Thành lập Uỷ ban bảo vệ hiến pháp để giúp Quốc hội xem xét, quyết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hiến và vai trò của bảo hiến trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 101 - 105)

3.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế bảo hiến trong điều kiện xây

3.2.2. Thành lập Uỷ ban bảo vệ hiến pháp để giúp Quốc hội xem xét, quyết

quyết định về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật

Một trong những dấu hiệu cơ bản của Nhà nước pháp quyền là hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có nội dung dân chủ, tiến bộ, phù hợp với thực

tiễn khách quan và sự phát triển, được xây dựng trên cơ sở kỹ thuật pháp lý cao. Để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần khẳng định ý nghĩa cũng như phát huy hiệu quả của việc xem xét về tính hợp hiến của các đạo luật trước khi ban hành, coi đây là một giai đoạn bắt buộc trong quy trình lập pháp. Hiện nay, nhiệm vụ này đang được giao cho Bộ tư pháp (thông qua giai đoạn thẩm định dự án luật) và Uỷ ban pháp luật của Quốc hội (thông qua giai đoạn thẩm tra dự án luật) tiến hành. Tuy nhiên, do mỗi cơ quan này cùng lúc phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ khác nhau nên trong thời gian vừa qua, vấn đề bảo đảm tính hợp hiến của các dự án luật - một trong những nội dung thẩm định, thẩm tra – chưa được quan tâm thoả đáng. Hiệu quả của hoạt động này cũng không cao. Do vậy, trong thời gian tới, để bảo đảm tính hợp hiến của các dự án luật trước khi được Quốc hội thông qua, chúng tôi cho rằng cần thiết phải thành lập một cơ quan trong Quốc hội chuyên trách về vấn đề này. Cơ quan này có thể là một ủy ban về bảo vệ hiến pháp. Theo đó, tất cả các dự án luật trước khi ban hành đều phải chuyển đến ủy ban bảo vệ hiến pháp xem xét. Khi được uỷ ban này xác định về tính hợp hiến và không mâu thuẫn với các quy định trong các văn bản khác thì văn bản đó mới được ban hành và thực hiện.

Về việc thành lập Uỷ ban bảo vệ Hiến pháp trong cơ cấu của Quốc hội, có thể phác thảo một số nội dung cơ bản đó là:

Thứ nhất, về tổ chức: Uỷ ban bảo vệ hiến pháp có thể được thành lập

trên cơ sở tách Uỷ ban pháp luật hiện nay. Theo đó, nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến của các dự án luật, pháp lệnh và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện nay do Uỷ ban pháp luật của Quốc hội thực hiện sẽ được chuyển giao cho Uỷ ban bảo vệ hiến pháp. Uỷ ban bảo vệ Hiến pháp phải bao gồm các thẩm phán hoặc các chuyên gia là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần kiên quyết bảo vệ lẽ phải, công lý đã được ghi nhận

trong Hiến pháp, có trình độ cử nhân luật và có kinh nghiệm làm công tác xét xử tại Toà án. Phần lớn các đại biểu này phải hoạt động chuyên trách.

Thứ hai, về chức năng, nhiệm vụ: Uỷ ban bảo vệ Hiến pháp của Quốc

hội có nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các đạo luật, pháp lệnh Uỷ ban này thực hiện hoạt động giám sát bên trong, giám sát trước, giám sát sau trừu tượng. Hoạt động của Uỷ ban này mang tính chất tham vấn nhưng phải trở thành một bước trong quy trình lập pháp.

- Về thẩm quyền giám sát trước:

Trước tiên, Uỷ ban bảo vệ Hiến pháp có thể kiểm tra tính hợp hiến của một văn bản pháp luật thông qua việc thực hiện chức năng bảo đảm tính hợp hiến của các dự án luật, pháp lệnh… (chức năng này hiện nay do Uỷ ban pháp luật đảm nhận). Theo đó, tất cả các dự án luật, pháp lệnh… trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua đều phải được kiểm tra về tính hợp hiến tại Uỷ ban bảo vệ hiến pháp. Đây phải được coi là một bước bắt buộc trong quy trình lập pháp và phải được quy định rõ trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Về thẩm quyền giám sát sau:

Đối với hoạt động giám sát sau, Uỷ ban bảo vệ hiến pháp chỉ thực hiện thẩm quyền giám sát trừu tượng. Hoạt động kiểm tra sau của Uỷ ban này không mang tính chất là hoạt động xét xử mà chủ yếu mang tính chất tham vấn cho Quốc hội để Quốc hội thực hiện thẩm quyền huỷ bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không hợp hiến.

Hiện nay, pháp luật mới chỉ có quy định về thẩm quyền huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp mà chưa có quy định cụ thể về quy trình tuyên bố hủy bỏ một văn bản cụ thể. Đặc biệt là đối với các đạo luật do Quốc hội ban hành, việc hủy bỏ mới chỉ được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà chưa được quy định trong Hiến pháp. Do vậy,

trong thời gian tới, cần quy định rõ nội dung này trong Hiến pháp để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát bảo hiến. Trong quy trình hủy bỏ văn bản không hợp hiến, Uỷ ban bảo vệ Hiến pháp là cơ quan có thể tự mình đưa ra kiến nghị hoặc trên cơ sở đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền. Các chủ thể có quyền yêu cầu có thể là: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao (trên cơ sở tổng kết xét xử), Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Uỷ ban bảo vệ Hiến pháp không ra phán quyết về tính hợp hiến của một văn bản mà chỉ đưa ra ý kiến có tính chất tham vấn đề Quốc hội quyết định.

Đề thực hiện thẩm quyền này, có ý kiến cho rằng cũng có thể thành lập một cơ quan tương tự như Hội đồng bảo hiến ở Pháp. Đây cũng là một hướng cần nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, phương án thành lập uỷ ban ở Quốc hội có tính ổn định về mặt thiết chế, không dẫn đến sự ra đời của một cơ quan đặc biệt trong bộ máy nhà nước và dễ được chấp nhận hơn ở nước ta.

Nói tóm lại, để bảo đảm hiệu quả hoạt động của Uỷ ban bảo vệ hiến pháp cũng như bảo đảm tính khả thi của phương án này, cần tiến hành một số công việc cụ thể là :

- Sửa đổi các quy định về tổ chức Quốc hội để bảo đảm địa vị pháp lý, khẳng định chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban bảo vệ hiến pháp;

- Quy định rõ về việc xem xét tính hợp hiến của các dự án luật, pháp lệnh trong các quy định pháp luật về quy trình lập pháp, coi đây là một bước trong quy trình lập pháp;

- Hoàn thiện hơn nữa cơ chế xem xét, huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp của Quốc hội, trong đó, Uỷ ban bảo vệ hiến pháp sẽ giữ vai trò là một cơ quan “đầu mối”, một cơ quan “chuyên môn”, giúp Quốc hội đưa ra phán quyết một cách đúng đắn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hiến và vai trò của bảo hiến trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 101 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)