Phụ nữ với vấn đề bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu tài liệu tham khảo bài giảng lớp bồi DƯỠNG NGUỒN CHỦ TỊCH hội LIÊN HIỆP PHỤ nữ cơ sở năm 2022 (Trang 64 - 66)

D. CÂU HỎI ÔN TẬP

3. Phụ nữ với vấn đề bảo vệ môi trường

3.1. Một số vấn đề cơ bản về môi trường

Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo, quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên (Điều 1. Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam).

Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm các tiêu chuẩn môi trường (Điều 6 khoản 2 luật Môi trường VN)

Chức năng cơ bản của môi trường: Môi trường là không gian sống cho con người và thế giới sinh vật, nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người, nơi tiếp nhận các chất phế thải do con người tạo ra trong quá trình sống.

Nguồn gây ô nhiễm môi trường do con người gồm có hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động sinh hoạt hàng ngày thải ra không khí, nước và đất bởi các dạng khí thải, nước thải và chất thải rắn chứa hóa chất hoặc tác nhân vật lý, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ.

Các loại ô nhiễm môi trường: có 3 loại chính, đó là ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí.

- Ô nhiễm đất chủ yếu do việc sử dụng nông dược (thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…) và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp; chất thải

sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (hóa chất trong nước thải, chất thải rắn…). Ô nhiễm đất không những gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản mà còn thông qua lương thực, rau quả… ảnh hưởng gián tiếp tới sức khỏe con người và động vật.

- Ô nhiễm nước do hóa chất, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh theo nguồn nước thải trực tiếp ra các kênh rạch, sông ngòi mà không qua hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn; do nước thải, rác thải sinh hoạt, y tế; hoặc do ô nhiễm không khí khiến nước mưa bị ô nhiễm gây ô nhiễm nguồn nước.

- Ô nhiễm không khí do việc sử dụng nhiên liệu (than, dầu, khí đốt…) trong các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động giao thông vận tải…; do muội than, bụi, hóa chất bay hơi…

Những tiêu chuẩn môi trường cơ bản bao gồm: Tiêu chuẩn nước (nước mặt nội địa, nước ngầm, nước biển và ven biển, nước thải…); Tiêu chuẩn không khí (khói bụi, khí thải - các chất thải…); Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ đất canh tác, sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp; Tiêu chuẩn bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ; Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ các nguồn gen, động thực vật, đa dạng sinh học; Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hoá; Tiêu chuẩn liên quan đến môi trường do các hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng đất, ngoài biển…( Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng môi trường do cục Đo lường tiêu chuẩn, bộ Tài nguyên môi trường ban hành)

3.2. Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường

Phụ nữ là người sử dụng, tiếp cận và giải quyết hàng ngày vấn đề rác thải, nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh gia đình, thôn bản, chăm sóc cây xanh...

Lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành thương mại và dịch vụ. Họ có thể góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng những loại sản phẩm và bao gói sản phẩm thân thiện hơn với môi trường – ví dụ thay thế việc dùng túi ni lông thông thường khó phân hủy bằng các loại bao gói khác dễ phân hủy như túi

giấy, túi bằng chất liệu nhựa dễ phân hủy; giữ gìn vệ sinh môi trường nơi diễn ra các hoạt động thương mại, dịch vụ; tuyên truyền tới khách hàng các thông điệp bảo vệ môi trường, tạo ý thức bảo vệ môi trường trong chính bản thân họ và khách hàng của họ.

Phụ nữ tham gia nhiều vào hoạt động sản xuất bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp… và họ có khả năng đóng góp công sức phù hợp để góp phần bảo vệ môi trường.

Phụ nữ có thể góp phần bảo vệ môi trường bằng cách nâng cao nhận thức, ý thức của bản thân và vận động người xung quanh giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua việc áp dụng quan điểm sản xuất sạch hơn.

Việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ về bảo vệ môi trường; khuyến khích phụ nữ tham gia quản lý, khai thác hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo cân bằng sinh thái, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường; vận động, hướng dẫn phụ nữ xây dựng, phát triển mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch", "Tiêu dùng sạch"; tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu, đề án và hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Hội LHPN Việt Nam.

Một phần của tài liệu tài liệu tham khảo bài giảng lớp bồi DƯỠNG NGUỒN CHỦ TỊCH hội LIÊN HIỆP PHỤ nữ cơ sở năm 2022 (Trang 64 - 66)