1.2. Bảo hiến – yêu cầu tất yếu của việc xây dựng Nhà nƣớc pháp quyền ở
1.2.3.2. Bảo hiến góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà
nước pháp quyền thông qua việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng của hoạt động lập pháp
Để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền, một trong những tiêu chí hàng đầu cần hướng tới đó là đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Như chúng ta đã biết, hệ thống pháp luật gồm nhiều bộ phận nhưng luôn có sự liên quan và thống nhất với nhau. Khi đánh giá tính thống nhất về phương diện cấu trúc của hệ thống pháp luật, cần xem xét tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật trong cùng một ngành luật và với các ngành luật khác. Bên cạnh đó, tính thứ bậc của hệ thống văn bản pháp luật cũng là yếu tố không thể thiếu được để tạo nên sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Luật, pháp lệnh cũng như các văn bản
quy phạm pháp luật khác đều phải phù hợp với Hiến pháp, những văn bản luật vi hiến đều bị huỷ bỏ. Nếu xuất hiện sự mâu thuẫn, chồng chéo trong nội tại hệ thống pháp luật thì không thể có sự điều chỉnh pháp luật toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả được. Tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải loại bỏ sự mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, xác định ranh giới giữa các ngành luật và định ra một hệ thống quy phạm pháp luật đồng bộ.
Để đạt được điều đó, cần thiết phải nhấn mạnh tính tối cao của hiến pháp vì đó là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, các văn bản khác nhất thiết phải dựa vào quy phạm của hiến pháp để cụ thể hóa thành hệ thống các quy phạm trong lĩnh vực tương ứng. Hiến pháp là một bộ phận, nhưng là bộ phận quan trọng nhất của pháp luật, nếu không bảo đảm tính tối cao của hiến pháp thì sẽ dẫn đến tình trạng tản mạn, trùng lặp, chồng chéo hoặc mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, bảo đảm tính tối cao của hiến pháp không những là sự tôn trọng ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà còn tạo nên tính thống nhất của hệ thống pháp luật, làm cho việc nhận thức và thực hiện pháp luật chính xác, thống nhất hơn. Thông qua hoạt động giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, bảo hiến bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền, tạo điều kiện cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để thiết lập trật tự pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, điều 146 của Hiến pháp nước ta khẳng định: “Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.
Bên cạnh đó, bảo hiến làm cho hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn thông qua việc tác động vào hoạt động lập pháp của quốc hội, làm cho hoạt động lập
pháp tốt hơn. Về mặt này, tác động của bảo hiến đối với hệ thống pháp luật, đối với hoạt động lập pháp còn mang ý nghĩa bảo đảm sự tiết chế của hiến pháp đối với hoạt động của quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại diện cao nhất phản ánh ý chí của nhân dân , nhưng cũng như mọi cơ quan nhà nước khác, hoạt động của quốc hội không được vượt khỏi khuôn khổ hiến pháp và phải phù hợp với hiến pháp. Điều này cũng được ghi nhận trong hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức quy định: quyền lập pháp bị ràng buộc bởi trật tự Hiến pháp; quyền hành pháp và tư pháp bị ràng buộc bởi luật và pháp lý [20]. Không những thế, rõ ràng, dù cơ quan lập pháp có hoàn thiện đến đâu thì có lúc không tránh khỏi việc ban hành những đạo luật, điều luật trái hiến pháp. Bởi vì trình độ nhận thức của các chuyên gia soạn thảo và các đại biểu không đồng đều như nhau và có trường hợp những người có quan điểm trái hiến pháp chiếm số đông, hoặc có những đạo luật được thông qua dưới tác động của những lực lượng chính trị khác nhau, đặc lợi ích riêng lên trên lợi ích chung. Ngoài ra, một công việc phức tạp như soạn thảo và thông qua luật thì không tránh khỏi những sai lầm thông thường của con người. Khi những định hướng sai lầm chiếm ưu thế trong quốc hội, những đạo luật sai lệch có thể được thông qua, cơ quan bảo hiến sẽ đóng vai trò tích cực hạn chế đáng kể những định hướng đó. Cơ quan bảo hiến không đặt ý chí của mình đối lập với ý chí của nhân dân khi kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật. Cơ quan này được trao nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp – sự thể hiện sâu sắc nhất ý chí của nhân dân - khỏi mọi sự vi phạm của quốc hội trong trường hợp hiến pháp không được quốc hội tôn trọng.
Trên thực tế, tác hại của những đạo luật trái hiến pháp khó đánh giá hết, vì những đạo luật như vậy làm cho trật tự hiến pháp bị phá vỡ và quyền con người bị vi phạm. Khi giám sát tính hợp hiến của văn bản pháp luật, cơ quan
bảo hiến bảo đảm sự tối thượng của hiến pháp, loại trừ những văn bản trái với hiến pháp ra khỏi hệ thống pháp luật, để mọi hoạt động lập pháp đều được tiến hành phù hợp với hiến pháp. Trên thực tế, đối tượng giám sát chính của cơ quan bảo hiến không chỉ là những đạo luật của quốc hội, mà còn là các văn bản của cơ quan hành pháp, trước hết là các văn bản lập pháp uỷ quyền. Chính các văn bản của cơ quan hành pháp tạo nên một phần chính trong hệ thống pháp luật của một nhà nước hiện đại và có khả năng tiềm ẩn gây tổn hại đến quyền và tự do của công dân nhiều nhất.
Mặt khác, một đòi hỏi tối quan trọng của chế độ hiến pháp là sự thống nhất và ổn định trong cách hiểu nội dung và ý nghĩa của các quy phạm hiến pháp. Sự giải thích hiến pháp chính thức, có tính chất bắt buộc cũng nhằm đáp ứng đòi hỏi đó. Qua việc thực hiện thẩm quyền này, cơ quan bảo hiến còn tác động đến quá trình sáng tạo pháp luật, và ở góc độ nào đó, tham gia vào quá trình này. Ví dụ, ở Đức, quyền giải thích hiến pháp chỉ thuộc về toà án hiến pháp. Những chủ thể có quyền đệ đơn không phải là công dân trong một vụ việc cụ thể mà là một nhóm (chẳng hạn phe đối lập trong Quốc hội) kiện dự luật của chính phủ trái hiến pháp. Tuy nhiên, thông thường vụ kiện không đến mức đưa ra toà án hiến pháp, vì chính phủ sẽ tìm cách thương lượng. Như vậy, mối lo ngại bị kiến sẽ khiến chủ thể trình dự án luật phải cẩn trọng hơn trong việc soạn thảo để không có những quy định vi hiến trong dự luật.
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo hiến có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng và là một yêu cầu có tính tất yếu trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Tiểu kết Chƣơng 1
1. Bảo hiến, hiểu một cách chung nhất, là bảo đảm tính tối cao của hiến pháp trong hệ thống pháp luật, bảo vệ những giá trị của hiến pháp trong việc thể hiện chủ quyền nhân dân đối với tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước và bảo đảm các quyền con người. Những hoạt động bảo hiến chủ yếu là: kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật theo nguyên tắc bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, giải quyết những xung đột về thẩm quyền giữa các cơ quan này nhằm bảo đảm sự phối hợp và cân bằng quyền lực, bảo đảm cho các cơ quan nhà nước và các cá nhân được trao quyền lực nhà nước hoạt động phù hợp với giới hạn về thẩm quyền và trách nhiệm được hiến pháp quy định; giải thích hiến pháp để bảo đảm cho các nguyên tắc, quy định của hiến pháp được nhận thức và thực hiện thống nhất...
2. Hiện nay, việc thiết lập một cơ chế bảo hiến hiệu quả đã trở thành yếu tố cốt lõi trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nhiều quốc gia. Những cơ sở chủ yếu để thiết lập cơ chế bảo hiến là: hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối cao và tính thứ bậc của các văn bản trong hệ thống pháp luật; hiến pháp chứa đựng những quy định có khả năng được áp dụng trực tiếp đối với các cơ quan nhà nước và công dân; hiến pháp khẳng định các quyền của công dân và đặt ra các giới hạn đối với các cơ quan nhà nước.
3. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, bảo hiến là một yêu cầu có tính tất yếu khách quan. Việc xác lập một cơ chế kiểm tra và bảo vệ hiến pháp, giải thích hiến pháp, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm hiến pháp là phương pháp quan trọng và cần thiết để tạo ra sự bảo đảm vững chắc cho chế độ Nhà nước pháp quyền và nền dân chủ ở nước ta. Bên
cạnh đó, thông qua việc xử lý các hành vi vi phạm hiến pháp (mà một trong những loại vi phạm phổ biến là vi phạm các quy định về quyền con người trong hiến pháp của cơ quan nhà nước), hoạt động bảo hiến giúp cho các quyền hiến định của công dân được mọi cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tôn trọng. Không những thế, bảo hiến còn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền. Việc bảo đảm tính tối cao của hiến pháp không những là sự tôn trọng ý chí và nguyện vọng của nhân dân mà còn tạo nên tính thống nhất của hệ thống pháp luật, làm cho việc nhận thức và thực hiện pháp luật chính xác, thống nhất hơn. Bảo hiến tạo điều kiện cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để thiết lập trật tự pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do vậy, để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, cần thiết phải thiết lập một cơ chế bảo hiến hiệu lực và hiệu quả.
CHƢƠNG 2.
KINH NGHIỆM BẢO HIẾN CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO HIẾN
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY