đình:
Trên thực tế, hộ gia đình tham gia rất nhiều quan hệ pháp luật và nhiều dạng giao dịch dân sự khác nhau, trong đó, quyền sử dụng đất của hộ gia đình và các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình là vấn đề phức tạp lớn nhất, nảy sinh nhiều tranh chấp nhất trong thực tiễn tham gia quan hệ pháp luật dân sự của hộ gia đình. Những vấn đề này xuất phát từ quy định không rõ ràng của pháp luật hiện hành, cụ thể là:
- Thứ nhất, về việc xác định thành viên hộ gia đình:
Bộ luật dân sự2005 không quy định về tiêu chí xác định thành viên của Hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự, chưa quy định rõ căn cứ vào giấy tờ gì để xác định chính xác thành viên của Hộ gia đình, đặc biệt là thành viên trong quan hệ sử dụng đất của Hộ gia đình. Trên thực tế, việc xác định thành viên của Hộ gia đình trong từng quan hệ pháp luật cụ thể thường do Ủy ban nhân dân cấp xã/phường, cơ quan công an, Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đấtthực hiện.Bên cạnh đó, sự biến động về thành viên trong Hộ gia đình cũng chưa được BLDS dự liệu. Trên thực tế, gia đình không phải là một chủ thể bất biến mà luôn chứa đựng những yếu tố biến động của sinh, ly, tử, biệt, tách, nhập…, tuy nhiên, do quy định của BLDS không rõ ràng nên khó xác định thành viên của hộ trong trạng thái biến động đó.
Việc xác định thành viên của Hộ gia đình rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định ai có quyền với tài sản chung của hộ. Trong nhiều vụ việc, Tòa án rất lúng túng trong việc xác định thành viên của hộ vì không rõ tiêu chí xác định là theo hộ khẩu hay theo quan hệ hôn nhân, hay theo quan hệ huyết thống. Bên cạnh đó, ở mỗi thời điểm khác nhau như thời điểm hình thành tài sản, thời điểm được cấp giấy chứng nhận, thời điểm tòa án thụ lý vụ án, thành viên của hộ cũng có những biến động làm ảnh hưởng đến việc xác
định thành viên của hộ. Bản thân các Tòa án cũng chưa có cách thức xác định thành viên của hộ gia đình phù hợp.
Mới đây, Luật đất đai 2013 đã đưa ra khái niệm về hộ gia đình sử dụng đất, theo đó hộ gia đình sử dụng đất phải đáp ứng hai điều kiện: Một là, những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng; Hai là, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. So với BLDS 2005, quy định tại Luật đất đai 2013 đã đưa ra giới hạn xác định các thành viên của hộ gia đình sử dụng đất. Theo quy định này thì những người không phải là thành viên của hộ gia đình tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất thì không phải là đồng chủ sử dụng đất.
Trước đây, theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT ngày 21/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để biết thông tin xác định các thành viên hộ gia đình, người có yêu cầu có thể đề nghị Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp thông tin về các thành viên trong hộ gia đình được Nhà nước giao đất. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đều có thể xác định được. Mặt khác, theo pháp luật đất đai hiện hành, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình cũng chỉ ghi tên chủ hộ mà không ghi tên các thành viên của hộ, do đó, trên thực tế việc xác định thành viên của hộ gia đình mà cụ thể là hộ gia đình sử dụng đất vẫn rất khó khăn.
- Thứ hai, về việc xác định đại diện hộ gia đình:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 BLDS 2005 thì chủ hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự có thể là một trong các thành viên của Hộ gia đình (người cha, người mẹ hoặc thành viên đã thành niên) và có thể làm đại diện cho hộ trong giao dịch dân sự. Như vậy, chủ hộ của hộ gia đình trong
BLDS khác với chủ hộ trong sổ hộ khẩu được quy định tại Luật Cư trú. Chủ hộ của Hộ gia đình có thể đồng thời hoặc không đồng thời là chủ hộ trong sổ hộ khẩu và vì thế, chủ hộ trong sổ hộ khẩu không thể đương nhiên dùng tư cách chủ hộ của Hộ gia đình để thực hiện các giao dịch dân sự cho cả hộ (trừ trường hợp được cả hộ ủy quyền). Nhiều ý kiến cho rằng, Khoản 1 Điều 107 BLDS 2005 chưa đưa ra tiêu chí để xác định thành viên nào là chủ hộ của Hộ gia đình dẫn đến khó khăn khi xác định một thành viên của Hộ gia đình xác lập giao dịch dân sự với tư cách cá nhân hay tư cách chủ Hộ gia đình, từ đó, khó xác định trách nhiệm, nghĩa vụ phát sinh sẽ thuộc về cá nhân hay cả Hộ gia đình.
- Thứ ba, về việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình:
Khoản 2 Điều 109 BLDS 2005 quy định: “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của Hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”. Theo tác giả, có một số điểm bất cập liên quan đến Khoản 2 Điều 109 như sau:
Một là, xác định thế nào là “tài sản chung có giá trị lớn” của Hộ gia
đình bởi đối với Hộ gia đình này, quyền sử dụng đất ở có diện tích 30 m2 là một tài sản lớn, nhưng đối với Hộ gia đình khác, quyền sử dụng đất ở có diện tích diện tích 100 m2 mới là tài sản lớn.
Hai là, đối với các “tài sản chung có giá trị lớn”, việc đồng ý của tất cả
các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên ở đây không được định rõ là đồng ý bằng hình thức nào, phải thể hiện bằng văn bản, hay chỉ cần đồng ý bằng lời nói.
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2005 quy định khá mơ hồ, tuy nhiên đến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai về việc định đoạt quyền sử dụng đất của hộ gia đình sử dụng đất thì người áp dụng luật lại càng hoang mang hơn bởi quy định tại các văn bản này này hoàn toàn khác so với Bộ luật dân sự.
Điều 146 về “Hợp đồng về quyền sử dụng đất” tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai 2003 quy định: Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự. Như vậy, theo quy định này thì giao dịch của Hộ gia đình chỉ đòi hỏi các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên, trong khi Bộ luật Dân sự 2005 thì yêu cầu các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên. Điều khó hiểu là ở chỗ, mặc dù Nghị định này sau đó đã được sửa đổi, bổ sung tới sáu lần, nhưng vẫn giữ nguyên về điều kiện tham gia của thành viên Hộ gia đình đủ 18 tuổi rõ ràng mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự.
Hiện nay, tại điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 lại quy định: Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên. Trên thực tế các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình hiện nay đều không ghi đầy đủ thành viên của hộ gia đình mà chỉ ghi chung chung là “hộ gia đình ông Nguyễn Văn A” hoặc “hộ gia đình bà Nguyễn Thị B”. Nếu theo quy định này thì hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình chỉ cần ông Nguyễn Văn A hoặc bà Nguyễn Thị B ký tên. Vậy những hợp đồng này liệu có hiệu lực pháp lý hay không vì nó hoàn toàn trái với quy định của Bộ luật Dân sự 2005.