Bắc Từ Liêm là một quận thuộc Thành phố Hà Nội, nằm dọc phía bờ nam của sông Hồng; Đông giáp quận Tây Hồ, Đông Nam giáp quận Cầu Giấy, Tây giáp huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Nam giáp quận Nam Từ Liêm, Bắc giáp sông Hồng.Quận Bắc Từ Liêm được thành lập từ ngày 01 tháng 4 năm 2014, theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ, trên cơ sở chia, tách huyện Từ Liêm trước đây với 9 xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai, Phú Diễn, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế; 9,30 ha diện tích tự nhiên và 596 nhân khẩu của xã Xuân Phương; 75,48 ha diện tích tự nhiên và 10.126 nhân khẩu của thị trấn Cầu Diễn. Hiện nay Quận Bắc Từ Liêm có diện tích 4.335,34 ha (43,35 km²), dân số 320.414 người với 13 phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đông Ngạc, Đức Thắng, Liên Mạc, Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, Tây Tựu, Thượng Cát, Thụy Phương, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo.
Là một quận mới được thành lập, mặc dù cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn nhưng quận Bắc Từ Liêm đã có sự phát triển toàn diện về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và tương đối ổn định; Cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị được chú ý đầu tư, văn hoá - xã hội có bước phát triển mới, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quận Bắc Từ Liêm, trong 5 năm từ 2014 đến năm 2018 quận Bắc Từ Liêm đã tập trung quán triệt, đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển… theo đúng chỉ đạo của Thành phố và Quận ủy. Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Quận giữ được sự phát triển ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng ngành dịch vụ - thương mại từ 21,4% năm 2014 tăng lên 24,1% năm 2018; Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng giảm dần từ 75% năm 2014 xuống còn 74% năm 2018; Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 3,6% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2018.
Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (giá so sánh) của một số ngành trong 5 năm (2014-2018) chủ yếu đạt bình quân 14,7%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 14%. Một số ngành sản xuất và nhiều sản phẩm công nghiệp đã có bước phát triển mới; sức cạnh tranh trên thị trường được nâng cao, được người tiêu dùng tín nhiệm và hướng tới xuất khẩu. Hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển nhanh, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại đạt bình quân 19,2%, có nhiều trung tâm dịch vụ thương mại và các siêu thị lớn đi vào hoạt động như Metro, siêu thị điện máy HC… Nhiều khu dịch vụ cao cấp được đầu tư xây dựng tại các phường: Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế 1… đã tạo một diện mạo mới của ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản giảm bình quân 1,3%. Trong những năm qua diện tích đất nông nghiệp liên tục giảm do Nhà nước thu hồi đất để phát triển đô thị, song những vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: rau, hoa, cây ăn quả cơ bản vẫn được duy trì ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt 808 triệu đồng. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao được hình thành. Bộ mặt của quận có nhiều khởi sắc, các cơ sở hạ tầng: hệ thống cung cấp điện,
nước sạch, hệ thống chợ, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hoá - thể thao, điểm vui chơi… được đầu tư mạnh mẽ, đời sống nông dân được cải thiện. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được tăng cường, hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông, nút giao thông quan trọng, triển khai nhiều dự án xây dựng và cải tạo hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước.
Hệ thống các thiết chế văn hoá từ quận đến cơ sở từng bước được hoàn thiện về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá của Nhân dân. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Quận có sự chuyển biến mới. Quy mô, mạng lưới giáo dục - đào tạo ngày càng được mở rộng, đáp ứng được nhu cầu học tập của Nhân dân, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đến nay, toàn Quận đã có 36/41 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, 100% các phường hoàn thành phổ cập trung học phổ thông. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân được nâng cao, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện tốt; 100% các phường của Quận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội và thực hiện tốt các chính sách xã hội.
Sự hình thành và phát triển của quận Bắc Từ Liêm gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của thủ đô Hà Nội. Theo quy hoạch chi tiết đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 14/2000/QĐ-UBND ngày 01/12/2000 thì quận Bắc Từ Liêm nằm trong khu vực định hướng phát triển chủ yếu của Thành phố đến năm 2020, phần lớn đất tự nhiên nằm trong vùng phát triển của Thành phố trung tâm, có nhiều điều kiện cho phát triển đô thị, đồng thời cũng là vành đai xanh sinh thái của Thành phố. Theo quy hoạch, đến nay các khu đô thị đã dần được hình thành tại các phường: Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Cổ Nhuế1, Cổ Nhuế 2, Phú Diễn... như: khu đô thị Ciputra, khu đô thị mới Nam Thăng Long, khu Ngoại giao đoàn, khu Tây Hồ Tây, khu Resco, khu đô thị mới Cổ Nhuế, khu đô thị Goldmark City; các cơ
quan lớn của Trung ương, thành phố như Bộ Công an, Bộ Công thương, khu hành chính mới thành phố Hà Nội, Tháp truyền hình…; phát triển các trung tâm thương mại lớn như Siêu thị Metro; xây dựng bệnh viện đa khoa tại phường Cổ Nhuế 2; hình thành vành đai xanh sinh thái của Thành phố với các khu công viên cây xanh như Công viên Hoà Bình (ở phường Xuân Đỉnh), các khu công viên cây xanh, hồ điều hoà tập trung chủ yếu ở phường Cổ Nhuế, Minh Khai kết hợp với hệ thống cây xanh cách ly hai bờ sông Nhuệ tạo thành hệ thống xanh liên tục, kết hợp với vườn quả sinh thái tự nhiên tại phường Minh Khai đáp ứng lợi ích kinh tế, cải thiện môi trường và cảnh quan du lịch; xây dựng Khu công nghiệp Nam Thăng Long, khu công nghệ sinh học cao tại phường Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương; phát triển mạng lưới giao thông với việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 kết hợp xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên cao, mở rộng đường vành đai 3; xây dựng tuyến đường 32 đi khu công nghiệp Nam Thăng Long, đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long (nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài), đường Tây Thăng Long; hình thành các đầu mối giao thông quan trọng cấp Thành phố như: ga đường sắt Quốc gia Phú Diễn, ga Đêpo xe điện tại Tây Tựu, Bến xe khách liên tỉnh phía Tây, bến xe tải liên tỉnh phía Tây, Cảng Thượng Cát...