Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế cần khắc phục

Một phần của tài liệu năng lực cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu chủ lực việt nam sau 2 năm gia nhập wto thực trạng và giải pháp (Trang 69 - 72)

3. Đánh giá chung về năng lực cạnh tranh một số hàng nông sản xuất khẩu chủ lực hiện nay

3.4. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế cần khắc phục

Thứ nhất là, tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất nhập khẩu nông sản trên thế giới có sự thay đổi giữa hai nhóm nước: các nước đang phát triển và các nước phát triển. Trong những năm cuối thế ký XX, đầu thế kỷ XXI, sản lượng nông sản ở hầu hết các nước phát triển đều có xu hướng giảm, các nước đang phát triển trở thành những nước sản xuất nông sản chủ yếu, trong đó có Việt Nam. Song, tình hình này không làm cho các nước đang phát triển trở thành những nước có vị trí chủ yếu trong tổng giá trị xuất nhập khẩu. Vị trí này thuộc về các nước phát triển. Nguyên nhân chính của tình hình này là hiện tượng cánh kéo giá cả giữa hàng nông sản xuất khẩu dạng thô, sơ chế với hàng nông sản xuất khẩu đã qua chế biến sâu, chế biến tinh ngày càng doãng ra. Chính điều này làm cho xuất khẩu nông sản của các

nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam mặc dù tăng đáng kể về mặt khối lượng nhưng về giá trị nông sản xuất khẩu lại tăng không nhiều, gây bất lợi và thua thiệt cho các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam do có nguồn xuất khẩu chủ yếu là nông sản thô, chưa chế biến.

Thứ hai là, khả năng dự báo, nhận biết các chính sách thay đổi trên thị trường quốc tế của các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách còn hạn chế. Do mới gia nhập WTO được 2 năm nên khả năng thích ứng với bối cảnh mới của thị trường thế giới và chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi, tận dụng triệt để lợi ích từ các Hiệp định thương mại đã ký kết giữa Việt Nam và các đối tác để khai thác tiềm năng xuất khẩu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… của các doanh nghiệp còn yếu, dẫn đến xuất khẩu một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn.

Thứ ba là, khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm ngay mọi trợ cấp xuất khẩu sau khi gia nhập WTO, trong khi đó thì các nước phát triển có lộ trình cắt giảm trợ cấp đến năm 2013 còn các nước đang phát triển thì có lộ trình cắt giảm trợ cấp đến năm 2018. Vì vậy, chúng ta sẽ gập khó khăn hơn các thành viên khác trong WTO để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản. Ngoài ra, mặc dù theo xu hướng chung là tự do hóa thương mại, nhưng các hàng nông sản ở các nước phát triển vẫn được bảo hộ rất nặng nề bởi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều rào cản thương mại tinh vi hơn như chống bán phá giá, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…Nhiều nước vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường mức trợ cấp xuất khẩu nhằm ngăn cản hoặc bóp méo thương mại nông sản quốc tế. Điều này càng gây khó khăn cho những nước mà năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu vẫn chưa cao như Việt Nam.

Thứ tư là, công nghệ sau thu hoạch và chế biến hàng nông sản đang ở trong tình trạng lạc hậu so với các nước trong khu vực. Mặc dù trong những năm qua, chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ sau thu hoạch đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho lĩnh vực bảo quản, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản. Tuy nhiên, sự đầu tư và hỗ trợ còn mang tính rời rạc, thiếu hệ thống và không đồng bộ. Một số doanh nghiệp mặc dù đã rất tích cực đổi mới công nghệ, song do nguồn vốn hạn hẹp, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ và thiết bị lạc hậu, chắp và, thiếu đồng bộ, khâu tổ chức sản xuất yếu kém, bộ máy quản lý cồng kềnh, là sự lệch pha và bất cập so với quá trình hội nhập và phát triển hiện nay.

Thứ năm là, do đầu tư không tuân theo quy hoạch tổng thể, đồng bộ nên việc phát triển công nghệ chế biến nông sản đã không gắn chặt với quy hoạch của Nhà nước. Một số vùng trồng nguyên liệu cà phê, chè được đầu tư không đồng bộ của nhiều yếu tố sản xuất như điện, tưới tiêu, nước, thu mua, chế biến, vốn tín dụng, thị trường… dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh khai thác và phát huy lợi thế so sánh của từng vùng. Một số nơi sản xuất tập trung chuyên canh lúa do trình độ sản xuất, thâm canh trong từng vùng khác nhau nên sản phẩm được sản xuất ra có chất lượng không đồng đều. Một số nơi do không có quy hoạch cụ thể nên nông dân thường đầu tư ở quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, phân tán với kỹ thuật canh tác lạc hậu, tự phát nên chi phí sản xuất cao và chất lượng sản phẩm thấp.

Do việc sản xuất là manh mún, tự phát nên hiện tượng chặt-trồng thường hay xảy ra (chặt khi giá cả của một loại nông sản xuống thấp và trồng khi giá tăng). Ngay trong năm 2008 vừa qua, hiện tượng trồng-chặt, đào-lấp liên tục xảy ra. Do những tháng đầu năm, giá nông sản tăng cao,

những người nông dân trồng lúa, cà phê, cao su, tiêu… thấy giá nông sản quá tốt như vậy, đã sẵn sàng phá vỡ quy hoạch, lao vào sản xuất. Đến những tháng cuối năm do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế, các nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU giảm lượng nhập khẩu khiến cho các giá nông sản sụt giảm. Người nông dân phải chịu thiệt đơn thiệt kép vì một phần là hàng không bán được, một phần là khi bắt tay vào sản xuất thì giá của các yếu tố đầu vào lại cao.

Một phần của tài liệu năng lực cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu chủ lực việt nam sau 2 năm gia nhập wto thực trạng và giải pháp (Trang 69 - 72)