2.1. Thực trạng pháp luật về việc làm và giải quyết việc làm
2.2.1. Về việc làm
Quảng Bình hiện có lực lượng lao động tương đối dồi dào, năm 2015, lao động trong độ tuổi của tỉnh Quảng Bình là 530.064 người, chiếm 60,72% tổng dân số (dân số là 872.925 người). Số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 521.208 người chiếm 98,33% lao động trong độ tuổi lao động. Trong đó lực lượng lao động nữ là 264.858 người (49,97%); lực lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm 80,61%; khu vực thành thị, chiếm 19,39%. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm hơn 40% trong tổng số lao động tham gia hoạt động trong các ngành kinh tế, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề là 22%. Thể lực và tầm vóc con người đã được cải thiện dần nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước [32, tr.17].
Dân số trung bình của tỉnh năm 2005 là 830.266 người; năm 2010 là 848.616 người và đến năm 2015 có 872.925 người, tốc độ tăng dân số có xu hướng tăng từ 0,44%/năm giai đoạn 2005-2010 lên 0,57%/năm giai đoạn 2010-2015. Năm 2015, dân cư vẫn sống ở nông thôn là chủ yếu với hơn 80% dân số, là một trong những tỉnh có tỷ lệ dân số nông thôn cao, dân số đô thị thấp của cả nước (Phụ lục 1).
Về cơ cấu dân cư, Quảng Bình hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Trong đó độ tuổi từ 0-14 tuổi là 380.930 người; từ 15-59 là 435.552 người và trên 60 tuổi là 32.789 người. Tuy nhiên cơ cấu theo nhóm tuổi ở vùng nông thôn và thành thị có sự khác biệt đáng kể, ở độ tuổi từ 15-24 tỷ lệ này ở nông thôn là 11-12%; ở thành thị từ 3-8%; trong khi đó độ tuổi từ 25-34 tỷ lệ này ở nông thôn 11-12%, trong khi đó ở thành thị là 14-15%; điều này cho thấy ở lứa tuổi này việc di cư từ nông thôn ra thành thị để kiếm việc làm
là khá lớn, sau tuổi 35 nếu không có công việc ổn định được ở thành thị họ lại trở về nông thôn ổn định cuộc sống; vì vậy tỷ lệ độ tuổi từ 35-54 có xu hướng giảm ổn định ở thành thị, tăng ở nông thôn; độ tuổi từ 55 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp ở cả thành thị và nông thôn (Phụ lục 2).
Nhìn chung lực lượng lao động tỉnh Quảng Bình là khá trẻ; tỷ lệ lao động thuộc nhóm tuổi trẻ có tỷ lệ khá cao. Lao động ở nhóm tuổi 15-24 chiếm tỷ lệ 21,57%; nhóm tuổi 25-34 (25,06%); tiếp đến là nhóm tuổi (35-45) là 23,2%. Trong thời gian tới tỷ lệ sinh tự nhiên tiếp tục giảm, lực lượng lao động ở nhóm tuổi trẻ (15-24 và 25-34) sẽ có xu hướng giảm và tỷ lệ lực lượng lao động ở các nhóm tuổi cao (45-54 và 55 tuổi trở lên) có xu hướng tăng.
Trình độ học vấn của nguồn nhân lực: Trình độ học vấn của người lao động ngày càng cao: Nhóm lao động có trình độ văn hoá THCS và THPT liên tục tăng qua các năm; năm 2015 là 63,5%, tăng 10,5% so với năm 2005 và tăng 5,5% so với năm 2010 [32]. Tuy nhiên, so với bình quân chung của cả nước thì trình độ học vấn của lao động Quảng Bình vẫn còn thấp; đây là một trong những khó khăn của tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng lao động, cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, hiện Quảng Bình vẫn đang là một tỉnh nghèo, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các nguồn thu không ổn định, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng lao động còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động có tay nghề cao còn nhiều hạn chế… từ những vấn đề đó, để giải quyết việc làm cho lao động Quảng Bình là bài toán khó mà tỉnh Quảng Bình phải đối mặt. Chính vì thế, trong thời gian qua tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm, tranh thủ sự hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương để tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như: Đào tào nghề cho lao động
nông thôn; giải quyết lao động cho phụ nữ; đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài…