2.1. Sự hình thành, phát triển và đặc điểm của một số mô hình bảo hiến
2.1.5. Một số mô hình khác
Ngoài các mô hình bảo hiến trên đây, khi nghiên cứu về hoạt động bảo hiến ở các quốc gia trên thế giới, các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến một số mô hình khác, đó là:
- Mô hình bảo hiến hỗn hợp: mô hình này kết hợp những yếu tố của cả hai mô hình toà án hiến pháp và mô hình toà án. Ở các nước áp dụng mô hình này, thẩm quyền bảo hiến được trao cho cả cơ quan bảo hiến chuyên trách – toà án hiến pháp và các toà án thường. Thông thường, toà án hiến pháp và toà án tối cao có thẩm quyền đối với những vụ việc cụ thể được quy định ngay trong hiến pháp, còn các toà án khác khi giải quyết một vụ việc cụ thể có quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật và được quyền không áp dụng các đạo luật bị cho là không phù hợp với hiến pháp.
Một số nước áp dụng mô hình bảo hiến này là Bồ Đào Nha, Cô-lôm-bi- a, Ê-cu-a-đo, Gua-tê-ma-la, Pê-ru…
- Mô hình cơ quan lập hiến đồng thời là cơ quan bảo hiến
quan bảo hiến chuyên trách. Các nước này cho rằng quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, không những là cơ quan lập hiến, lập pháp mà còn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Do vậy, quốc hội đồng thời phải tự quyết định về tính hợp hiến của các đạo luật do mình ban hành.
Ở các quốc gia này, mặc dù hoạt động bảo hiến được đề cao, nhưng thực tiễn cũng đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải lựa chọn và xây dựng một mô hình bảo hiến trên cơ sở tiếp thu ưu điểm của các mô hình đã có, phù hợp với thể chế và nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước của mình.
Bên cạnh các quốc gia có tổ chức cơ quan bảo hiến theo những mô hình nhất định, tại một số nước trên thế giới hiện nay hầu như không có quy định về hoạt động bảo hiến như Anh, Hà Lan, Lê-xô-thô, Li-bi, Niu Di-lân, I-xra-en... Ở những nước này, xuất phát từ đặc thù của hệ thống pháp luật là không tồn tại hiến pháp thành văn nên không có các quy định nhằm đảm bảo tính tối thượng của hiến pháp trong mối quan hệ với các văn bản quy phạm pháp luật khác của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, ở các nước này cũng tồn tại một số yếu tố của quyền giám sát đối với văn bản pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành hay hành vi của các cơ quan công quyền. Chẳng hạn như ở Anh, thượng viện có quyền giám sát trước đối với các đạo luật do hạ viện thông qua; ở Hà Lan, toà án tối cao có thẩm quyền quyết định các vụ việc liên quan đến các thiết chế của Cộng đồng châu Âu...
So sánh những ưu điểm và hạn chế của các mô hình bảo hiến tiêu biểu:
Từ thực tiễn áp dụng các mô hình bảo hiến trên thế giới và đặc điểm riêng của từng mô hình bảo hiến như đã phân tích trên đây, có thể nhận thấy một số ưu điểm cũng như hạn chế cùa các mô hình này như sau:
Trước hết, đối với mô hình toà án và mô hình toà án hiến pháp hoặc hội đồng bảo hiến: Tại các quốc gia áp dụng các mô hình bảo hiến này, các
cơ quan được giao thẩm quyền bảo hiến đều là những cơ quan xét xử; do vậy, phán quyết của các cơ quan này có hiệu lực pháp lý cao và là các phán quyết có tính bắt buộc. Đây là ưu điểm nổi bật của các mô hình bảo hiến này, bởi nó giúp cho việc bảo đảm tính hiệu lực cũng như hiệu quả của hoạt động bảo hiến trên thực tế.
Ở mô hình toà án hiến pháp và mô hình hội đồng bảo hiến, có một cơ quan chuyên trách được giao thẩm quyền xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi hiến của các nhánh quyền lực v.v... Với tính chuyên sâu cao, cơ quan bảo hiến chuyên trách trong các mô hình này có nhiều điều kiện để bảo đảm hiệu quả trong hoạt động và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tính tối cao của hiến pháp. Mặt khác, do toà án hiến pháp và hội đồng bảo hiến có vị trí tương đối độc lập so với các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp nên nó đảm bảo tính khách quan trong việc xem xét các vụ việc, không bị ràng buộc với bất kỳ một nhánh quyền lực nào.
Ở mô hình toà án, cơ quan có thẩm quyền bảo hiến là một bộ phận thuộc hệ thống tư pháp, một nhánh trong hệ thống quyền lực. Hoạt động bảo hiến được coi là một phần của hoạt động xét xử. Chức năng bảo hiến trở thành một biểu hiện mạnh mẽ của quyền lực tư pháp đối với các nhánh quyền lực khác, giúp cho cơ quan tư pháp có thể thực hiện việc giám sát đối với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp một cách hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, do bảo hiến chỉ là một trong những chức năng của toà án nên không có được tính chuyên môn hoá cao như trong mô hình toà án hiến pháp hay hội đồng bảo hiến. Thẩm quyền của toà án đối với các vấn đề liên quan đến hiến pháp cũng hạn chế hơn. Toà án thường không thể can thiệp vào các đạo luật khi chúng chưa có hiệu lực pháp lý (không có hoạt động giám sát trước), phán
quyết của toà án về các vấn đề vi hiến chỉ có hiệu lực với các bên trong một vụ việc cụ thể. Toà án cũng không thể tuyên bố vô hiệu một đạo luật vi hiến. Bên cạnh đó, mô hình toà án cũng có một số hạn chế khác như thời gian xét xử kéo dài (do phán quyết của toà án về vấn đề vi hiến không có hiệu lực chung thẩm mà có thể được xem xét lại bởi các toà án cấp cao hơn), quyền nghi ngờ tính hợp hiến của các đạo luật và hành vi của cơ quan công quyền chỉ được trao cho cá nhân… Hơn nữa, khi chức năng bảo hiến được giao cho một cơ quan thuộc một trong ba nhánh quyền lực nhà nước thì việc thực hiện chức năng này có thể bị tác động, ảnh hưởng bởi các nhánh quyền lực khác. Do vậy, điều quan trọng nhất để bảo đảm hiệu quả của hoạt động bảo hiến ở các quốc gia áp dụng mô hình toà án là phải tạo ra một cơ chế đảm bảo tính độc lập, khách quan của cơ quan xét xử trong bộ máy nhà nước.
Đối với mô hình uỷ ban hiến pháp, điểm mạnh lớn nhất của mô hình
này là tính hợp hiến của các văn bản do quốc hội ban hành được xem xét ngay trong quá trình ban hành văn bản đó mà không phải đợi đến khi văn bản đã được quốc hội thông qua hay khi đã có hiệu lực thi hành. Điều này giúp cho việc phát hiện và loại bỏ sớm những văn bản hay những điều khoản vi hiến, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật được ban hành, tránh tốn kém thời gian và công sức của quốc hội cũng như các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Việc giao thẩm quyền bảo hiến cho một cơ quan trong cơ cấu của quốc hội cũng giúp cho việc tăng cường hiệu quả hoạt động của quốc hội, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp, thể hiện vị trí, vai trò của quốc hội trong bộ máy nhà nước.
Hiện nay, mô hình uỷ ban hiến pháp tỏ ra rất có hiệu quả tại một số quốc gia như Thụy Điển và Phần Lan (tất nhiên, để có được kết quả như vậy còn cần thiết lập một loạt các cơ chế khác nữa).
quyết tính hợp hiến của một văn bản quy phạm pháp luật, một quyết định của cơ quan công quyền hay giải quyết các tranh chấp có liên quan đến hiến pháp… là công việc mang tính kỹ thuật nhiều hơn là tính chính sách. Do vậy, để làm tốt việc này, một trong những điều kiện hết sức quan trọng là „„phải có những chuyên gia giỏi hơn là những chính khách giỏi‟‟ [19]. Trong khi đó, tại các nước áp dụng mô hình uỷ ban hiến pháp, các chính khách (các đại biểu quốc hội của uỷ ban hiến pháp) chỉ làm việc trong cương vị của mình theo nhiệm kỳ; như vậy, khi hết nhiệm kỳ, mọi kinh nghiệm và kiến thức tích tụ được sẽ cùng ra đi với vị chính khách nọ và mọi việc sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Hơn nữa, cũng như các uỷ ban khác của quốc hội, uỷ ban hiến pháp làm việc tập thể, quyết định theo đa số; mọi kết luận của uỷ ban hiến pháp được thể hiện bằng nghị quyết có tính chất kiến nghị nhiều hơn là tính bắt buộc, vì thế, hiệu lực của quyết định đó đối với các vấn đề vi hiến không cao. Bên cạnh đó, uỷ ban hiến pháp lại là một cơ quan của quốc hội, khi thực hiện quyền giám sát với các văn bản do quốc hội ban hành thì vô hình chung, uỷ ban hiến pháp đã thực hiện một công việc mà ta thường gọi là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và tính khách quan của các quyết định về sự vi hiến. Ở các nước có uỷ ban hiến pháp tại quốc hội, uỷ ban này cũng chỉ có thể vươn tới giám sát ở tầm vĩ mô (ở cấp trung ương) và như vậy lại phải có một thiết chế khác để giám sát tính hợp hiến ở các cấp địa phương. Bởi vậy, có nhà nghiên cứu cho rằng, điều này sẽ ít nhiều làm hạn chế tính bổ trợ lẫn nhau trong quá trình giải quyết vấn đề vì bản chất của vấn đề vi hiến hay không đều giống nhau dù bất kỳ ở đâu [19].
Như vậy, mặc dù ngày nay, bảo hiến đã trở thành một phần quan trọng và là một yêu cầu trong tổ chức của đa số các nhà nước đương đại do tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, tuy nhiên, không có một mô hình bảo hiến chung cho mọi quốc gia trên thế giới. Cơ chế
bảo hiến được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các mô hình đã được thừa nhận rộng rãi và có tính phổ biến như mô hình toà án, mô hình toà án hiến pháp…, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình bảo hiến hỗn hợp, kết hợp những nét đặc trưng của mỗi mô hình truyền thống. Mỗi mô hình bảo hiến đều có những điểm mạnh cũng như hạn chế riêng. Có thể thấy rằng, để tổ chức một cơ chế bảo hiến hiệu lực và hiệu quả, mỗi quốc gia đều chọn cho mình một cách thức riêng trên cơ sở những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Ngay cả khi áp dụng một trong các mô hình bảo hiến như đã trình bày trên đây, thì ở mỗi quốc gia, các mô hình đó lại được áp dụng một cách sáng tạo và không hoàn toàn giống nhau ở mọi quốc gia. Vì vậy, mô hình nào là phù hợp với Việt Nam thì cần phải có nghiên cứu, đánh giá thật kỹ lưỡng mỗi mô hình trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, trên cơ sở thực trạng hoạt động bảo hiến ở nước ta.