Tổ chức lao động Quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật việc làm và giải quyết việc làm từ thực tiễn tỉnh Quảng Bình (Trang 29 - 31)

1.3. Pháp luật việc làm và giải quyết việc làm theo quan điểm

1.3.1. Tổ chức lao động Quốc tế

Vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cũng được Tổ chức lao động Quốc tế (International Labour Ognization) - ILO xem như một tôn chỉ để thực hiện các hoạt động của mình. Trong Điều lệ của ILO năm 1919 đã đề ra cương lĩnh: Chống nạn thất nghiệp, bảo đảm tiền công đủ sống”. Năm 1969, ILO đưa ra “Chương trình việc làm thế giới” với mục tiêu là tạo việc làm có hiệu quả cao cho một số lượng lớn người dân, đồng thời ILO còn tiến hành các hoạt động hỗ trợ các quốc gia thành viên của ILO trong việc soạn thảo, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia nhằm đạt mục tiêu này. Năm 1976, ILO tổ chức hội nghị việc làm thế giới, tại hội nghị này đã thông qua tuyên bố về các nguyên tắc và chương trình hành động nhằm loại trừ nghèo khổ, phát triển việc làm đầy đủ, có hiệu quả, thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của người lao động. ILO đã ban hành nhiều công ước quan trọng về vấn đề việc làm và chống thất nghiệp như: Công ước số 88 (1948) về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước số 122 (1964) về chính sách việc làm; Công ước số 159 (1983) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người lao động có khuyết tật; Công ước số 168 (1988) về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống lại thất nghiệp; Công ước số 111 (1958) về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp;... Theo tinh thần công ước 122, chính sách việc làm phải đảm bảo ba yếu tố sau:

- Có việc làm cho tất cả những người sẵn sàng làm việc và đang tìm kiếm việc làm;

- Sẽ có sự tự do lựa chọn việc làm và cơ may rộng lớn cho người lao động để đạt trình độ tay nghề và sử dụng được trình độ tay nghề và năng khiếu của mình trong một công việc thích hợp.

- Việc làm đó ngày càng có năng suất tốt;

Như vậy, theo Công ước 122, giải quyết việc làm phải hướng tới các cấp độ có hiệu quả khác nhau. Việc làm đầy đủ, việc làm có hiệu quả và người lao động được tự do lựa chọn việc phù hợp với khả năng của mình.

Theo ILO thì: Người có việc làm là những người làm một việc gì đó được trả tiền công, lợi nhuận hoặc được thanh toán bằng hiện vật, hoặc những người tham gia vào các hoạt động mang tính chất tự tạo việc làm vì lợi ích hay vì thu nhập gia đình không được nhận tiền công hoặc hiện vật; người thất nghiệp là những người không có việc làm nhưng đang tích cực tìm việc làm hoặc đang chờ được làm việc trở lại.

Bên cạnh đó, theo tinh thần Tuyên ngôn về quyền con người 1948 của Liên hợp quốc cũng ghi nhận: Mọi người đều có quyền làm việc, tự do chọn nghề, được có những điều kiện làm việc thuận lợi và chính đáng và được bảo vệ chống lại thất nghiệp. Khi ban hành Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966, Liên hợp quốc cũng có nội dung quy định về việc làm với tinh thần: Các quốc gia thành viên của Công ước này thừa nhận quyền làm việc trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp thuận và các quốc gia sẽ thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này.

Việt Nam là thành viên của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) vì vậy Việt Nam đã có những động thái tích cực trong việc luật hóa các quy định của ILO vào pháp luật Việt Nam phù hợp với đặc điểm văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính phủ đã xây dựng các Bộ luật quan trọng như Bộ Luật Lao động, Dân sự, Hình sự… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Các chính sách và các Bộ Luật luôn được Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời cũng là để tương thích với các tiêu chuẩn lao động qui định trong các Công ước của ILO mà Việt Nam là thành viên.

Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn các công ước của ILO bao gồm: Các công ước số 87 và 98 về tự do lập hội và thỏa ước lao động tập thể; Các công ước số 29 và 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc; các công ước số 100 và 111 về xóa bỏ việc làm và nghề nghiệp; các công ước số 138 và 182 về xóa bỏ lao động trẻ em [24, tr.118].

Hoạt động của ILO tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể đặc biệt từ giữa những năm 1990 trở lại đây. Các hỗ trợ của ILO tập trung giúp Chính phủ hoạch định chiến lược và chính sách về lao động, việc làm nhằm giúp cải thiện điều kiện sống và điều kiện làm việc của người lao động. Trong thời gian tới ILO sẽ tập trung hỗ trợ cho công tác ngăn chặn và xoá bỏ tình trạng lao động trẻ em, tăng cường bình đẳng nam nữ, phát triển các doanh nghiệp, bảo trợ xã hội, an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp, thúc đẩy các mối quan hệ lao động và đối thoại xã hội. Nhìn chúng, các hoạt động hợp tác đều gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ và phù hợp với bốn mục tiêu chiến lược về chương trình việc làm của ILO.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật việc làm và giải quyết việc làm từ thực tiễn tỉnh Quảng Bình (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)