III. Các giải pháp xây dựng mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng
1. Giải pháp vĩ mô
1.1. Ban hành và hoàn thiện các văn bản pháp luật
Khi thành lập tập đoàn tài chính - ngân hàng, các NHTMVN gặp phải nhiều khó khăn: vốn điều lệ thấp, chất lượng nguồn lực chưa đảm bảo, công nghệ chưa phát triển….nhưng một trong những nguyên nhân đóng vai trò quyết định sự ra đời và phát triển của tập đoàn tài chính - ngân hàng đó chính là các qui định của pháp luật. Hiện nay, tại Việt Nam hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, các văn bản còn chồng chéo lên nhau, trong mỗi văn bản pháp luật còn tồn tại nhiều lỗ hổng. Nếu cứ tuân thủ theo những qui định tại các văn bản này sẽ là một sự mạo hiểm không nhỏ cho một mô hình mới còn trong thời gian phôi thai mới sinh sôi nảy nở. Thông qua các văn bản pháp luật được Quốc hội và Chính phủ ban hành sẽ tạo ra khung hành lang pháp lí và môi trường pháp luật thuận lợi cho các tập đoàn tài chính - ngân hàng được thành lập kịp thời và hoạt động có hiệu quả, vừa đảm bảo kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, vừa phục vụ các yêu cầu,
nhiệm vụ chính trị được giao, thật sự là một trong những công cụ hữu hiệu của Nhà nước góp phần giữ vững định hướng XHCN nền kinh tế thị trường ở nước ta.
1.2. Nghiên cứu, lựa chọn mô hình chuyển đổi thành lập
Việc nghiên cứu, lựa chọn mô hình chuyển đổi thành lập tập đoàn tài chính - ngân hàng trên cơ sở thực tiễn phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, có tham khảo ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của Trung Quốc - quốc gia có điều kiện phát triển tương tự với nước ta để có được phương án tối ưu. Phải lựa chọn một cấu trúc tổ chức tập đoàn tài chính theo mô hình ngân hàng đa năng.
Mô hình 3.1: Mô hình ngân hàng đa năng
(Nguồn: Tài liệu hội thảo khoa học về xây dựng mô hình tập đoàn tài chính -ngân hàng ở Việt Nam tháng 8/006 - Ngân hàng Nhà nước)
Trong đó, coi hợp nhất và sáp nhập (M&A) là những hình thức tất yếu trong con đường hình thành những tập đoàn tài chính. Vì đây là một xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Nhưng việc hợp nhất và sáp nhập không phải tiến hành một cách tùy tiện mà nó phải tuân thủ một số những nguyên tắc:
Thứ nhất là bên bị sáp nhập không thể tự cứu vãn tình thế của mình trước ngưỡng cửa suy thoái.
Thứ hai là tất cả các bên sáp nhập đều tìm thấy lợi ích của mình trong môt liên minh lớn hơn. Chính vì vậy cần lựa chọn những đối tác sáp nhập cho phù hợp.
Thứ ba là lợi thế sáp nhập luôn thuộc về bên có quyền lợi chi phối. Vì vậy, một NHTM không nên chỉ mua cổ phần của một công ty tài chính khác chỉ để hưởng cổ tức suông hay chỉ nắm giữ tỉ lệ cổ phần nhỏ mà họ nắm giữ cổ phiếu để nắm quyền chi phối.