Tình hình thực hiện hiến pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hiến và vai trò của bảo hiến trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 76 - 81)

2.2. Hoạt động bảo hiến ở Việt Nam hiện nay

2.2.2.1. Tình hình thực hiện hiến pháp

Cho đến nay, mặc dù chúng ta chưa có sự tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, hệ thống về việc thực hiện hiến pháp, nhưng có thể thấy rằng, về cơ bản, ở nước ta, hiến pháp đã được các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong xã hội tôn trọng. Từ khi bản hiến pháp đầu tiên của nước ta được ban hành cho đến nay, chúng ta chưa ghi nhận trường hợp nào một văn bản hay hành vi của cơ quan nhà nước bị tuyên bố một cách chính thức là vi phạm hiến pháp. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là trên thực tế không tồn tại những vụ việc mà khi giải quyết, các bên có liên quan phải đặt câu hỏi về việc có hành vi vi phạm hiến pháp hay không. Việc không có văn bản hay hành vi nào bị tuyên là vi hiến phần nhiều xuất phát từ việc thiếu một cơ chế hoàn chỉnh để xem xét và đưa ra phán quyết về vấn đề này.

Xin xem các ví dụ cụ thể dưới đây:

Trường hợp thứ nhất: 17 doanh nghiệp xe máy thuê Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến kiện các cơ quan hữu quan về việc ban hành văn bản sai quy định. Bên cạnh những lập luận khác, trên bình diện bảo hiến có một lập luận đáng chú ý là, các cơ quan đó đã ban

hành những văn bản vi hiến (trí với điều 23 Hiến pháp 1992) vì phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Chưa bàn đến tính đúng sai của khoản kiện này, nhưng điều đáng nói ở đây là các doanh nghiệp cũng chỉ biết nêu vấn đề rằng có sự vi hiến, nhưng họ không biết kiện lên cơ quan nào, theo trình tự nào, vì không có những quy định cụ thể, rõ ràng về những vấn đề đó. Đây có lẽ là một tiền lệ trong thực tiễn Việt Nam, nhưng mặt khác, chúng ta cũng cần phải dự liệu một cơ chế chung cho những trường hợp khác trong tương lai. Cảm giác của người dân được sống trong sự an toàn, tin chắc mình sẽ được Nhà nước bảo vệ là rất quan trọng trong một Nhà nước pháp quyền. Cảm giác đó sẽ làm cho các chủ đầu tư yêu tâm làm ăn hơn, tạo ra một môi trường kinh doanh và đầu tư ổn định, bền vững hơn.

Trường hợp thứ hai: Vụ khách sạn Phan Thiết (Bình Thuận):

Văn phòng Chính phủ có công văn số 416/VPCP truyền đạt ý kiến

của Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi các văn bản can thiệp không đúng thẩm quyền vào công việc nội bộ của Công ty cổ phần khách sạn Phan Thiết, nhưng UBND tỉnh lại có công văn đề nghị “ngược” lên Thủ tướng Chính phủ thu hồi lại công văn nói trên của Văn phòng Chính phủ. Ở đây cũng trên phương diện bảo hiến, có thể nói hành động của UBND tỉnh Bình Thuận đã ẩn chứa nguy cơ phá vỡ trật tự hiến pháp, mà chúng ta hay gọi là “kỷ cương, phép nước”. Đây chính là một trong những thẩm quyền của cơ quan bảo hiến các nước – xem xét, giải quyết các tranh chấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Chuyện “trên bảo dưới không nghe” ở nước ta không còn là chuyện hiếm tiền lệ nữa,

mà đã trở thành phổ biến trong thời gian gần đây, được báo động cả ở diễn đàn Quốc hội. Thiết nghĩ, một cơ chế bảo hiến với thẩm quyền giải quyết mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương và địa phương, có quyền ra các phán quyết pháp lý bắt buộc sẽ góp phần không nhỏ củng cố kỷ cương, phép nước.

Ngoài ra, gần đây có trường hợp đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng là Bộ xây dựng ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành chỉ dùng nguyên vật liệu do các doanh nghiệp khác trong ngành cung cấp. Từ hành động này có nhiều chuyện để bàn, nhưng trên phương diện bảo hiến, có thể nói ở đây quyền tự do kinh doanh hiến định đã bị giới hạn [22].

“Một số văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn có những quy định chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Chẳng hạn như Thông tư số 02/2003/TT-BCA (C11) ngày 13 tháng 01 năm 2003 của Bộ Công an về việc hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đã quy định “… Mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc xe gắn máy”. Thực chất quy định này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân đã được quy định tại Điều 58 của Hiến pháp năm 1992, khoản 1 Điều 221 của Bộ luật dân sự năm 1995 là công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số lượng, giá trị, v.v…”. (Báo cáo ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội số 401/UBTVQH11 ngày 06 tháng 10 năm 2005 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tr.6-7).

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, một số đạo luật hay hành vi của cơ quan nhà nước ở nước ta có dấu hiệu vi phạm hiến pháp (nói là có “dấu hiệu” vi phạm hiến pháp, vì chưa có kết luận chính thức nào về vấn đề này). Tuy nhiên, nguyên nhân của sự vi hiến đó lại bắt nguồn từ chính sự lạc hậu hay thiếu hợp lý trong các quy định của Hiến pháp. Hiện nay, một số nội dung trong bản hiến pháp ở nước ta cũng đang gây ra nhiều tranh luận và có quy định đã thể hiện một vài điểm chưa thật sự hợp lý. Việc hiến pháp phải thường xuyên sửa đổi cũng thể hiện sự thiếu ổn định của hiến pháp nước ta và là một khó khăn khi thực hiện hiến pháp. Một vài ví dụ cụ thể là:

- Điều 12 của Hiến pháp năm 1946 thừa nhận quyền tư hữu, chế độ tư hữu, cụ thể Điều này ghi: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”, nhưng đến năm 1953, Quốc hội họp tại Việt Bắc đã thông qua Luật cải cách ruộng đất, thủ tiêu chế độ chiếm hữu phong kiến, địa chủ đối với ruộng đất.

- Năm 1980 chúng ta ban hành Hiến pháp 1980, trong đó xác định bước đi tiến lên thời kỳ quá độ và xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, cụ thể Điều 18 của Hiến pháp năm 1980 ghi: “Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động”. Nhưng sau thời kỳ đổi mới, từ 1986 đến trước khi Hiến pháp 1992 ra đời, chúng ta ban hành một loạt đạo luật như: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1988) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài (1990), Luật Công ty (1991), Luật Doanh nghiệp tư nhân (1991),... thì chúng ta trên thực tế đang cho phép từng bước xác lập lại quan hệ sản xuất tư bản tư nhân - trái với Hiến

pháp hiện hành lúc bấy giờ.

Như vậy, thực tế là, trong quá trình phát triển của cách mạng có đôi lúc chúng ta đã phải “đặt Hiến pháp sang một bên” để giải quyết những vấn đề bức thiết, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Luật cải cách ruộng đất ban hành năm 1953, về nhiều phương diện, thực sự có ý nghĩa cách mạng, giải phóng được người nông dân - lực lượng chiến đấu chủ yếu trong giai đoạn đó. Cũng như vậy, khi đổi mới chúng ta ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân,... thì đó đều là những biện pháp có ý nghĩa cách mạng. Ở đây, có lẽ phải nhắc đến một câu nói của Lênin: “Là một nhà cách mạng tồi những ai trong những giờ phút quyết liệt của cuộc đấu tranh mà dừng lại trước tính kiên cố của pháp luật”. Khi đó, chúng ta không đặt vấn đề phải sửa Hiến pháp rồi mới ban hành luật.

Như vậy, thực tế cho thấy bản Hiến pháp của nước ta trong một số trường hợp không được tôn trọng. Tuy nhiên, có những vấn đề cần phải phân tích một cách sâu sắc hơn để thấy được nguyên nhân của tình trạng này.

Nói tóm lại, kể từ được ban hành lần đầu tiên cho đến nay, bản hiến pháp ở nước ta nhìn chung đã được các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tôn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số văn bản và hành vi có dấu hiệu vi phạm hiến pháp. Những ví dụ cụ thể về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hiến pháp cho thấy một số vấn đề về thực tiễn thực hiện hiến pháp ở nước ta, đó là: thứ nhất, ở Việt Nam, đã có những văn bản, hành vi cần được xem xét về tính hợp hiến, tuy nhiên, chưa có cơ chế nào để trả lời một cách chính xác cho những “nghi vấn” này; thứ hai, trong một số trường hợp, trước khi bàn về tính hợp hiến của các đạo luật hay hành vi, người ta thấy cần thiết xem xét về tính hợp lý của các quy định hiến pháp. Đây là một vấn đề cần xem xét khi nghiên cứu về cơ chế bảo hiến ở

Việt Nam, bởi cơ sở đầu tiên cho việc thiết lập cơ chế bảo hiến chính là Hiến pháp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hiến và vai trò của bảo hiến trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam luận văn ths luật 60 38 01 (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)