Môi trường vĩ mô

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn tại chi nhánh vietcombank nha trang (Trang 51 - 55)

2.2.1.2.Môi trường kinh tế

Hoạt động tín dụng của NHTM nói chung và VCB Nha Trang nói riêng có quan hệ mật thiết với nền kinh tế. Từng giai đoạn và biến cố kinh tế đều có tác động đến ngân hàng. Sau đây là những nhân tố kinh tế chính đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ngắn hạn của VCB Nha Trang trong 3 năm gần đây

Lạm phát

Lạm phát cao sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng. Khi lạm phát cao, lãi suất của người gửi tiền bị âm, do đó dòng tiền nhàn rỗi sẽ bị hút vào các kênh có tỷ suất sinh lợi cao như chứng khoán, vàng, bất động sản. Điều này ảnh hưởng xấu đến hoạt động huy động của các ngân hàng. Ngân hàng buộc phải tăng lãi suất đầu vào lên. Khi lãi suất đầu vào tăng nếu không muốn lợi nhuận bị sụt giảm bắt buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất đầu ra. Điển

hình như tháng 3/2008, khi lạm phát Việt Nam lên đến 2 con số, để đáp ứng nhu cầu huy động vốn, VCB Nha Trang phải tăng lãi suất ngắn hạn đầu vào lên 17 – 17,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn cũng vì thế cũng dội lên tới 18 - 19%/năm. Lãi suất cho vay tăng khiến cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay. Mà khi đã tiếp cận được cũng không biết có hình thức đầu tư nào để sinh lợi đủ để trả lãi và gốc cho ngân hàng. Vô hình trung, lãi suất cho vay cao lại đẩy người đi vay vào thế buộc phải làm liều. Không đem tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà đầu tư vào các kênh sinh lời khác quay vòng vốn nhanh hơn. Chính vì những nguyên nhân trên khiến chất lượng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng trong năm sụt giảm mạnh.

Như vậy, lạm phát cao không chỉ là giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tín dụng của ngân hàng .

Khủng hoảng tài chính Mỹ và suy thoái kinh tế

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ bắt nguồn từ việc các Ngân hàng, tập đoàn tài chính chuyên cho vay đầu tư bất động sản như: Fannie Mae và Freddie Mac, Lehman Brothers, Meryll Lynch… quá dễ dãi, tùy tiện khi cho khách hàng vay tiền để mua bất động sản qua các hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn dẫn đến rủi ro liên quan tới mảng cho vay đầu tư bất động sản dưới chuẩn tại Mỹ, đã thổi bùng khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn tới suy thoái kinh tế, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm dẫn đến hạn chế chi tiêu của người dân ở các thị trường phát triển. Điều này làm cho các doanh nghiệp xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động bảo lãnh tài trợ xuất khẩu của VCB Nha Trang bị sụt giảm nghiêm trọng, các khoản cho vay ngắn hạn doanh nghiệp xuất khẩu không thấy lối ra. Suy thoái kinh tế cũng làm tiêu dùng trong nước giảm mạnh. Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất để giảm bớt chi phí, một số doanh nghiệp không thể chống chọi với cơn suy thoái thì lâm vào phá sản. Những nguyên nhân này không chỉ làm giảm dư nợ cho vay ngắn hạn mà còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng ngắn hạn tại VCB Nha Trang.

2.2.1.2.Môi trường pháp luật

Các chính sách của Chính Phủ và Ngân Hàng Nhà Nước

Trong 3 năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế, Chính Phủ và NHNN phải liên tục đề ra các chính sách để điều tiết vĩ mô nền để đảm bảo cho nền kinh tế nước ta phát triển ổn định.

Những chính sách này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng tại VCB Nha Trang.

Năm 2008

Đầu năm 2008, tỷ lệ lạm phát trong nước tăng cao gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Ngày 17/04/2008, Chính Phủ đã ban hành nghị quyết 10/2008/NQ-CP nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên mà Chính phủ yêu cầu NHNN là thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

Thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, ngày 16/01/2008, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký Quyết Định 187 yêu cầu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% đối với tất cả các loại tiền gửi. Cụ thể là: đối với tiền VNĐ không kỳ hạn dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng từ 10% lên 11%, đối với tiền gửi bắt buộc có kỳ hạn trên 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng từ 4% lên 5%.

Tiếp theo đó, NHNN đã liên tục nâng lãi suất cơ bản bằng VNĐ từ 8,25% đầu tháng 1/2008 lên 14% và giữ nguyên mức này đến hết ngày 21/10/2008 ( Đồ thị 2.1).

Đồ thị 2.4: Diễn biến các loại lãi suất của Việt Nam năm 2008

Đến ngày 17/03/2008, có 41 tổ chức tín dụng phải mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN bắt buộc. Trong đó, 3 NHTM Nhà Nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV phải mua 3.000 tỷ đồng.

Tất cả những động thái trên khiến thị trường tiền tệ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 luôn trong trạng thái căng thẳng. Các NHTM tranh nhau tăng lãi suất huy động để hút tiền vào (lãi suất huy động 6 tháng đầu năm 2008 của khối NHTM có lúc tăng tới 19%) điều này khiến cho lãi suất cho vay phi mã theo (lãi suất cho vay của khối NHTM có lúc chạm trần 21%/năm của NHNN). VCB Nha Trang cũng không nằm ngoài những tác động đó. Thêm vào đó, hệ thống Vietcombank phải thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Chính Phủ và NHNN. Do đó, dư nợ năm 2008 của hệ thống Vietcombank nói chung và VCB Nha Trang nói riêng bị giảm sút đáng kể. Cộng thêm tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hoá, điều này làm tỷ lệ nợ quá hạn ngắn hạn của VCB Nha Trang tăng lên nhanh chóng. Tỷ lệ nợ quá hạn tăng, dư nợ giảm, đây là lý do khiến chất lượng tín dụng ngắn hạn của chi nhánh sụt giảm thê thảm trong năm 2008.

Năm 2009

Từ cuối năm 2008, NHNN bắt đầu thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng để giảm bớt sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ. Với các Quyết định số 2559, 2809, 2948 và 3161 được NHNN ban hành lần lượt vào 05/11, 21/11, 05/12 và 22/12/2008, mức lãi suất cơ bản VNĐ được giảm từ 13%/năm xuống 8,5%/năm, lãi suất cho vay tối đa của với tổ chức tín dụng đối với khách hàng giảm từ 19,5% xuống còn 18%/năm.

Đầu năm 2009, để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, Chính Phủ và NHNN đã chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng với các gói kích cầu cho ngắn hạn và trung – dài hạn. Trong đó, gói kích cầu thứ nhất trị giá 17.000 tỷ đồng được dành để hỗ trợ 4% lãi suất vay NHTM cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động (QĐ 131/QĐ – Ttg, QĐ 333/QĐ – Ttg, và thông tư hướng dẫn 02/2009 , 04/2009/ TT – BNN ).

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và dân cư trong xã hội tiếp cận được với vốn vay của hệ thống ngân hàng theo tinh thần của các gói giải pháp kích cầu

cũng như tạo điều kiện cho các NHTM hoạt động ổn định và hiệu quả, NHNN đã hạ thấp lãi suất cơ bản từ 8,5% xuống 7%, hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% xuống 5%. Chính điều này đã cởi trói tăng trưởng tín dụng cho các NHTM, trong đó có chi nhánh VCB Nha Trang. Các doanh nghiệp và dân cư được hỗ trợ lãi suất từ nhà nước cũng mạnh dạn hơn trong việc cho vay. Dư nợ tín dụng tăng, tỷ lệ nợ quá hạn tuy chưa được cải thiện đáng kể nhưng cũng phần nào giúp cho chất lượng tín dụng ngắn hạn được tốt hơn .

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn tại chi nhánh vietcombank nha trang (Trang 51 - 55)