưởng xấu tới chất lượng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng,
Đạo đức của người vay:
Các ngân hàng sẽ quyết định cho vay sau khi đã phân tích cẩn thận yếu tố liên quan đến tính chân thật của người vay trong việc trả nợ. Tuy nhiên tính chân thật và khả năng chi trả của người vay có thể thay đổi sau khi món cho vay đã được thực hiện. Rủi ro đạo đức xảy ra khi khách hàng sử dụng món vay vào mục đích khác nhiều rủi ro hơn. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.