2.1. Sự hình thành, phát triển và đặc điểm của một số mô hình bảo hiến
2.1.4. Mô hình ủy ban hiến pháp
Mô hình này được áp dụng ở một số nước như Thụy Điển, Phần Lan,… Tại các nước áp dụng mô hình uỷ ban hiến pháp, cơ quan được giao chức năng bảo hiến là một cơ quan trong cơ cấu của quốc hội, được tổ chức và tiến hành hoạt động theo những nguyên tắc cơ bản được quy định như đối với các uỷ ban khác. Uỷ ban hiến pháp cũng như các uỷ ban khác của quốc hội có các thành viên là các đại biểu quốc hội. Việc thành lập một cơ quan trong cơ cấu của quốc hội để đảm trách vai trò bảo hiến ở các quốc gia này gắn liền với việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của nghị viện, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp.
Uỷ ban hiến pháp có những chức năng cơ bản là: - Thẩm định dự án hiến pháp;
- Thẩm định các dự án luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến của chúng trước khi được ban hành và báo cáo trước cuộc họp toàn thể của quốc hội.
Đây là điểm khác biệt so với mô hình toà án hiến pháp và mô hình hội đồng bảo hiến bởi ở các mô hình đó, tính hợp hiến của đạo luật chỉ được thẩm định sau khi đạo luật đó đã được quốc hội thông qua.
- Giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp.
Chức năng này có thể được thực hiện thông qua nghiên cứu báo cáo hàng năm của chính phủ. Để thực hiện chức năng này, ủy ban hiến pháp có quyền tiếp cận với mọi hồ sơ của chính phủ ngay cả khi hồ sơ đó được coi là tối mật. Sau khi thông tin được thu thập đầy đủ từ nhiều nguồn khác nhau, vấn đề liên quan được đưa ra thảo luận tại uỷ ban hiến pháp. Nếu một vị bộ
trưởng bị phát hiện lạm dụng chức vụ hoặc thực thi quyền lực của mình trái với hiến pháp và pháp luật, uỷ ban hiến pháp không có quyền đề nghị cách chức vị bộ trưởng này nhưng có quyền tiến hành thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm tại phiên họp toàn thể theo một quy trình, thủ tục đã được luật định. Chỉ có uỷ ban hiến pháp hoặc các đại biểu quốc hội mới có thẩm quyền đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm một thành viên nào đó của chính phủ.
Như vậy, so với các cơ quan bảo hiến trong các mô hình bảo hiến khác, uỷ ban hiến pháp là thiết chế bảo hiến có thẩm quyền tương đối hẹp, phạm vi, lĩnh vực hoạt động khá hạn chế, hoạt động chủ yếu mang tính chất tư vấn mà thường không có quyền đưa ra những quyết định mang tính chất trực tiếp và có hiệu lực pháp lý cao.