2.2. Thực trạng giải quyết khiếu nại trong giải phóng mặt bằng
2.2.2. Thực trạng giải quyết khiếu nại trong giải phóng mặt bằng trên
địa bàn quận Bắc Từ Liêm
2.2.2.1. Công tác tiếp nhận đơn và phân loại đơn, xử lý đơn bước đầu
Như đã thông kê ở trên, từ năm 2014 đến năm 2018 UBND quận Bắc từ liêm đã nhận được tổng số 2.454 đơn khiếu nại, trong đó 2005 đơn khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đơn khiếu nại về giải phóng mặt bằng được tiếp nhận từ các nguồn như sau:
- Đơn nhận trực tiếp từ việc tiếp công dân: 1.285 đơn chiếm 64,1% số đơn đã tiếp nhận;
- Đơn gửi qua dịch vụ bưu chính: 343 đơn, chiếm 17,1%
- Đơn do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận: 12 đơn, chiếm 0,6%. Thực tế đơn từ các nguồn này chuyển đến UBND quận rất nhiều. Tuy nhiên, trong số đó chủ yếu là Các đơn mà người khiếu nại gửi cùng lúc đến nhiều địa chỉ khác nhau, trong đó có UBND quận, vì vậy số thông kê này là chỉ các đơn thư gửi đến các đại biểu nói trên nhưng chưa gửi đến quận, Còn số đơn trùng lặp đã được thống kê ở số liệu trực tiếp tiếp nhận.
- Cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến: 48 đơn, chiếm 2,4%
Qua công tác tiếp nhận đơn thư cho thấy, đơn khiếu nại được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, với tên gọi đa dạng như đơn khiếu nại, đơn tố giác, đơn kiến nghị, đơn kêu cứu, đơn kêu cứu khẩn cấp, đơn phản ánh, đơn kiện… Để phân loại và xác định là đơn khiếu nại về giải phóng mặt bằng, cán bộ tiếp nhận phải căn cứ vào nội dung, chứ không thể căn cứ vào hình thức, tên gọi trên đơn.
Nhiều trường hợp có nội dung khiếu nại, nhưng thể thức và các yêu cầu phải có trong đơn không đầy đủ, không đúng quy định, cán bộ tiếp nhận phải hướng dẫn để người khiếu nại trình bày lại hoặc bổ sung.
Sau khi phân loại và xử lý ban đầu xác định đó là đơn khiếu nại về giải phóng mặt bằng, cán bộ tiếp nhận ghi vào sổ tiếp nhận và viết giấy biên nhận cho người khiếu nai. Đối với công tác này, ở UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện theo đúng quy trình, nhập số liệu trên máy, hiện lên màn hình cho Nhân dân kiểm soát, nên 100% việc tiếp nhận đơn thư thực hiện đúng yêu cầu.
2.2.2.2. Công tác thụ lý và chuẩn bị giải quyết khiếu nại
Qua thực tế tiếp nhận thụ lý đơn khiếu nại trong giải phóng mặt bằng tại quận Bắc Từ Liêm cho thấy, sau khi tiếp nhận, bộ phân tiếp nhận xử lý đã báo cáo đề xuất thụ lý 2005 đơn thì 2005 đơn đều được thụ lý, đạt 100%.
Thực tiễn cho thấy, khiếu nại trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng hầu hết đều có nội dung cụ thể, rõ ràng nên không phức tạp trong xử lý ban đầu. Bên cạnh đó, hiện nay công tác tiếp nhận đơn thư đã có phần mềm điện tử, vì vậy nếu nội dung đã được thụ lý trước đây, cán bộ tiếp nhận sẽ biết ngay và không tiếp nhận. Chính vì vậy, tất cả đơn khiếu nại bộ phận tiếp nhận đề xuất đều được Lãnh đạo quận chấp nhận thụ lý.
Sau khi thụ lý, UBND quận đều thực hiện việc thông báo cho các cá nhân tổ chức về việc thụ lý và hẹn giải quyết. Việc thông báo được thực hiện trực tiếp cho công dân hoặc gửi bưu điện. trường hợp không có địa chỉ cụ thể sẽ gửi thông qua UBND phường. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có 43 trường
hợp phản ánh không nhận được thông báo. Xác định nguyên nhân, cho thấy, cán bộ phường đã gửi nhưng không đến tận tay mà qua người khác dẫn đến họ quên chuyển cho người khiếu nại.
Sau khi thụ lý, Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyển đơn khiếu nại cho đơn vị chuyên môn thuộc Ủy ban để tiến hành lập kế hoạch giải quyết khiếu nại và các hoạt động tiếp theo giải quyết khiếu nại.
2.2.2.3. Kết quả giải quyết khiếu nại trong giải phóng mặt bằng
Với việc xác định giải quyết tốt khiếu nại trong GPMB sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tạo môi trường đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và của Quận, góp phần đảm bảo ổn định trật tự chính trị và an toàn xã hội ở địa phương, Quận uỷ - HĐND - UBND quận Bắc Từ Liêm đã quan tâm chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Theo số liệu thống kê của UBND quận Bắc Từ Liêm, từ năm 2014 đến năm 2018, trong tổng số 2.005 đơn khiếu nại liên quan đến GPMB, UBND Quận đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tập trung giải quyết xong 1.701 đơn thư (đạt tỷ lệ 84.8%). Trong đó kết quả giải quyết các loại đơn thư cụ thể như sau:
- Đối với 905 khiếu nại quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND quận với lý do giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường, việc áp giá bồi thường, hỗ trợ chưa chính xác, trên cơ sở bảng giá do UBND thành phố ban hành, tính toán các hệ số liên quan, UBND quận đã giải quyết 100% đơn khiếu nại. Tuy nhiên, chỉ có 417 trường hợp đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND quận (chiếm 46,1%). Số còn lại thực hiện khiếu nại lần 2 lên UBND thành phố. Tuy nhiên, Hầu hết các trường hợp, này UBND Thành phố đều đồng ý với cách thức giải quyết của Quận. Trong số đó có một số trương hợp không đồng tình với cả hai cấp và đã khởi kiện ra tòa. Như vụ hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi khiếu nại quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 của UBND
quận Bắc Từ Liêm về việc ban hành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình ông. Không đồng ý với quyết định phê duyệt phương án, ông Mùi đã có đơn khiếu nại gửi tới UBND Quận. Theo hồ sơ quản lý đất đai của UBND xã Liên Mạc (nay là UBND phường Liên Mạc) thể hiện: Tại phương án giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của UBND xã Liên Mạc, hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi có 09 nhân khẩu, được giao 2.322 m2 đất nông nghiệp trong tổng số 2.440 m2
đất hộ gia đình đang sử dụng. Trên thực tế hộ gia đình ông Mùi đã được cấp GCNQSD 1.923 m2
đất nông nghiệp (gồm thửa 236 diện tích 372 m2
tờ bản đồ 15, thửa 338 diện tích 376 m2, thửa 357 diện tích 327 m2, thửa 581 diện tích 360 m2, thửa 92 diện tích 195 m2, thửa 105 diện tích 293 m2
thuộc tờ bản đồ 16). Như vậy, so với phương án giao đất nông nghiệp còn thiếu 399 m2
.
Tại dự án xây dựng Khu công nghệ cao sinh học trên địa bàn phường Liên Mạc, hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi đang sử dụng diện tích 517 m2
đất nằm trong chỉ giới GPMB. Diện tích đất này thuộc thửa đất số 96, tờ bản đồ số 20, bản đồ năm 1994 là đất nông nghiệp không giao do UBND phường Liên Mạc quản lý (không thuộc diện tích đất nông nghiệp hộ gia đình được giao theo Nghị định 64/CP).
Trên cơ sở xác định hộ ông Hoàng Văn Mùi sử dụng 517m2 đất nằm trong chỉ giới GPMB dự án xây dựng Khu công nghệ cao sinh học là đất nông nghiệp không giao do UBND phường Liên Mạc quản lý; Vì vậy, tại Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 của UBND Quận về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi (Xuyên) đã tính bồi thường về đất theo giá đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013; không tính hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Sau khi UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành quyết định số 1422/QĐ- UBND ngày 11/4/2016 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi. Không đồng ý với quyết định phê duyệt phương án, ông Mùi đã có đơn khiếu nại gửi tới UBND Quận. Ngày 29/7/2016, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có quyết định số 3073/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Văn Mùi với nội dung: Giữ nguyên quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 của UBND Quận về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi. Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND quận Bắc Từ Liêm, ông Hoàng Văn Mùi tiếp tục có đơn khiếu nại gửi UBND Thành phố. Trên cơ sở báo cáo kết quả xác minh số 3243/BC-TTTP-P2 ngày 31/10/2016 của Thanh tra Thành phố, UBND Thành phố có Quyết định số 6894/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 về việc giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Văn Mùi với nội dung: Đồng ý Quyết định số 3073/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm về giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Văn Mùi (ở tổ dân phố Yên Nội 2, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) về việc không áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm (mức hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp) khi Nhà nước thu hồi 517m2
đất nông nghiệp hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi đang sử dụng để thực hiện dự án xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội tại phường Liên mạc, quận Bắc Từ Liêm.
Như vậy, việc ông Hoàng Văn Mùi khiếu nại quyết định số 1422/QĐ- UBND ngày 11/4/2016 của UBND quận Bắc Từ Liêm về việc phê duyệt phương án BTHT cho gia đình đã được UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND thành phố Hà Nội xem xét giải quyết với quan điểm thống nhất: hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi không được hưởng khoản hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi 517m2 đất nông nghiệp đang sử dụng tại dự án Khu công nghệ cao sinh học
do diện tích đất này không thuộc diện tích đất hộ gia đình được giao đất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định 64/CP mà thuộc quỹ đất nông nghiệp không giao do UBND phường Liên Mạc quản lý.
Tuy nhiên, song song với việc gửi đơn khiếu nại quyết định số 3073/QĐ- UBND ngày 29/7/2016 của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, ông Hoàng Văn Mùi có đơn khởi kiện quyết định này tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và ngày 31/7/2017, Tòa án nhân dân Thành phố có Bản án số 12/2017/HC-ST với nội dung nhận định:
Nguồn gốc diện tích 517m2 đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Mùi có từ năm 1981 được HTX Yên Nội, xã Liên Mạc giao, hình thức giao là giao khoán theo chính sách giao khoán 100 của Chính phủ. Đến năm 1986, HTX chuyển sang hình thức khoán 10. Hộ gia đình ông Mùi đã sản xuất nông nghiệp ổn định liên tục trên diện tích đất nông nghiệp này từ năm 1981 đến nay không có tranh chấp gì. Hiện đều trồng hoa màu trên đất.
Theo quy định tại đoạn cuối của điểm d khoản 1 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và theo quy định tại điểm e mục 5, mục 6 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi là hộ sản xuất nông nghiệp, diện tích đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, do hộ gia đình ông nhận giao khoán của HTX từ những năm 1981 đến nay vẫn đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nộp thuế nông nghiệp đầy đủ theo quy định và đều có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đó… Gia đình ông Mùi đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất. Do vậy, cần hủy một phần Quyết định 1422/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 của UBND quận Bắc Từ Liêm về việc phê duyệt phương án BTHT đối với hộ ông Hoàng Văn Mùi và một phần Quyết định số 3073/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ
Liêm giải quyết khiếu nại liên quan đến chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất như hướng đã phân tích ở trên và như đề xuất của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ….
Tại bản án, Tòa án nhân thành phố đã quyết định: Hủy một phần Quyết định số 3073/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm về việc giải quyết khiếu nại đối với gia đình ông Mùi và một phần Quyết định 1422/QĐ-UBND ngày 11/4/2016 của UBND quận Bắc Từ Liêm về việc phê duyệt phương án BTHT khi nhà nước thu hồi đất đối với hộ ông Hoàng Văn Mùi. Kiến nghị UBND quận Bắc Từ Liêm ra quyết định phê duyệt bổ sung phương án BTHT cho gia đình ông Hoàng Văn Mùi theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Tòa án nhân dân Thành phố đã áp dụng điểm d khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về việc các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất của các nông lâm trường quốc doanh để giải quyết đơn của ông Hoàng Văn Mùi đang sử dụng đất nông nghiệp không giao do UBND phường quản lý là áp dụng pháp luật chưa đúng đối tượng theo quy định. Mặt khác, Tòa án có viện dẫn quy định tại điểm e mục 5, mục 6 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và nhận định "hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi là hộ sản xuất nông nghiệp, diện tích đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, do hộ gia đình ông nhận giao khoán của HTX" để xác định hộ ông Mùi đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề mà không xem xét đến việc hộ gia đình ông Hoàng Văn Mùi không có hợp đồng giao khoán, hợp đồng thuê đất theo quy định tại điểm b/2 mục 5 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP:
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy
sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 điều này thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất [53, Điều 4].
Bên cạnh đó, nếu UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện theo Bản án trên thì sẽ gặp khó khăn vướng mắc, cụ thể: Tại dự án Khu công nghệ cao sinh học trên địa bàn phường Liên Mạc, sau khi UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành quyết định phê duyệt phương án BTHT, có tổng số 64 hộ dân gửi đơn khiếu nại quyết định phê duyệt phương án tới UBND quận Bắc Từ Liêm với nội dung đề nghị được hưởng khoản hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp không giao theo Nghị định 64/CP các hộ đang sử dụng và đã được UBND Quận xem xét giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền. Sau khi UBND Quận giải quyết khiếu nại, có 57 hộ dân không đồng ý, tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới UBND Thành phố (trong đó có 03 hộ cùng gửi đơn khởi kiện tại Tòa án